Tích cực huy động nguồn lực kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên

10 năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, đặc biệt là kiên cố hoá trường, lớp học đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Hiện thực hoá ước mơ xoá điểm trường lẻ, không phải học 2 ca/ngày

Là địa phương còn nhiều khó khăn, song ngành giáo dục và chính quyền tỉnh Yên Bái đặt ưu tiên hàng đầu trong việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Công trình xã hội hóa, xây dựng 6 phòng học của Trường mầm non xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái

Cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái cho biết: Năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đầu tư 3,5 tỷ đồng, xây dựng cho nhà trường 6 phòng học kiên cố, với quy mô gồm 3 tầng, diện tích sàn 932m².

Tháng 12/2020, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với các phòng học rất khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, các công trình phụ trợ, đảm bảo quy chuẩn lớp học mầm non theo quy định. Từ đó, nhà trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 2, đáp ứng được công tác dạy học và chăm sóc trẻ mầm non đạt chuẩn.

Năm học 2024-2025, Trường mầm non Đại Đồng có 22 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và chăm sóc 170 trẻ em từ 3 tháng đến 72 tháng tuổi. Ngôi trường mới đã hiện thực hóa mơ ước của giáo viên và người dân địa phương khi không còn điểm trường lẻ, không còn học 2 ca/ngày. 

Đặc biệt, trường có 62 em học sinh là người dân tộc Dao và Cao Lan, trước kia, các em phải di chuyển khó khăn để đến trường, có em xa nhất đi học gần 10km. Giờ đây, các em được ở lại trường, được chăm sóc và học tập, vận động, được phát triển.   

Lớp học khang trang, sạch đẹp, đảm bảo quy chuẩn theo quy định

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường mầm non Đại Đồng cho biết, công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm, từ những nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, đến nay, khi được giảng dạy trong ngôi trường mới khang trang, đã giúp cô giáo và các em học sinh thuận lợi hơn rất nhiều.

“Nếu như trước kia, tất cả mọi hoạt động từ học tập, ăn uống, nghỉ ngơi của các con đều trong một căn phòng nhỏ, hẹp, chúng tôi rất vất vả trong việc sắp xếp, vận chuyển đồ đạc, khó khăn trong việc dạy và học, thì giờ đây, các con đã có phòng học, phòng ăn, phòng ngủ riêng. Mọi thiết bị được sắp xếp cố định, có không gian thoải mái cho các con. Đây là sự thay đổi vô cùng lớn mà chúng tôi rất trân trọng, để yên tâm công tác và cống hiến cho ngành giáo dục”, cô Tuyết chia sẻ.

Theo bà Vũ Thị Lý, Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Yên Bình, Yên Bái, trong những năm qua, Phòng GDĐT huyện đã nhận được sự quan tâm của các cấp trong việc thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường lớp. Phòng cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu với lãnh đạo UBND huyện để kêu gọi các nguồn lực, các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ, cùng chung tay xây dựng kiên cố hóa trường lớp.

Kiên cố hoá trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi vẫn đang nỗ lực thực hiện kiên cố hóa trường học, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường trong các năm qua đã được chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng, cũng như bổ sung trang thiết bị dạy và học. Tuy nhiên, hiện nay trường vẫn còn 4 phòng học tạm, hạn chế về diện tích khiến cho việc dạy và học còn nhiều khó khăn.

“Hiện nay, mong muốn lớn nhất của nhà trường là nhận được sự đầu tư từ các đơn vị để có nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi hơn. Qua đó tạo thêm điều kiện để thầy cô yên tâm công tác, giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, đảm bảo các tiêu chí theo quy định, tiến tới thực hiện lộ trình trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2026”, cô Hải bày tỏ.

Dãy 4 phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, Yên Bái

Thầy Nguyễn Văn Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm chia sẻ: Thầy và 33 học sinh đang dạy và học tại dãy phòng học tạm. Mặc dù hàng năm nhà trường đều tiến hành tu bổ, nhưng do diện tích lớp học nhỏ hẹp nên các hoạt động nhóm, trao đổi tập thể trong các giờ sinh hoạt còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng GDĐT huyện Văn Chấn, Yên Bái cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2020-2024 có 76 dự án xã hội hóa đã được xây dựng, với 298 tỷ đồng đầu tư cho ngành giáo dục. Trong đó, có 22 công trình từ nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp, nhà tài trợ đầu tư với tổng kinh phí 14 tỷ 750 triệu đồng. Từ tháng 6/2024 đến nay, huyện Văn Chấn đã khánh thành 5 điểm trường lẻ, đa số là các phòng học mầm non do các nhà tài trợ đầu tư xây dựng.

Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, đến năm 2023, toàn tỉnh có 6.871 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố 6.026 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 87,7%. Số phòng công vụ cho giáo viên là 173 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%.

Số lượng trường, lớp được đầu tư từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013-2023 là 79 trường với quy mô 1.218 lớp. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013-2023 là 223.780 triệu đồng.

Tiếp tục quyết liệt thực hiện kiên cố hoá trường lớp, nhà ở cho giáo viên

Sau 10 năm, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để tăng cường các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất trường, lớp học.

Trường, lớp học được kiên cố hóa, nâng cao chất lượng dạy và học tại các địa phương

Bộ GDĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã ban hành, hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật và cơ chế tài chính để huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học.

Báo cáo thực trạng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tính đến ngày tháng 10/2024 của Bộ GDĐT cho biết: Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập với 553.181 phòng học; số phòng học kiên cố khoảng 364.367, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 65,9%. Cụ thể, cấp học Mầm non tỷ lệ kiên cố hóa là 47,7%; cấp học Tiểu học 61,6%; cấp học THCS là 80,5%; cấp học THPT là 90,4%.

Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thổng công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Trong đó cấp học Mầm non đã nâng tỷ lệ kiên cố hóa lên 83,0%; cấp học Tiểu học 83,2%; cấp học THCS 94,9%; cấp học THPT 97,0%.

Về nhà công vụ cho giáo viên, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012. Kết quả thực hiện đến hết năm 2013, đã có 23.104 nhà công vụ giáo viên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng không thể sử dụng, một phần do thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục, số lượng phòng công vụ giáo viên các cấp học theo số liệu thống kê hết năm 2023 còn 19.345 phòng. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nhà công vụ của giáo viên tại các vùng khó khăn vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, trong giai đoạn 2013-2023, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng 35.984 phòng, số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.216 phòng. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng.

Một số tỉnh đã xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Việc tham gia xã hội hoá giáo dục của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có những chuyển biến tích cực.

Thời gian tới, để thúc đẩy xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương chủ động trong lập kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục, đảm bảo quỹ đất cho việc xây dựng các trường học mới, nhất là tại các khu đô thị mới và khu tái định cư. Đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc thực hiện các dự án xã hội hóa. Tiếp tục đẩy mạnh quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để các trường học chủ động trong việc huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Bạn đang đọc bài viết Tích cực huy động nguồn lực kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19