Chàng trai Jrai vượt lên số phận hết lòng với học sinh dân tộc thiểu số

Sinh ra với thân hình bất thường không tay, không chân vì di chứng chất độc da cam, chàng trai người dân tộc Jrai Nay Djruêng may mắn vươn lên như một mầm cây mạnh mẽ giữa đại ngàn.

Quyết tâm đến trường

Buôn Ji, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, nơi Nay Djruêng sinh ra nằm ở vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Gia Lai, nơi những hủ tục vẫn còn rất nặng nề. Vì vậy, ngày Nay Djruêng sinh ra với thân hình kỳ dị, nhiều người trong họ ngoại đã yêu cầu chôn sống như đã từng chôn sống người anh trai của Nay Djruêng. Nay Djruêng may mắn thoát chết nhờ một người họ hàng và được lớn lên cùng gia đình.

Khiếm khuyết cả hai tay, hai chân nên lên 8 tuổi Nay Djruêng mới được bố mẹ cho tới trường. Trên con đường đất đỏ trộn lẫn cát, sỏi, giữa cái nắng nóng hơn 30 độ của đất rừng Tây Nguyên, Nay Djruêng phải đi bằng hai đầu gối mà không hề có lớp đệm. Biết bao lần hai đầu gối Nay Djruêng tứa máu, mưng mủ nhưng cậu học trò đặc biệt ấy chưa bao giờ thôi khát khao tới trường. Phải đến lớp 3, Nay Djruêng mới được gia đình mua cho đôi dép lót vào đầu gối. Năm 2005, khi học lớp 4, hành trình đến trường của Nay Djruêng bớt gian nan vất vả hơn khi cậu được Hội chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai cấp cho đôi chân giả.

Nay Djruêng học cách cầm bút bằng hai cùi tay. Cậu còn phải vượt qua những lời trêu chọc của bạn bè. Dù thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm không từ bỏ để học con chữ, học để thực hiện ước mơ, Nay Djruêng đã không ngừng nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Thay vì buồn cho số phận, ở Nay Djruêng luôn là sự lạc quan, tự tin, thân thiện, chủ động hòa nhập với cộng đồng và tích cực tham gia mọi hoạt động phong trào.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Nay Djruêng đã đỗ vào hệ cao đẳng ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Thiết kế và lập trình website. Rời buôn làng, Nay Djruêng một mình xuống Đà Nẵng để thực hiện ước mơ đi học. Chàng sinh viên Jarai gây bất ngờ cho cả lớp và thầy cô khi xung phong làm lớp trưởng. Giữa phố thị, dù khuyết tật nhưng Nay Djruêng vẫn tự lập trong mọi sinh hoạt cá nhân đồng thời là thành viên nhiệt tình, sôi nổi trong các hoạt động của lớp, của trường.

Ảnh 1: Nay Djruêng trao học bổng cho các em học sinh. Ảnh: PV

Cống hiến hết mình cho học sinh dân tộc thiểu số

Nay Djruêng bảo trong suốt hành trình của mình, anh luôn biết ơn gia đình, cô, chú, anh, chị hảo tâm, thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ. “Họ không chỉ giúp tôi về mặt tinh thần mà còn giúp đỡ tôi nhiều về vật chất, niềm tin và sự miệt mài không nghỉ. Nhận được sự giúp đỡ nhiều từ gia đình, cộng đồng, tôi luôn mong muốn bản thân sống tốt và làm việc có ích cho xã hội”, Nay Djruêng xúc động chia sẻ. Với tâm niệm ấy, năm 2014, khi biết được nhiều học sinh tại quê nhà, chủ yếu là các em dân tộc thiểu số gặp khó khăn, thiếu thốn về sách, vở và dụng cụ học tập, dù mới đang là sinh viên năm thứ hai, Nay Djruêng đã quyết định thành lập quỹ thiện nguyện “Đi qua mùa rẫy” để trao tặng đồ dùng học tập, vở, sách giáo khoa cho các học sinh khó khăn. Lý giải về tên gọi này, Nay Djruêng cho hay ban đầu quỹ có tên “Tiếp sức đến trường”, nhưng từ đặc điểm riêng có của vùng dân tộc thiểu số, khi học sinh thường nghỉ học sau mỗi mùa rẫy, anh quyết định đổi tên quỹ thành “Đi qua mùa rẫy” để động viên, khích lệ học sinh nỗ lực tiếp tục đến trường.

Từ đó đến nay, “Đi qua mùa rẫy” đã hoạt động đều đặn được 10 năm. Từ năm đầu tiên chỉ hỗ trợ được 8 học sinh, hiện chương trình đã hỗ trợ được hàng chục học sinh mỗi năm nhờ sự lan toả và đồng hành của cộng đồng. Năm 2023, “Đi qua mùa rẫy” còn tặng học bổng cho các em dân tộc thiểu số, mỗi suất học bổng trị giá một triệu đồng. Nhóm thiện nguyện “Đi qua mùa rẫy” đã hai lần được tôn vinh tại “Festival tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tổ chức. “Tôi hy vọng rằng, trong tương lai chương trình thiện nguyện “Đi qua mùa rẫy” sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh khó khăn, nhất là các em vùng dân tộc thiểu số tại quê hương”, Nay Djruêng chia sẻ.

Ảnh 2: Nay Djruêng nhận giải thưởng “Tuổi trẻ vì cộng đồng”. Ảnh: PV

Tốt nghiệp ra trường năm 2017, Nay Djruêng rời Đà Nẵng vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, tìm cơ hội thành công cho bản thân. Tự thuê trọ, tự kiếm việc làm, Nay Djruêng đối mặt với nhiều thách thức khi với thân hình khiếm khuyết, nhiều chủ trọ không cho thuê, nhiều công ty từ chối, nhưng tất cả những khó khăn đó không hề làm chàng trai Jarai nản lòng. Hiện Nay Djruêng là một lập trình viên tự do. Anh cũng tham gia nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật như tham gia tập huấn “Tôi, bạn và xã hội” các năm 2022, 2023; tham gia dự án “Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật”… Với những nỗ lực không mệt mỏi để vượt lên số phận và cống hiến cho cộng đồng, Nay Djruêng đã được vinh danh “Thủ lĩnh tình nguyện” do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tổ chức năm 2020, 2023; nhận khen thưởng của ủy ban Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam tỉnh Gia Lai vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Tôi yêu tổ quốc tôi" năm 2023; bằng khen gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tỉnh Gia Lai năm 2023. Nay Djruêng cũng là một trong 38 gương mặt người khuyết tật sẽ được vinh danh trong chương trình Toả sáng nghị lực Việt do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2024.

Phạm Mai

Bạn đang đọc bài viết Chàng trai Jrai vượt lên số phận hết lòng với học sinh dân tộc thiểu số tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19