Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Gia Lai cho thấy, tình trạng mù chữ vẫn còn phổ biến ở các khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu và xa của tỉnh. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15 đến 60, với tỷ lệ mù chữ mức độ 1 là 4,22%, tương đương hơn 44.300 người trong tổng số 1.049.500 cư dân ở độ tuổi 15 đến 60; mù chữ mức độ 2 chiếm 6,46%, khoảng 67.700 người. Đáng chú ý, có tới 50.964 đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện không biết chữ (chiếm 11,2%), phần lớn là phụ nữ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tương lai của họ mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đến nay, tỉnh Gia Lai mở được 226 lớp học xóa mù chữ cho trên 6.500 người dân tộc thiểu số ở 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với kinh phí gần 13 tỷ đồng. Học viên tham gia lớp học xóa mù chữ chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai… độ tuổi từ 30 - 60 tuổi. Lớp học thường được tổ chức vào các buổi tối trong tuần để chị em thuận tiện trong việc học. Tham gia lớp học, các chị em được hỗ trợ miễn phí hoàn toàn kinh phí học tập, sách, bút… Sau mỗi khóa học đều có sự đánh giá, tổng kết để khen thưởng, tuyên dương những học viên tích cực. Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Đông khẳng định: Công tác xóa mù chữ đã từng bước củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thúc đẩy phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng và địa phương.
Ảnh 1: Giáo viên hướng dẫn học viên viết từng chữ. (Ảnh: P.N)
Trong giai đoạn 2021-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đầu tư hơn 46 tỷ đồng để tổ chức 735 lớp học xóa mù chữ cho gần 23.500 người ở 176 xã. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh nhằm đảm bảo quyền được học tập của mọi công dân, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hoá của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Kon Tum cũng là địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm triển khai hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn các huyện vùng núi. Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, là nơi thường xuyên hứng chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai nên đời sống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt, tỷ lệ người không biết chữ, tái mù chữ còn cao. Việc không biết chữ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như việc tính toán làm ăn. Thực hiện chủ trương xóa mù chữ cho bà con đồng bào Xơ Đăng chưa biết chữ và tái mù chữ, khoảng gần 2 tháng trở lại đây, các xã Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Tờ Kan lần lượt mở các lớp xóa mù chữ để dạy con chữ cho đồng bào Xơ Đăng. Có tổng cộng 90 người theo học các lớp này. Lớp học diễn ra từ 18 giờ đến 20 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6, do giáo viên giỏi tại các trường đứng chân trên địa bàn trực tiếp giảng dạy. Lớp học đã mở được gần 2 tháng và cho đến nay, các lớp học này vẫn giữ ổn định sĩ số và tỷ lệ chuyên cần của học viên. Tuy nhiên, để có được kết quả đó là cả một hành trình đầy gian nan, vất vả của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương.
Ảnh 2: Những học viên lớp xóa mù ở làng Kon Hia 3 tích cực học tập. (Ảnh: P.N)
Thầy Bùi Văn Na, Hiệu trưởng Trường TH-THCS xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Xóa mù chữ cho các học viên có độ tuổi từ 15 đến 60 tại các thôn thuộc xã Đăk Rơ Ông nhằm góp phần tăng tỉ lệ số người biết chữ, giảm tái mù chữ trong cộng đồng từ không biết chữ đến biết đọc, biết viết, biết tính toán và hiểu thêm về kiến thức, kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp trong cộng đồng, giúp các học viên tiếp thu được kiến thức, biết vận dụng vào trong đời sống lao động sản xuất, thực hiện có hiệu quả công tác xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Vì thế, dù khó khăn, vất vả, chúng tôi cũng luôn động viên các thầy cô giáo cố gắng khắc phục vì đồng bào mình.
Ông Lê Văn Hoàng- Trưởng Phòng GDĐT huyện cho biết: Để giúp người dân tiếp thu kiến thức nhanh, hiệu quả nhất, Phòng đã giao các trường chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để giảng dạy. Chương trình dạy phải sát với thực tế để người dân áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống. Các trường cũng đã đưa máy tính bảng vào giảng dạy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện mở thêm các lớp xóa mù chữ để người dân có thể đi học, nắm bắt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên trong cuộc sống.
Theo thống kê, hiện vẫn còn trên 734.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và trên 1.731.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng đồng bào DTTS còn thấp. Một số địa phương có tỷ lệ người mù chữ vẫn còn cao như: Ninh Thuận, An Giang, Lai Châu, Hà Giang, Gia Lai, Bắc Kạn, Bình Phước… Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, nhưng chỉ mới có 21 tỉnh được Bộ GDĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, còn 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 nhưng chưa đề nghị Bộ GDĐT kiểm tra công nhận.
Tiếng đọc bài của các học sinh đặc biệt ở lớp xóa mù vẫn vang lên vào những buổi tối trong tuần tại những địa bàn có bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Những lớp học này thể hiện rất rõ tinh thần học tập suốt đời của những con người nơi đây. Dù hoàn cảnh thực tế còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say học tập để nâng cao nhận thức và để xây dựng cuộc sống của mình ngày càng no ấm hơn.
Minh Phong