Học tập suốt đời ngày càng trở thành một xu thế phát triển tất yếu đối với các nền giáo dục, các cộng đồng và quốc gia hiện nay và được thảo luận rộng rãi ở các diễn đàn giáo dục quốc tế trong vài thập niên gần đây.
Toàn cảnh phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời (Nguồn: Trung tâm truyền thông và sự kiện)
Một số căn cứ pháp lý xây dựng dự thảo Luật Học tập suốt đời
Vấn đề Học tập suốt đời đã được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ rất sớm, thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị trực tiếp hoặc gián tiếp như: NQTW 4 (khóa VII) năm 1993 với nội dung: “Thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân”; Nghị quyết TW2 (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 quy định “Giáo dục – Đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng của Nhà nước và của toàn dân. Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời”. Trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IX) năm 2002 nêu: “Phát triển giáo dục không chính quy, các hình thức học tập cộng đồng ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể HTSĐ, hướng tới XHHT”; Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X năm 2006 đặt ra yêu cầu cao về việc chuyển từ mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mở: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở – mô hình xã hội học tập với hệ thống Học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục”; Tại hội nghị Trung ương 8 khóa XI năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo… Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, Học tập suốt đời và xây dựng Xã hội học tập”; Tại đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021 có nêu: “… Thúc đẩy xây dựng Xã hội học tập, Học tập suốt đời… Đa dạng hoá phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN4”. Những quan điểm chỉ đạo nêu trên thể hiện cách tiếp cận tổng thể trong Học tập suốt đời, gắn kết với giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, yêu cầu của thị trường và CMCN4, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; Trong Quyết định 387/QĐ-TTg vấn đề học tập suốt đời đã được phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 – 2030".
Mới đây, tại phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời ngày 01/10/2024, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời nêu: “Căn cứ thực tế thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập” và “Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân. Luật Học tập suốt đời sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học".
Ảnh: Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời tại buổi họp (Nguồn: TT Truyền thông và sự kiện)
Dự kiến khung nội dung Luật học tập suốt đời sẽ gồm: Những quy định chung; Quản lí nhà nước về học tập suốt đời; Các tổ chức, cá nhân cung ứng cơ hội học tập suốt đời; Chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức học tập suốt đời; đánh giá và công nhận kết quả học tập suốt đời; Giảng viên/hướng dẫn viên, cán bộ quản lí học tập suốt đời và người học; Huy động nguồn lực cho và tạo môi trường thuận lợi cho học tập suốt đời và điều khoản thi hành.
Vai trò cần thiết và tất yếu của luật Học tập suốt đời
Khẳng định vai trò của học tập suốt đời, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: “Học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước với nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài và gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; Thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập. Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân” Thứ trưởng nhận định.
Luật Học tập suốt đời ra đời giúp cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29 – NQ/TW. Đây được xem như một văn bản luật có vị trí độc lập tương đối với các luật chuyên ngành khác về lĩnh vực giáo dục. Thứ hai, Luật Học tập suốt đời bổ sung, mở rộng và hoàn thiện các vấn đề về lĩnh vực học tập suốt đời chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong Luật Giáo dục 2019 và các luật khác về giáo dục. Thứ ba, về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy. Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.
Luật Học tập suốt đời giúp tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng vốn con người và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.
Đối tượng Luật Học tập suốt đời gồm tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi, mọi cấp học, mọi trình độ giáo dục... có nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời để nâng cao kiến thức, kĩ năng, hoàn thiện bản thân, thích ứng hiệu quả với các thay đổi của xã hội và công việc trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học kĩ thuật.
Chuẩn bị kỹ lưỡng xây dựng Luật Học tập suốt đời
Để xây dựng khung dự thảo Luật Học tập suốt đời, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức phiên họp nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục để thống nhất được các vấn đề khởi thảo.
Tại hiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời nhận định, đây là luật mới, nhiều nội dung mới, đối tượng tác động rộng lớn, phương thức đa dạng, chương trình phong phú, thực hiện mong muốn của nhiều bên và phải tránh được sự chồng chéo của các luật đã ban hành nên cực kỳ phức tạp. Vì vậy, với quan điểm phát huy tinh thần, trí tuệ tập thể, Bộ GD&ĐT luôn tiếp thu cầu thị các quan điểm, ở nhiều góc độ khác nhau để có những nghiên cứu thấu đáo, phù hợp khi xây dựng Luật Học tập suốt đời.
Ý kiến các Chuyên gia, Nhà khoa học
PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (Nguồn: TT Truyền thông và sự kiện)
Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi giáo dục và đào tạo, bởi nếu có luật thì thay đổi nhận thức của cả xã hội về học tập suốt đời. Do đó, tư tưởng và nhận thức vai trò của luật phải được thông suốt từ Trung ương tới địa phương. Muốn làm được điều đó thì cần đặc biệt chú ý các điều kiện thực tế ở địa phương về tài chính, nhân sự vận hành phải được thông tỏ và quan tâm hơn. GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu hiện nay thì vấn đề xây dựng Luật Học tập suốt đời cần phải thực hiện ngay và không thể chậm hơn được. Nhận thấy, học tập suốt đời ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới không còn là khái niệm hay những nghiên cứu đơn thuần, mà trở thành chìa khoá quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh “trước yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, chìa khóa của mọi thành công. Đây là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh hiện nay”.
Trong Kết luận 91/KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện nghị Quyết số 29/NQ/TW nêu rõ cần sớm xây dựng Luật Học tập suốt đời, Luật về Nhà giáo. Trước đó, vào tháng 4/2022, tại Nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án luật Học tập suốt đời trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. |
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2024): Kết Luận 91 - KL/TW
2. Chính phủ (2022): Quyết định 387 QĐ/TTg
https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/03/387-qd-ttg.signed.pdf
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024): Đề xuất khung Luật Học tập suốt đời.
Trịnh Thu – Tạp chí Giáo dục