Đây cũng là nội dung Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, năm 2023, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện và các xã, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi; cập nhật dữ liệu, thiết lập các loại hồ sơ, bảng biểu thống kê phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đúng quy định. Mạng lưới trường lớp quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học được tăng cường cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến nay xã đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, kết quả công tác xóa mù chữ được nâng lên; Số người trong độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi biết chữ mức độ 2 là: 535/535 người đạt 100%. Số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi biết chữ mức độ 2 là: 981/993 người đạt 98,79% nâng tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 là 0,1% so với năm 2022. Kết quả: Xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt 100%. Đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.
Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với đặc thù là địa phương có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, trình độ dân trí của bà con nhân dân tại các xã vùng cao còn thấp. Trong năm 2023, thị xã Sa Pa đã thực hiện công tác xóa mù chữ đạt những kết quả tích cực, đi vào thực chất, có chiều sâu và mang lại sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân. Các lớp xóa mù chữ được tổ chức tại thị xã Sa Pa thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm 2023, toàn thị xã đã mở 4 lớp xóa mù chữ cho 80 học viên. Đến nay số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi biết chữ mức độ 2 là: 26.586/27.313 người; số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ mức độ 2 là: 42.190/45.430 người. 16/16 xã, phường của thị xã Sa Pa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt 100%.
Việc bố trí giáo viên, các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các lớp xóa mù chữ luôn được đảm bảo. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục Sa Pa trong việc đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng kiến thức sau khi học. Sau khi học Toán, các giáo viên hướng dẫn học viên tính toán trên máy tính của điện thoại. Sau tiết Tiếng Việt, học viên thực hành nhắn tin giúp học viên quen mặt chữ, ghép tiếng và hình thành câu. Việc thực hành vận dụng này giúp học viên có thể thực hành ở mọi nơi, mọi lúc; có cơ hội hỏi những người xung quanh, tạo hứng thú cho người học và việc học có tính liên tục hơn.
Ảnh 1: Các bạn trí thức trẻ tình nguyện tận tình hướng dẫn các học viên học chữ.
Các lớp xóa mù chữ tại vùng cao Sa Pa là những lớp học đặc biệt của các học viên với đôi bàn tay chai sần, những mái tóc đã nhuốm màu thời gian, sương gió bên ruộng đồng hay có thể là địu con trên lưng để đến lớp học chữ. Việc xóa mù chữ được các giáo viên của thị xã Sa Pa thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn tăng cường cung cấp kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cũng như các kỹ năng sống để bà con dân tộc thiểu số có cơ hội hòa nhập và tiếp cận bình đẳng với tri thức, qua đó góp phần từng bước cùng với các xã trên địa bàn thị xã Sa Pa xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Công tác xóa mù chữ tại vùng cao Sa Pa được xác định không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có sự phối hợp nhuần nhuyễn của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại các xã, phường cùng với đó là phát huy vai trò tuyên truyền của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn và lực lượng người có uy tín để vận động bà con người dân tộc thiểu số đi học các lớp xóa mù chữ.
Năm 2024, thị xã Sa Pa hướng tới mục tiêu duy trì đạt chuẩn và nâng cao chất lượng xóa mù chữ mức độ 2 và mở 5 lớp xóa mù chữ; tiếp tục thực hiện linh hoạt, sáng tạo phương pháp dạy học tại các lớp xóa mù chữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để hướng đến những hiệu quả thiết thực, những đổi thay trong đời sống của bà con nhân dân. Qua đó, góp phần cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, các cấp, ngành, trong đó chủ chốt là ngành giáo dục ở Lào Cai thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ. Điển hình công tác tuyên truyền về xóa mù chữ được ngành giáo dục và các địa phương tập trung triển khai thông qua các kênh thông tin đại chúng, pano, áp phích trực quan, sinh động, dễ hiểu. Các phòng Giáo dục các địa phương cũng đã phối hợp tốt với Đoàn thanh niên, các đơn vị lực lượng vũ trang cùng tham gia dạy xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ. Ngành giáo dục và các địa phương cũng tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện công tác xóa mù chữ. Các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa thể thao ở các địa phương luôn được tận dụng, huy động tối đa hiệu năng hoạt động…
Trên địa bàn hai huyện Bát Xát và Mường Khương, tỉnh Lào Cai, những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345, Quân khu 2 còn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng các xã Trịnh Tường, A Mú Sung, huyện Bát Xát mở các lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao dân trí nơi biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tối muộn một ngày giữa tháng 8, khu vực biên giới xã Trịnh Tường, huyện biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai trời mưa rả rích, khiến cung đường đến với lớp học xóa mù chữ của bà con trong xã càng thêm khó khăn, cách trở. Mặc dù đường xa cách trở, nhưng buổi học nào cũng vậy, đúng 19 giờ 30 phút, lớp học đã đông đủ mọi thành viên, từ các mẹ, các chị đủ mọi lứa tuổi, tay cầm đèn pin, vai đeo túi đựng sách vở đã có mặt đông đủ để theo học con chữ Bác Hồ. Ở miền biên viễn xa xôi này, đa phần học viên trong lớp là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên đã phải mưu sinh cùng cái nương, con rẫy. Bởi vậy, việc đến lớp học văn hóa là điều ít ai dám nghĩ đến. Đồng hành với bà con, anh Tẩn A Sơn và các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 345 không quản ngại khó khăn, vất vả, đều đặn trải qua hàng chục cây số đường trơn trượt, hố lầy sâu, ngày ngày thầm lặng mang con chữ đến với đồng bào các dân tộc nơi đây, với mong muốn: “Bà con biết chữ, sẽ tiếp thu được đầy đủ những nội dung bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện tuyên truyền, phổ biến”.
Ảnh 2: Các học viên lớp xóa mù chữ đến từ các bản vùng sâu, vùng xa xã Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai).
Lào Cai cũng như nhiều địa phương vùng núi, là nơi sinh sống của đông đảo đồng bảo dân tộc thiểu số đã dần thay đổi nhận thức và nhận biết được vai trò quan trọng của việc biết chữ. Công tác xóa mù chữ không chỉ là chủ trương, chính sách đơn thuần mà còn được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành tại các địa phương với mong mỏi, trong một ngày không xa, ánh sáng tri thức sẽ đổi thay đời sống bà con vùng khó.
Bảo An