Tại đây, đoàn đã kiểm tra thực tế tại một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), giáo dục thưởng xuyên trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, làm việc với các Phòng GDĐT và Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT và Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh
Trước đó, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 2687/QĐ-BGDĐT về việc kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025.
Theo Quyết định này cùng với Quyết định số 2757/QĐ-BGDĐT ngày 4/10/2024 về việc điều chỉnh đối tượng kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025, Bộ GDĐT thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 4 Sở GDĐT: Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Sơn La.
Nội dung kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.
Làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đầu năm học
Theo báo cáo của Sở GDĐT Hà Tĩnh, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 668 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 28 trường ngoài công lập. So với năm học trước, hệ thống mạng lưới trường học ổn định.
Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT làm việc vởi Sở GDĐT Hà Tĩnh về việc ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai năm học mới sáng 10/10/2024
Tổng số học sinh các cấp học là 348.885 em. Trong đó, mầm non có 2952 nhóm, lớp với 71.182 trẻ, giáo dục tiểu học 4156 lớp với 135.275 học sinh, THCS 2485 lớp với 88.255 học sinh, THPT 1214 lớp với 45.477 học sinh, giáo dục thường xuyên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT 266 lớp với 10.958 học viên. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Hà Tĩnh là 25.284 người.
Công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho năm học mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thể hiện ở nội dung trong các văn bản ban hành, công tác chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, giao chỉ tiêu biên chế, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ và tuyển dụng giáo viên.
Cơ sở vật chất, thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học trong năm học mới. Số phòng học kiên cố chiếm tỷ lệ khá cao: mầm non 94,1%, tiểu học 96,8%; THCS 98,7%; THPT 100%. 100% trường học của tỉnh đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/1 lớp.
Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT làm việc với Phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chiều ngày 10/10/2024
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm học 2024-2025 cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng để triển khai chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng có chất lượng, nhất là giáo viên dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Một số khó khăn đầu năm học của tỉnh Hà Tĩnh là việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được thực hiện kịp thời; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi xuống cấp, thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng; còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ theo bộ môn; chưa có đủ giáo viên được đào tạo để dạy môn tích hợp cấp THCS; phải điều động giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THCS lên dạy THPT; phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn do vướng mắc về luật đấu thầu…
Qua kiểm tra thực tế tại các trường học, địa phương, thay mặt đoàn kiểm tra Bộ GDĐT, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Phó Trưởng đoàn thường trực đánh giá: Sở GDĐT Hà Tĩnh đã tiếp nhận đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn của Trung ương để tham mưu địa phương ban hành các văn bản phát triển giáo dục và đào tạo; đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trên các lĩnh vực cụ thể, rõ ràng tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.
Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT làm việc với Trường THPT Cẩm Bình sáng ngày 11/10/2024
Để góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thừa thiếu cục bộ, Sở GDĐT đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2091/QĐ-UBND ngày 28/8/2024 về việc phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng viên chức giáo dục và điều chuyển, biệt phái giáo viên năm học 2024-2025. Đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng nghiêm túc trước khi vào năm học mới.
Đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nội dung về lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 bài bản, nghiêm túc, đúng quy định. Huy động có hiệu quả từ các tổ chức, cá nhân để trao tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Bước vào năm học mới, 100% học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ đều có sách giáo khoa, đồ dùng học tập.
Tuyển sinh đầu cấp thực hiện hiệu quả đối với mẫu giáo và học sinh tiểu học 100% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Công tác thu chi thực hiện dịch vụ giáo dục thực hiện theo đúng quy định (Nghị quyết số 107/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh).
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT báo cáo về kết quả kiểm tra
“Mặc dù vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng thời gian qua, Hà Tĩnh đã làm tốt công tác chuẩn bị, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025”, ông Nguyễn Bá Minh đánh giá.
Từ nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế, Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT đã kiến nghị một số nội dung tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục thực hiện để đảm bảo triển khai hiệu quả năm học 2024-2025; đồng thời giải đáp nhiều nội dung kiến nghị, đề xuất của địa phương.
Quyết liệt tham mưu, chấp nhận cái khó để làm
Trao đổi tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu chia sẻ, giáo dục Hà Tĩnh luôn nhận được sự hỗ trợ của Bộ GDĐT, không chỉ qua các văn bản, hướng dẫn mà còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp. Giáo dục Hà Tĩnh những năm qua cũng luôn đạt được kết quả tốt, ngành Giáo dục nhận được sự hài lòng của phụ huynh, người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT
Nhấn mạnh, Hà Tĩnh là mảnh đất hiếu học, ở mỗi địa phương, dòng họ luôn lấy việc học làm đầu, ông Lê Ngọc Châu khẳng định, tỉnh Hà Tĩnh coi giáo dục là trách nhiệm của tỉnh và vì sự phát triển của địa phương, do đó luôn dành sự quan tâm và ưu tiên cho giáo dục.
Thống nhất với báo cáo kết quả, các đề xuất kiến nghị của Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT, ông Lê Ngọc Châu đồng thời cũng trao đổi cụ thể về một số vấn đề như chi ngân sách cho giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên… Từ các kiến nghị của Đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các sở, ngành triển khai rà soát, làm rõ và đề xuất giải pháp khắc phục.
Ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị và triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 của tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nêu một số ví dụ cụ thể như việc ban hành các văn bản hướng dẫn đầu năm học được thực hiện đầy đủ, làm căn cứ cho việc triển khai thực tế; công tác tuyển sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… diễn ra bình thường, ổn định, tạo tâm thế sẵn sàng bước vào năm học mới.
Một điểm nhấn trong công tác chuẩn bị đầu năm học của tỉnh Hà Tĩnh được Thứ trưởng đặc biệt ghi nhận, đó là việc quyết liệt tham mưu, có cách làm riêng và dám chấp nhận cái khó để làm trong công tác chuẩn bị đội ngũ, cụ thể là việc điều chuyển, biệt phái giáo viên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại buổi làm việc
“Đây là giải pháp tình thế nhưng cần trong thời điểm hiện tại để đảm bảo đủ định mức giáo viên. Then chốt của giáo dục là đội ngũ, là giáo viên, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã nhận ra điều này để quyết liệt tham mưu, đã chấp nhận cái khó để làm”, Thứ trướng nói.
Khẳng định vai trò của ngành Giáo dục địa phương, đội ngũ giáo viên trong triển khai các chủ trương, chính sách giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng mong muốn ngành Giáo dục Hà Tĩnh, các thầy cô giáo sẽ luôn nhiệt huyết, yêu trường, yêu lớp để hoàn thành sự nghiệp trồng người vẻ vang nhưng cũng nhiều khó khăn, áp lực.
Chia sẻ “ngành Giáo dục làm nhiệm vụ chuyên môn, nếu không có người, không có tiền không thể làm được”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị và mong muốn, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đảm bảo chi ngân sách 20% cho giáo dục và đảm bảo điều tiết phân phối ngay từ đầu năm học để các nhà trường chủ động.
Thứ trưởng cũng đề nghị ngành Giáo dục và ngành Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh có sự rà soát, tính toán để thống nhất về số lượng giáo viên, tránh thiệt thòi cho ngành; đồng thời tránh cứng nhắc trong giảm biên chế 10% đối với ngành Giáo dục.
Mặc dù có những khó khăn trong triển khai, song Thứ trưởng lưu ý tỉnh Hà Tĩnh cần khẩn trương hơn trong công tác mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học và phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc sửa đổi một số Thông tư hiện hành, Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ GDĐT đang tích cực chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để sớm ban hành làm căn cứ để các Sở GDĐT chỉ đạo triển khai.