Tại Indonesia, quản lí nguồn nhân lực trong phạm vi nhà trường ngày càng trở nên quan trọng nhằm đảm bảo và cải thiện chất lượng giáo dục. Sự phát triển của các yếu tố như thâm niên công tác, chứng chỉ nghề nghiệp, nhận thức về học trực tuyến, và sức khỏe tinh thần của giáo viên đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu đánh giá tác động của những yếu tố này đến công tác quản lí trường học, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm tăng mức độ phổ biến của học trực tuyến, đồng thời gây ra nhiều thách thức cho giáo viên trong việc duy trì hiệu quả dạy học và quản lí lớp học trong môi trường số. Do đó, việc tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của nguồn lực cá nhân và chuyên môn của giáo viên đến quản lí nguồn nhân lực trong nhà trường mang đến các kiến thức thực tiễn và góp phần xây dựng các giải pháp hỗ trợ cho giáo viên trong công tác giảng dạy.
Thông qua khảo sát 474 giáo viên tiểu học tại Magetan, Đông Java, Indonesia cùng với phương pháp phân tích mô hình cấu trúc PLS và phần mềm SmartPLS 3.0 được sử dụng, các giáo viên được đánh giá dựa trên những yếu tố như thâm niên công tác, nhận thức về học trực tuyến, chứng chỉ nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe tinh thần, cùng với các yếu tố chuyên môn khác nhằm xác định những yếu tố có ảnh hưởng đáng kể nhất đến quản lí nguồn nhân lực trong phạm vi nhà trường.
Kết quả cho thấy các nguồn lực cá nhân của giáo viên có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả quản lí nguồn nhân lực trong nhà trường. Thâm niên công tác của giáo viên là một yếu tố quan trọng, khi các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm thường có khả năng quản lí và hỗ trợ học sinh hiệu quả hơn nhờ vào kiến thức và kĩ năng tích lũy qua nhiều năm. Những giáo viên có thâm niên lâu thường nắm vững các phương pháp giảng dạy linh hoạt, giúp họ ứng phó nhanh chóng với các tình huống phát sinh trong lớp học. Bên cạnh đó, nhận thức về học trực tuyến cũng là yếu tố có tác động lớn. Những giáo viên hiểu rõ về lợi ích và cách triển khai học trực tuyến thường dễ dàng tích hợp công nghệ vào quá trình giảng dạy, giúp quản lí lớp học linh hoạt và hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh trong môi trường số hóa.
Đặc biệt, sức khỏe tinh thần của giáo viên được chứng minh là yếu tố quan trọng nhất trong số các nguồn lực cá nhân, có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quản lí lớp học và tương tác với học sinh. Các giáo viên có trạng thái tinh thần lạc quan, tích cực thường duy trì được thái độ điềm tĩnh, kiểm soát tốt các tình huống phát sinh và tạo môi trường học tập tích cực, ổn định cho học sinh. Khi giáo viên có sức khỏe tinh thần tốt, họ có thể quản lí lớp học một cách linh hoạt, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ căng thẳng công việc và nâng cao sự gắn kết giữa học sinh và giáo viên. Đồng thời cải thiện khả năng xử lí các tình huống khó khăn và tăng cường khả năng tập trung vào chất lượng giảng dạy.
Nguồn lực chuyên môn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả quản lí nguồn nhân lực trong phạm vi nhà trường. Chứng chỉ nghề nghiệp của giáo viên là một yếu tố nổi bật. Những giáo viên có chứng chỉ nghề nghiệp không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn thể hiện sự tự tin trong công tác giảng dạy và quản lí lớp học. Giáo viên cóchứngg chỉ thường nắm vững các phương pháp giảng dạy tiên tiến và có khả năng điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu của học sinh, từ đó tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả. Việc sở hữu chứng chỉ nghề nghiệp cũng giúp giáo viên có được sự tôn trọng và tin tưởng từ phía phụ huynh và đồng nghiệp, từ đó tăng cường hiệu quả trong quản lí lớp học.
Việc thực hiện các hoạt động dạy học đọc viết cũng là một phần thiết yếu trong việc xây dựng văn hóa đọc và môi trường học tập tích cực trong trường học. Các giáo viên chú trọng đến hoạt động dạy học đọc viết thường giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc hiểu và tư duy phản biện, đồng thời tạo ra bầu không khí học tập nơi học sinh được khuyến khích tham gia tích cực. Môi trường học tập tích cực không chỉ giúp học sinh cảm thấy thoải mái mà còn giúp họ tập trung vào học tập, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Ngoài ra, trạng thái công việc của giáo viên (giữa giáo viên công lập và giáo viên hợp đồng) không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả quản lí nguồn nhân lực trong nhà trường. Dù giáo viên làm việc trong hệ thống công lập hay hợp đồng, những giáo viên có trình độ chuyên môn và cam kết cao vẫn đóng góp hiệu quả vào công tác quản lí trường học và hỗ trợ học sinh. Điều này cho thấy rằng sự cam kết với công việc và kĩ năng của giáo viên là yếu tố quan trọng hơn loại hợp đồng công việc mà họ có.
Có thể thấy, nguồn lực cá nhân và chuyên môn của giáo viên đều đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lí nguồn nhân lực trong phạm vi nhà trường. Những yếu tố như chứng chỉ nghề nghiệp, kinh nghiệm, sức khỏe tinh thần và nhận thức về công nghệ không chỉ hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục bền vững, tạo điều kiện cho học sinh phát triển một cách toàn diện. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách giáo dục nên chú trọng đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên môn và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho giáo viên, nhằm tối ưu hóa chất lượng giảng dạy và quản lí trong trường học. Bên cạnh đó, sự phát triển của các chính sách và chiến lược sẽ giúp việc xây dựng hệ thống quản lí nguồn nhân lực trong trường học ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và phát triển kĩ năng cho thế hệ trẻ.
Tại Việt Nam, việc chú trọng đến các nguồn lực cá nhân và chuyên môn của giáo viên giúp nâng cao hiệu quả giáo dục. Giáo dục Việt Nam cũng có sự tương đồng với Indonesia trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, nhất là sau đại dịch Covid-19, khi học trực tuyến trở nên phổ biến. Việc chú trọng đến các nguồn lực cá nhân và chuyên môn của giáo viên có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục. Các chương trình phát triển chuyên môn cho giáo viên, đi đôi với các chính sách hỗ trợ sức khỏe tinh thần sẽ góp phần tạo dựng môi trường học tập tích cực và bền vững, giúp giáo viên và học sinh đạt được thành tích cao hơn, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho giáo dục trong thời đại số hóa.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Ghufron, S., Fitriyah, F. K., Sodikin, M., Saputra, N., Amin, S. M., & Muhimmah, H. A. (2024). Evaluating the Impact of Teachers’ Personal and Professional Resources in Elementary Education on School-Based Human Resource Management: A Case Study in Indonesia. SAGE Open, 14(1), 21582440241231049.