Đắk Nông duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Kế hoạch thực hiện Đề án xóa mù chữ và Đề án xây dựng xã hội học tập nhằm xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu đã được tỉnh Đắk Nông ban hành và triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua. Đến nay, tỉnh đã mở hàng trăm khóa học xóa mù chữ giúp hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, từ đó biết cách áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông có nhiều bà con, chủ yếu là người dân tộc thiểu số chưa một lần được đi học. Do đó, khi làm các loại giấy tờ, bà con chỉ biết lăn tay, điểm chỉ. Đắk Nông là tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 không biết chữ còn cao. Từ lúc các lớp xóa mù chữ liên tiếp được mở ra, bà con nhân dân nhiều địa phương phấn khởi đi học. Thậm chí, cũng có những trường hợp làm giấy khai sinh cho con cái nhưng phải nhờ người viết hộ... Thế nên, khi các cán bộ xã và các giáo viên đến nhà động viên tham gia các lớp xóa mù chữ thì có nhiều bà con không ngần ngại tham gia. Thậm chí có nhiều người đã đến 60 tuổi nhưng rất ham học. Bà Triệu Mùi Gỉn (60 tuổi), ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong khẳng định, không biết chữ thì bà thấy khổ. Khi có việc gì mọi người bảo xem nhưng mình không biết chữ, cả điện thoại cũng không biết dùng. "Sau hơn 2 tháng học chữ nay tôi đã biết đánh vần, đọc được con chữ và đếm được các con số" - bà Gỉn phấn khởi cho biết.

Khi trời đã chuyển tối, với chiếc đèn pin đã nạp đầy năng lượng, khoảng 60 học viên ở vùng sâu, vùng xa xã Đắk R'măng (huyện Đắk Glong) đã không quản ngại đường sá xa xôi mà vẫn vượt núi, băng rừng đến lớp học xóa mù chữ. Là một trong những học viên có tuổi đời trẻ nhất lớp, chị Giàng Thị Sơ (26 tuổi), trú cụm dân cư số 12, xã Đắk R'măng chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị biết đến bảng chữ cái. Lúc này, đứa con đầu lòng của chị cũng đã vào lớp 1. “Con gái học lớp 1, mình cũng học lớp 1 nên vui lắm. Bây giờ, cả hai mẹ con đều là học sinh của trường. Buổi sáng mình đi làm thì con đi học, đêm đến, con cũng theo mẹ đến lớp xóa mù. Từ ngày học đánh vần, hai mẹ con đều chỉ cho nhau học bài” - chị Sơ hào hứng kể.

Ảnh: Nhiều bà con dù tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia các lớp học xóa mù chữ

Còn tại xã Long Sơn, huyện Đắk Mil là địa phương đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông mở lớp xóa mù chữ cho người lớn. Nằm biệt lập ở cuối huyện, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc sinh sống, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ việc không biết chữ mỗi lần giao dịch thủ tục hành chính bà con thường lăn dấu tay điểm chỉ, bà con không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, không học hỏi được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Cách đây hơn 10 năm, được sự chấp thuận của UBND huyện Đắk Mil, UBND xã Long Sơn phối hợp với Trường Tiểu học Kim Đồng mở 3 lớp xóa mù chữ đầu tiên cho người lớn vào các buổi tối trong tuần, với hơn 100 học viên chủ yếu là phụ nữ người dân tộc. Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, cô giáo Nguyễn Thị Thảo kể: “Dạy chữ cho người lớn rất khó, riêng việc dạy cầm bút cũng đã mất rất nhiều thời gian. Để học viên tiêp thu tốt hơn chúng tôi phải làm lại giáo án cho phù hợp dựa trên chương trình giáo khoa lớp 1. Điều mừng là, các chị đều chịu khó đi học đều, tập trung cao nên tiếp thu rất nhanh. Kết thúc chương trình lớp 1, hầu hết đã đọc thông, viết thạo và biết tính toán”. Đến nay, xã Long Sơn vẫn duy trì các lớp học, xóa mù chữ cho hàng trăm người dân. Phong trào “bình dân học vụ” lan rộng đến các xã lân cận khác như Đắk Săk, Đắk N’Drót, Thuận An…

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Đắk Mil Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: Từ năm 2014 đến nay, Đắk Mil đã mở nhiều lớp xóa mù chữ cho hàng trăm học viên đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu phấn đấu của huyện là đạt chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 2, nâng tỷ lệ người biết chữ phổ thông trong độ tuổi là 15-60 lên mức 95%. Đến nay, hàng trăm học viên đã “tốt nghiệp” tự tin vì đã biết chữ, còn những học viên đang học thì chăm chỉ, hăng hái hơn. “Thời gian đầu vận động bà con đi học khó khăn lắm vì tâm lý e ngại và nghĩ mình già rồi học cũng chẳng để làm gì. Nhưng khi cả hệ thống chính quyền xã, thôn buôn vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn đi vận động thì bà con cũng hiểu được lợi ích của việc biết chữ nên rủ nhau đến lớp ngày một đông hơn”.

Vì muốn mở một cửa hàng tạp hóa mà ngay khi có lớp học xóa mù chữ, vợ chồng ông Đặng Vần Cấn, trú thôn Đắk Na rủ nhau đi học. Ông Cấn chia sẻ “Từ trước tới giờ mình chỉ biết đếm tiền, chứ không biết đọc, viết hay tính toán con số. Tham gia lớp học mấy tháng, cả hai vợ chồng đã đọc thông, viết thạo và biết tính toán sơ sơ. Nếu lớp học còn tiếp tục mình sẽ theo học đến cùng để có đủ kiến thức mở cửa hàng tạp hóa như mong muốn”.

Trưởng phòng GDĐT huyện Krông Nô Bùi Văn Út cho biết: “Mục tiêu của huyện là càng giúp người người biết chữ càng tốt. Quan trọng là sắp xếp thời gian học cho phù hợp mùa vụ để bà con có thời gian đến lớp và ôn bài nhiều hơn”. Phong trào học tiếp tục lan rộng đến các xã biên giới như xã Thuận An, huyện Đắk Mil, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức; xã Đắk Wil huyện Cư Jut.

Nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ. Do đó, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư, tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ để chính bản thân họ phát triển giao lưu với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham gia tích cực hơn góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội…         

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông: “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để nâng cao công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quan tâm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn. Ngành tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động học sinh đến trường, học viên ra lớp xóa mù chữ".                  

Nhật Minh

Bạn đang đọc bài viết Đắk Nông duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn