“Tủ bánh mì 0 đồng” - bữa sáng cho học sinh nghèo Ba Na

Nhìn những chiếc bàn, ghế trống trơn, học sinh đã bỏ về giữa chừng vì đói, thầy Tùng không khỏi xót xa. Thương học trò, thầy đã vận động các “Mạnh thường quân” mua bánh mì cho các em. Nhà cách trường 40 cây số nên mỗi ngày, thầy phải dậy từ 4 giờ sáng, đi qua lấy bánh và mang đến trường. Ở đó, hàng trăm học sinh Ba Na chân còn dính đầy đất đỏ đã đứng chờ những chiếc bánh mì nóng hổi.

Thương những học trò bỏ học vì đói

Thầy Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) giáo viên bảo mình cũng có một hành trình tuổi thơ đầy gian khó khi sinh ra từ làng quê nghèo ở Diễn Châu (Nghệ An), rồi theo gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy phải nghỉ học đi làm kiếm sống, mấy năm sau mới thi vào đại học. Ra trường, thầy Tùng tình nguyện khoác balo lên đường đến với các học sinh nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, từ trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan của xã Ia Kdăm sang trường Trung hoc cơ sở Lương Thế Vinh xã Pờ Tó. Từ năm 2015, khi Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Đinh Núp (xã Pờ Tó) được thành lập, thầy Tùng lại “ khăn gói" xung phong lên đường nhận nhiệm vụ mới. Kí ức của thầy Tùng về những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này là những kỉ niệm về sự khốn khó không bao giờ quên. Đó là vào thời điểm mùa mưa đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi bị chia cắt, dân cư thưa thớt. Mùa khô, trời nóng như rang, cây cối khô quắt, nước sạch khan hiếm. “Nhưng khi về Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Đinh Núp, tôi mới thực sự thấm thía hết ý nghĩa của cụm tù ‘hốc Pờ Tó’ mà từ trước tôi đã nghe mọi người truyền tai nhau về địa danh này. Ở đây, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn. Mùa khô nắng rát, mặt mũi áo quần phủ đầy bụi đỏ. Mùa mưa đường sình lầy, trơn trượt, từ nhà đến trường 40 km nhưng tôi phải đi mấy tiếng đồng hồ”, thầy Tung chia sẻ. Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Với 385 hộ dân, trong đó gần 90% là người dân tộc Ba-na, phong tục tập quán của người dân còn rất lạc hậu nên việc vận động học sinh đến trường cũng như duy trì sỹ số học sinh là một thách thức với các giáo viên. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên các em phải cùng cha mẹ đi làm nương rẫy, đặc biệt là trong mùa gieo trồng và thu hoạch, trong khi đường đến trường vừa xa xôi vừa không có xe đi lại. Tình trạng học sinh nghỉ học, thậm chí bỏ học gần như phổ biến.

Hiểu tâm lý của đồng bào Ba-na rất tin tưởng vào già làng, trưởng thôn, thầy Hùng đã tìm đến già làng, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, tạo sự gần gũi và tâm sự để già làng hiểu, cùng tác động đến phụ huynh, học sinh. Kênh tuyên truyền vận động thông qua các già làng, trưởng thôn của thầy Tùng đã mang lại hiệu quả tích cực khi các học sinh trong bản đã đến trường.

 

Nhưng thầy Tùng chưa kịp vui niềm vui kéo được trò đến lớp thì đã lo lắng nhận ra các em cứ bỏ về dần sau mỗi tiết. Có hôm phòng học chỉ còn lại vẻn vẹn 2-3 em, gương mặt rầu rĩ, thầy Tùng hỏi ra mới biết, các bạn mới bỏ về vì đói, sau khi bộ cả hành trình dài trèo đèo lội suối mấy cây số để đến lớp với chiếc bụng rỗng, không có gì để ăn sáng. Các em còn ngồi lại cũng không thể tập trung học tập. Mỗi ngày, tình trạng các em học đến hết tiết 2 bắt đâu bỏ về lác đác cho đến hết buổi càng nhiều hơn. “Nhìn các em, tôi thật sự rất xót xa, thương vô cùng”, thầy Tùng xúc động kể.

Gom bánh nuôi trò

Thầy Tùng bảo từ khi tự nguyện gắn cuộc đời mình với giáo dục vùng khó, thầy luôn nhớ trong bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục ngày 15/10/1968, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt, Bác Hồ đã căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt". Làm theo lời Bác dạy, vào những thời điểm đó, ông cha chúng ta cũng đã không bị thất học. Dưới hầm sâu, những ngọn đèn vẫn được thắp lên cho mọi người làm việc và học tập. Dưới những giao thông hào của thời chiến, những đứa trẻ vẫn “đội mũ rơm đi học đường dài”. “Ông cha ta đã làm được như vậy, bây giờ thời bình, không còn chiến tranh, chúng ta, thế hệ con cháu, sống trong một điều kiện tốt hơn, chẳng nhẽ lại đầu hàng trước khó khăn, thiếu thốn? Làm cách nào để giúp các em duy trì được việc học? Câu hỏi đó cứ bám chặt lấy suy nghĩ của tôi trong nhiều đêm không ngủ”, thầy Tùng xúc động chia sẻ.

Đem trăn trở ấy chia sẻ với một người bạn là chủ lò bánh mì, thầy được người bạn hỗ trợ 60 ổ bánh. Vui mừng, thầy thông báo cho học sinh và sáng hôm sau dậy từ 4 giờ sáng mang bánh đến cho trò. Nhìn học sinh đứng xếp hàng dài chờ sẵn, vui mừng nhận chiếc bánh mì không, vui vẻ bẻ đôi, bẻ ba để chia cho nhau vì không đủ mỗi em một chiếc, thầy Tùng xúc động rưng rưng vì chính lúc đó, thầy đã tìm ra con đường để có thể mang bữa sáng đến cho học trò, con đường xã hội hóa, huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Và từ ngày 5/12/2021, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp chính thức khai trương “Tủ bánh mì 0 đồng”.

Ban đầu, trường chỉ hỗ trợ khoảng 60 ổ bánh mì cho các em học sinh tại khu lẻ điểm trường làng Bi Giông, nhưng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm và sự lan tỏa của mô hình, đến nay, cứ đều đặn vào các sáng thứ 2 thứ 4 và thứ 6, "Tủ bánh mì 0 đồng" đã hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các điểm trường và cả người dân nghèo sống gần các điểm trường. Thỉnh thoảng, thầy mua thêm sữa, xúc xích cho các em ăn ngon miệng hơn hay đổi bữa sang xôi, bánh bao. Được ăn sáng, học sinh đến trường hăm hở, phấn khởi. Tình trạng học sinh bỏ học hầu như còn rất ít. Hướng đến giải pháp lâu dài và bền vững hơn, thầy Tùng tiếp tục thực hiện mô hình "Trao sinh kế cho học trò nghèo”. “Tủ bánh 0 đồng” đã trao 5 con dê sinh sản có trị giá hơn 10 triệu đồng và 6 con bò sinh có trị giá hơn 70 triệu đồng cho 8 em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, các vật nuôi đã sinh sản và phát triển tốt, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tạo động lực để học sinh bám trường bám lớp.

Cũng từ nguồn kinh phí vận động được, thầy Tùng đã mua 5 con bò giống sinh sản, gửi nuôi tại chuồng của dân để xây dựng quỹ sinh kế hỗ trợ lâu dài cho học sinh với số tiền gần 80 triệu đồng. Thầy cũng hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo và học sinh chữa bệnh. “Những việc làm của tôi còn rất nhỏ bé nhưng hy vọng nó sẽ mang đến những sự lan toả tốt đẹp trong cuộc sống, đúng như lời dạy của Bác Hồ: Mỗi người tốt việc tốt la một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, thầy Tùng nói.

Ảnh 2: Thầy Vũ Văn Tùng trao bò cho gia đình học sinh nghèo. Ảnh: PV

Với những nỗ lực không mệt mỏi vì học trò, năm 2023, thầy Tùng là một trong số 58 nhà giáo công tác ở các khu vực khó khăn được chọn vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Năm 2024, thầy được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam”. Nhưng với thầy Tùng, niềm hạnh phúc lớn nhất là đã mang lại niềm vui, hạnh phúc tới trường cho các học trò. Ở Pờ Tó, thầy Vũ Văn Tùng được già làng đặt tên là “Đinh Tùng” với ý nghĩa người con mang họ của đồng bào Ba Na.

Phạm Mai

Bạn đang đọc bài viết “Tủ bánh mì 0 đồng” - bữa sáng cho học sinh nghèo Ba Na tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19