Là tỉnh vùng cao biên giới, hiện nay, Điện Biên có 19 dân tộc gồm Thái, Dao, Khơ Mú, Kháng, Lào, Hà Nhì… trong đó dân tộc Mông (chiếm 38,12 %) và dân tộc Thái (chiếm 35,69%) chiếm dân số lớn nhất. Hiện toàn tỉnh Điện Biên có số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 96,88%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là 88,39%. Vấn đề xóa mù chữ, nhất là xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, phải thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng trong giáo dục và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngành Giáo dục tỉnh căn cứ các kế hoạch để tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng và chất lượng. Vận dụng kết hợp giữa dạy xóa mù chữ với dạy tiếng dân tộc Mông, Thái; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ qua việc tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề, các lớp học nghề cho người mới biết chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tăng cường thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong năm 2023, công tác xóa mù chữ ở tỉnh Điện Biên đạt kết quả khá cao gần 97% kế hoạch đề ra. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã mở được 28 lớp xóa mù chữ với 619 học viên tham gia chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, đạt 96,87% kế hoạch giao (kế hoạch giao là 29 lớp, 639 học viên). Cụ thể, 28 lớp xóa mù chữ được phân bố ở các huyện gồm: Tuần Giáo 8 lớp với 125 học viên; Mường Chà 7 lớp với 140 học viên; Điện Biên Đông 7 lớp với 200 học viên; Nậm Pồ 4 lớp với 94 học viên và Mường Nhé 3 lớp với 60 học viên. Theo kế hoạch năm 2023, các cơ cở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục mở thêm 54 lớp với quy mô 1223 học viên. Hiện đã có một số huyện triển khai mở lớp như: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảnh, Điện Biên Đông với 36 lớp tổng 876 học viên.
Tại huyện Điện Biên Đông có 54 trường, trong đó có 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 38/54 trường đạt chuẩn quốc gia; 14/14 xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 14/14 xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và mức độ 2, 11/14 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt 100%. Huyện duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến cuối năm 2023, tính riêng tại xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông hiện đang diễn ra 9 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 tại 6 bản (4 lớp mở năm 2022, 5 lớp mở năm 2023). Mỗi lớp từ 25 - 35 học viên. Việc tổ chức lớp được giao cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Luân Giói đảm nhiệm. Mỗi lớp có 2 giáo viên phụ trách, học trong thời gian 5 tháng. Tối thứ 2 - 6 hàng tuần, giáo viên nhà trường đều đặn về các bản dạy con chữ cho người dân, trong đó nhiều người là phụ huynh của học trò mình. Bản Na Ngua, xã Luân Giói có 70 người dân đang theo học 2 lớp xóa mù chữ. Chủ yếu trong số đó là phụ nữ, độ tuổi từ 30 - 60 tuổi.
Ảnh 1: Một lớp học xóa mù chữ diện ra tại huyện Điện Biên Đông.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GDĐT, cho biết: “Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập THCS mức độ 3. Vừa qua, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ người học, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ. Đây là động lực thúc đẩy để người dân chưa biết chữ tham gia học lớp xóa mù chữ. Tin tưởng rằng, kết quả đến hết năm 2024 tỉnh ta sẽ đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra”.
Mục tiêu xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nằm trong Tiểu dự án 1, Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Với nguồn vốn dự kiến, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 hướng tới củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ. Về hoạt động xóa mũ chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ GDĐT đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện, in ấn và cấp phát Bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho giáo viên và học viên; Tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh về Hướng dẫn dạy học Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1…
Ảnh 2: Tỉnh Điện Biên nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện chương trình, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác thực hiện giám sát thực tế về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các chính sách về phát triển phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đối với các địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, vùng sâu vùng xa, ngành giáo dục đã mở thêm nhiều điểm lẻ, lớp lẻ, lớp ghép… để đảm bảo huy động tối đa số trẻ tới trường.
Những nỗ lực trong công tác phổ cập xóa mù chữ ở Điện Biên hiện nay đã và đang hỗ trợ đồng bào các dân tộc cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương phát triển. Để tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người dân, thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng.
Đức Vinh