Phát triển giáo dục cần ưu tiên đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính

Điều kiện về cơ sở vật chất trong hoạt động giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Mặc dù hiện trạng cơ sở vật chất, trường, lớp học còn có những khó khăn, song toàn ngành giáo dục vẫn nỗ lực khắc phục để triển khai tốt các nhiệm vụ đề ra.

Hiện trạng còn khó khăn

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thống kê về những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn trong việc bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho giáo dục.

Theo đó, về hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập với 657.912 lớp (cấp mầm non có 160.553 lớp, cấp tiểu học có 256.753 lớp, cấp THCS có 136.766 lớp, cấp THPT có 62.023 lớp và trường phổ thông có nhiều cấp học có 41.817 lớp). Về phòng học, cả nước có gần 610.223 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 521.942 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 85,5%: Giáo dục mầm non: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,79; tỷ lệ kiên cố hóa 82%; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 26,6 học sinh. Giáo dục Tiểu học: Tỷ lệ trung bình phòng học /lớp 0,98; tỷ lệ kiên cố hóa 82,9%; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 31,6 học sinh. Giáo dục THCS: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,95; tỷ lệ kiên cố hóa 89,8%; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 38,4 học sinh. Giáo dục THPT: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,94; tỷ lệ kiên cố hóa 97%; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 36,8 học sinh. Các trường phổ thông nhiều cấp học: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 1,07; tỷ lệ kiên cố hóa 82,6%; sỹ số học sinh trung bình/lớp là 30 học sinh.

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân của cả nước đạt từ 82% trở lên (theo từng cấp học). Tuy nhiên, các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Về phòng học bộ môn: Cơ bản các trường đều có phòng học bộ môn, tuy nhiên cấp tiểu học còn thiếu nhiều. Để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung thêm phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ cho cấp tiểu học. Về thư viện: Cơ bản các trường phổ thông đều có thư viện. Theo thống kê, tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có 26.912 phòng dùng làm thư viện, trong đó: cấp Mầm non có 2.306 thư viện; cấp Tiểu học có 13.005 thư viện; cấp THCS có 9.340 thư viện; cấp học THPT có 2.261 thư viện. Tuy nhiên, quy mô, chất lượng không đồng đều, nhiều thư viện mới chỉ là nơi lưu trữ các học liệu mà chưa có phòng đọc cho học sinh. Về thiết bị dạy học, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng 50,63%. Cụ thể: cấp Mầm non đáp ứng 54,52%; cấp Tiểu học đáp ứng khoảng 51,31%; cấp THCS đáp ứng khoảng 50,68%; cấp THPT đáp ứng khoảng 49,51%.

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa và thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu tối thiểu năm học 2023 - 2024 của cả nước (Nguồn: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 -2024 của Bộ Giáo dục & Đào tạo)

Bên cạnh một số kết quả đạt được, ngành Giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Trước hết, đó là vấn đề thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở giáo dục. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở công lập; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng; các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu thông qua học phí, tài trợ học bổng, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, góp phần tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ hai, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tại một số địa phương, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học. Số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao (cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa), tập trung chủ yếu ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp (mới chỉ đạt 50,63%). Thứ ba, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp không đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống trường, lớp cho con em công nhân, người lao động; các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động trường, lớp mầm non trong các khu công nghiệp trong khi các địa bàn có khu công nghiệp có dân số cơ học tăng nhanh, luôn biến động do công nhân làm việc chủ yếu theo hợp đồng ngắn hạn, công tác dự báo số trẻ, học sinh đến trường khó chính xác. Thứ tư, quy trình mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Một số địa phương, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chưa dành các nguồn ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học.

Cần có những giải pháp đồng bộ, triệt để

Nhằm phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành Giáo dục cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra. Các nhiệm vụ cần thực hiện triệt để như sau:

Tiếp tục triển khai chương trình đầu tư kiên cố hoá trường học, xoá phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 100%; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Tiếp tục triển khai Quyết định 1436/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phát triển giáo dục, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học còn lại thay thế các phòng học tạm thời; phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê.

Phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện; mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông; trong đó, ưu tiên cho lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12 theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư và cơ chế huy động vốn bảo đảm khả thi, phù hợp với các mục tiêu nêu trên; quản lý hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học; thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học.

Mặc dù, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước hiện nay còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, toàn ngành Giáo dục sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trịnh Thu - Tạp chí Giáo dục

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2024) Kết luận số 91 – KL/TW của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

2. Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025

3. Bộ GD&ĐT(2024) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2024 – 2025

Bạn đang đọc bài viết Phát triển giáo dục cần ưu tiên đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19