Sơn La thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp triển khai hiệu quả công tác xóa mù chữ

Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xác định được vai trò quan trọng của công tác xóa mù chữ đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài. Đồng thời, quy định mức chi hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ và chống mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học. Cùng với đó, tỉnh Sơn La chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở đúng độ tuổi; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục xóa mù sau biết chữ; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; gắn kết trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, 12 huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Sở GDĐT tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Đồng thời, tỉnh triển khai phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới trường học; huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, bố trí đội ngũ giáo viên các cấp học đáp ứng yêu cầu dạy và học...

Ảnh 1: Lớp học xoá mù chữ cho người dân tại tỉnh Sơn La.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân bổ sung cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực việc phổ cập giáo dục.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Bắc Yên huy động hơn 3 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất cho dạy và học ở các trường, điểm trường. Đến nay, toàn huyện có 941 phòng học, 559 lớp, gồm 729 phòng kiên cố, 192 phòng bán kiên cố, 9 phòng học mượn, 8 phòng học tạm. Các phòng học đều đạt tiêu chuẩn quy định; đủ thiết bị dạy học tối thiểu quy định của Bộ GDĐT; thiết bị dạy học được sử dụng thường xuyên, thuận tiện. Cô giáo Trần Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh, xã Chim Vàn, chia sẻ: Hiện nay, nhà trường có 1 điểm trường trung tâm và 7 điểm trường tại các bản, với 17 lớp và 322 học sinh. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhà trường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chăm lo các điều kiện cho con em đến trường. Huy động các nguồn lực, từng bước kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư trang thiết bị đồ dùng học tập. Đến nay, 100% phòng học của nhà trường được xây kiên cố; góp phần duy trì tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 100%.

Công tác xóa mù chữ luôn được huyện Bắc Yên quan tâm, chỉ đạo Phòng GDĐT huyện hướng dẫn các đơn vị trường học tổ chức dạy học một cách linh hoạt; mở các lớp xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong việc vận động người chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ; bố trí sắp xếp đủ giáo viên để giảng dạy đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân tham gia học. Trong 3 năm (2021-2023), huyện Bắc Yên tổ chức 3 lớp xóa mù chữ cho 69 học viên các xã Hua Nhàn, Háng Đồng, Làng Chếu. Cô giáo Đinh Thị Hạnh, giáo viên Trường tiểu học xã Làng Chếu, cho biết: Tôi cùng 2 giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ. Phần lớn học viên đều là những người mẹ, người chị, mang cả con nhỏ đến lớp học, nhưng mọi người rất cố gắng, luôn động viên nhau đến lớp đầy đủ. Đến nay, các học viên đã biết đọc, biết viết và biết tính toán cơ bản. Học lớp xóa mù năm 2023, chị Mùa Thị Ly, bản Làng Chếu, xã Làng Chếu đã biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản. Chị Ly chia sẻ: Trước đây, do tôi không có điều kiện đi học, nên không biết chữ. Năm qua, xã tổ chức lớp xóa mù chữ, tôi đã sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia lớp học đầy đủ. Qua lớp học, giúp tôi nghe hiểu tiếng phổ thông và biết viết, biết đọc.

Ành 2: Các học viên đến lớp xóa mù chữ đều được phát sách, vở, bút viết.

Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng GDĐT huyện Bắc Yên thông tin: Với hệ thống trường lớp mở rộng ở các cấp học và các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú đã thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường, duy trì ổn định sĩ số. Đến nay, việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non ở huyện đạt 96,6%; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ em hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,5%; 16 xã, thị trấn của huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; có 15 xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; có 1 xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 100% xã, thị trấn đạt xóa mù chữ mức độ 2... Đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huyện Bắc Yên tiếp tục nâng cấp và bổ sung trang thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng; quy hoạch thực hiện chương trình kiên cố hóa phát triển mạng lưới trường lớp, củng cố tăng cường cơ sở vật chất các trường...

Nhờ những nỗ lực trong suốt thời gian qua, ngành giáo dục huyện Mộc Châu đã luôn duy trì được kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và là huyện đầu tiên của tỉnh đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Từ đó, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển, nâng cao và thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hiện nay, huyện Mộc Châu đang duy trì 11 lớp xoá mù chữ với 260 học viên. Các học viên được truyền đạt những kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức xây dựng kinh tế, cxây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu đến với bà con.

Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng GDĐT huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết: Khó khăn của việc phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đó là điểm bản thì tập quán sinh hoạt cũng như là quan tâm giáo dục con em cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy rất vất vả trong việc vận động gia đình con em đi học cũng vận động nhân dân người lớn tuổi tham gia học tập để có thể thay đổi cái nếp sống cách nghĩ.  Góp phần cải thiện điều kiện nhận thức phát triển văn hóa xã hội của huyện.

Chị Mùa Thị No ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc là phụ nữ dân tộc Mông, trước đây do hoàn cảnh gia đình đông anh em, chị No phải đi làm nương, chăm em giúp bố mẹ nên không được học chữ. Khi đời sống ngày càng phát triển chị No cũng cảm thấy tự ti và khó khăn trong giao tiếp, tính toán. Chính vì vậy, khi có lớp xóa mà chữ chị đã đăng ký đi học, đến nay chị đã đọc thông, viết thạo. Theo chị Mùa Thị No, bây giờ được thầy cô mở lớp xóa mù chữ tôi cũng đi học. Biết chữ rồi thì cảm thấy tự tin hơn, đi đâu cũng biết địa điểm mình đi. Tôi bán hàng cũng tính toán nhanh hơn.

Không chỉ có chị No, 19 chị em khác trong bản Tà Số cũng tranh thủ sắp xếp việc gia đình để tham gia học tập. Những bàn tay lâu nay chỉ quen với cầm cày, cầm cuốc, giờ nắn nót từng nét chữ cho thấy ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.

Cô giáo Ngô Thị Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: Nhà trường cũng xác định là nhiệm vụ phổ cập giáo dục và xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng then chốt trong giáo dục và đào tạo. Nhà trường thành lập các tổ giáo viên đến tận các bản phối hợp với các đồng chí trưởng bản để duy trì vận động học sinh ra lớp.

PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La thông tin: Để đạt kết quả như hiện này, ngành giáo dục đã phải triển khai nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học còn hạn chế, nhất là những điểm trường lẻ xa trung tâm. Cùng với đó, số nhóm trẻ, trường/lớp mẫu giáo dân lập, tư thục tăng nhanh, nhưng phân bố không tập trung, trong đó một số nhóm, lớp cơ sở vật chất chưa đảm bảo.

Đồng thời, đội ngũ giáo viên, nhân viên không ổn định, chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ an toàn cho trẻ còn có mặt hạn chế. Kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại một số huyện trong tỉnh chưa được phân bổ kịp thời, đầy đủ theo lộ trình. Cơ sở vật chất trường học tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn phòng học tạm, phòng học mượn.

Những khó khăn trong công tac xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại các địa phương như Sơn La vẫn còn hiện diện. Tuy nhiên, trở thành nhiệm vụ quan trong với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương chắc chắn rằng, những kết quả trong công cuộc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Bảo An

Bạn đang đọc bài viết Sơn La thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp triển khai hiệu quả công tác xóa mù chữ tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn