Để xứng đáng là ngọn cờ đầu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà

Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 9/10/2024. Đầu đề do Tạp chí đặt.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Kể từ khi được thành lập năm 1956, với tên gọi Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật chất lượng cao, có đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp mà người hiệu trưởng đầu tiên đã dày công đặt nền móng. Đó chính là Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người mà tài năng, đức độ, sự khiêm tốn và bình dị của ông đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam, nhận được sự cảm phục, kính trọng của bạn bè quốc tế. Chúng ta đã không quên báo đáp công ơn của gần 3.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường, theo tiếng gọi thiêng liêng “Xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Chúng ta đã khắc ghi những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người 3 lần về thăm trường (18/2/1958; 17/6/1960; 11/3/1962), trong đó, ngay lần đầu tiên, Bác đã nhắc nhở: “Các cô, các chú học để mà hành, học để phục vụ nhân dân không phải để làm quan. Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”.

Lớp lớp “Người Bách khoa”, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đã có những đóng góp, cống hiến to lớn đối với sự nghiệp khoa học kỹ thuật, công nghệ của đất nước. Trong gần 70 năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo trên 200.000 kỹ sư; 17.000 thạc sĩ; gần 1.200 tiến sĩ. Nhiều trường đại học kỹ thuật (như: Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thủ Đức, Trường Đại học Tây Nguyên) được hình thành và phát triển như ngày nay, là có sự đóng góp quan trọng của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2000, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2006, Trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhiều cán bộ, sinh viên được đào tạo, rèn luyện từ mái trường này đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành danh tiếng; các doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Từ 848 sinh viên khóa đầu tiên năm 1956, đến nay, Trường đã tuyển sinh trên 9.000 sinh viên mỗi khóa, với quy mô đào tạo gần 40.000 người học, kể cả sinh viên quốc tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đạt 74% (là tỉ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học của cả nước), trong đó, có gần 300 giáo sư, phó giáo sư. Đây chính là nguồn tài nguyên, tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và động lực quan trọng nhất cần nuôi dưỡng, phát huy, khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Theo bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học của Tổ chức giáo dục QS (Vương quốc Anh), năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng 248 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất châu Á; ở vị trí 54 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất Đông Nam Á. Đại học Bách khoa Hà Nội là thành viên tích cực, chủ chốt trong mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, giữ vai trò dẫn dắt các trường đại học kỹ thuật trong nước để phát triển, lan tỏa các sáng kiến, giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là nỗ lực rất lớn, cũng là niềm vinh dự, lòng tự hào của các thế hệ thầy, trò, cán bộ, sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa chúc mừng Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, coi đây là những lĩnh vực then chốt nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của đất nước. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII (Nghị quyết số 45-NQ/TW) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới nhấn mạnh: Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh.

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường đầu tư, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ-CP ngày 8/2/2023, trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á. Quyết định số 1525-QĐ-TTg ngày 2/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội là dấu mốc quan trọng, tạo bước chuyển đột phá về mô hình phát triển, quản trị đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhấn mạnh: Tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mới đây, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1018/QD-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định rõ: Nhân lực là trụ cột cốt lõi và là nền tảng để hình thành ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; tăng cường đào tạo, phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực để Việt Nam trở thành một trong các trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Lãnh đạo nhà trường và đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Cụm công trình phục vụ công tác chuyển đổi số và xây dựng khoa học trực tuyến thuộc Trung tâm xây dựng học liệu số, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chúng ta đang ở giai đoạn cuối trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thể hiện quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII. Bên cạnh đó, nhiệm vụ góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIV; tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, đòi hỏi sự tham gia của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị, nhất là chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức tại các cơ sở giáo dục đại học.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Một trong 8 vấn đề về phương hướng, giải pháp chiến lược mà Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập, đó là: Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Phát huy bề dày truyền thống, tự hào về những thành tựu vẻ vang đã đạt được, hướng tới xây dựng Đại học Bách Khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện; một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, Đại học Bách Khoa Hà Nội quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước (nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; các nghị quyết của Chính phủ; định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn... Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, chú trọng nghiên cứu, đề xuất ý tưởng mới, có tính đột phá. Mạnh dạn thí điểm những mô hình mới hoặc áp dụng sáng tạo, có chọn lọc những mô hình tiên tiến của các đại học đẳng cấp thế giới. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tâp trung vào các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn.

Thứ ba, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo cả về tài và đức, phẩm chất và uy tín khoa học, bởi đây là nguồn lực và động lực quan trọng nhất để tạo nên sự phát triển đột phá. Đề cao giáo dục về chính trị tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Đại học với xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ, viên chức.

Thư tư, tăng cường mối quan hệ, hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ đô Hà Nội. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác quốc tế trong đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, nội dung, phương thức, kỹ năng giáo dục đại học trong kỷ nguyên số; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn.

Thứ năm, coi trọng xây dựng, lan tỏa môi trường văn hóa Bách khoa, với bản sắc riêng có của “Người Bách khoa”, như đã xác định giá trị cốt lõi là: Chất lượng - Hiệu quả; Tận tụy - Cống hiến; Chính trực - Tôn trọng; Tài năng cá nhân - Trí tuệ tập thể; Kế thừa - Sáng tạo. Coi đây là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học trong nước, khu vực và quốc tế, thu hút, trọng dụng nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp giúp đỡ để xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng một số đại học trọng điểm sớm trở thành đại học đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đồng thời tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các đại học phát triển đúng tầm, nhất là vấn đề tự chủ đại học và việc tăng ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục đại học.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu thăm Trung tâm xây dựng học liệu số, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Đó chính là phương pháp đào tạo nên những người có đức, có tài phục vụ cho xã hội và đất nước. Các trường đại học nói chung và Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng cần thực hiện tốt lời dạy của Người, để xứng đáng là ngọn cờ đầu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà.../.

Nguồn: tuyengiao.vn

Bạn đang đọc bài viết Để xứng đáng là ngọn cờ đầu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19