Giấc mơ “cõng chữ về làng” của thầy giáo Cơ tu

Ngày nhận quyết định phân công công tác ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Dang, thầy Bnướch Zói mừng rơi nước mắt khi được về giảng dạy tại chính bản làng mình. “Thế là giấc mơ ‘cõng chữ về làng’ của tôi đã thành hiện thực”, thầy Bnướch Zói xúc động nói.

Nỗ lực học để thoát nghèo

Xã Dang, nơi Bnướch Zói sinh ra và lớn lên là xã nghèo khó nhất của huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Tây Giang cách thành phố Tam Kỳ - trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam đến gần 200 cây số, với 95% dân số là người Cơ tu, sống phân tán. Đây là huyện thưa dân nhất Quảng Nam và là một trong những huyện có dân số thấp nhất Việt Nam.

Từ năm lớp 6, Bnướch Zói đã phải xa gia đình để đi học trường nội trú huyện. Xã Dang cách trung tâm huyện khoảng 16km, đường sá đi lại rất khó khăn vì chưa được bê tông hóa, chủ yếu là đường đất, ngày mưa sình lên lầy lội và trơn trượt. Cậu học trò Bnướch Zói phải đi bộ một ngày đường mới tới trường. Thêm vào đó là nỗi nhớ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bố mẹ, anh chị em, không biết bao lần nước mắt thầm rơi. Động lực vượt qua những khó khăn đó của cậu học trò Bnướch Zói khi đó chính là tình yêu thương của tất cả mọi người trong gia đình dành cho mình và sự động viên, an ủi, khích lệ của thầy cô. Thử thách tiếp tục đến khi đang học lớp 8, cha Bnướch Zói qua đời. Mất đi trụ cột kinh tế gia đình trong khi nhà có đến 7 người con, mọi lo toan dồn lên vai người mẹ. “Mẹ con, anh em đùm bọc nhau mà sống. Tuy khó khăn nhưng gia đình tôi rất hiếu học và nhận thức chỉ có nỗ lực học mới đem lại tia sáng tương lai. Thấm được cái khổ, cái khó khăn của đói nghèo, tôi lại càng thêm chăm chỉ học tập để mai sau bớt khổ, có thể đỡ đần cho mẹ già”, thầy Bnướch Zói bồi hồi nhớ lại. Với quyết tâm học để thoát khổ, thoát nghèo cùng sự tận tình chỉ bảo của thầy cô, khả năng học tập của Bnướch Zói tốt lên từng ngày. Cũng chính sự nhiệt huyết của thầy cô đã lan tỏa, gieo mầm nơi cậu học trò Bnướch Zói tình yêu, ước mơ nghề giáo, ước mơ “cõng chữ về làng” để có thể tiếp bước thầy cô dạy dỗ, giúp đỡ những em nhỏ xã Dang xây dựng và vun đắp ước mơ về cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.

Ảnh 1: Thầy Bnướch Zói và các em học sinh. Ảnh: PV

Ngày Bnướch Zói vào đại học, mẹ phải bán 2 con bò và một số tài sản trong nhà để trang trải chi phí học tập nơi thành phố. “Vất vả, khó khăn ngày càng nhiều nhưng tôi không nản chí mà cố gắng học tập để không phụ lòng mẹ ở nhà đang mong mỏi con mình trưởng thành trong tương lai. Nghĩ về mẹ, nghĩ về quê nghèo, việc học đối với tôi trở thành đam mê, động lực để tôi phấn đấu”, thầy Bnướch Zói xúc động nói.

Nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu của thầy giáo trẻ

Đi qua cả hành trình dài nỗ lực không mệt mỏi, thầy Bnướch Zói bảo không bao giờ quên được cảm giác vô cùng hạnh phúc ngày cầm tấm bằng đại học trên tay. Cảm xúc ấy như vỡ òa khi chàng tân cử nhân Bnướch Zói đã có thể thực hiện ước mơ theo đuổi biết bao năm qua của mình: trở thành một giáo viên, “cõng chữ về làng”. Niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi Bnướch Zói được nhận công tác tại chính quê hương mình,  trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Dang. Hành trình trồng người của thầy giáo Cơ tu Bnướch Zói chính thức bắt đầu.

Là một thầy giáo trẻ, năng động, yêu thích công tác đoàn, đội nên dù mới về trường, Bnướch Zói đã được ban giám hiệu tin tưởng giao làm giáo viên Tổng phụ trách, chăm lo công tác thiếu nhi trong nhà trường và địa bàn dân cư. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng khi khả năng ngôn ngữ tiếng Việt của các em học sinh rất hạn chế. Học sinh vẫn sử dụng tiếng Cơ tu để giao tiếp với nhau. Hạn chế trong ngôn ngữ phổ thông nên học sinh không tự tin nói chuyện trước đám đông, ngay cả khi giao tiếp với thầy cô cũng rất rụt rè, những bài học nhiều khi các em không hiểu hết.

Ảnh 2: Thầy Bnướch Zói có nhiều sáng kiến thúc đẩy học sinh học tập. Ảnh: PV

Có lợi thế là người địa phương, để học sinh hiểu kỹ hơn, thầy Bnướch Zói sử dụng phương pháp “song ngữ” để giải thích, truyền đạt cho các em những kỹ năng cơ bản nhất. Theo thầy Bnướch Zói, mặt trái của phương pháp này là có thể khiến học sinh càng lười nói tiếng phổ thông hơn. Vì vậy, thầy phải áp dụng một cách có tính toán, chỉ dùng khi thật cần thiết, để vừa giúp các em hiểu bài, vừa khuyến khích học sinh nói tiếng Việt.

Với mong muốn truyền đạt những kỹ năng cơ bản nhất đến các em học sinh để giúp các em hòa nhập, không còn rụt rè, e ngại đồng thời giúp các em trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, thầy Bnướch Zói đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động phong trào của trường và vận động, khích lệ học sinh tích cực tham gia. Để các em vơi bớt đi những khó khăn, hằng năm, thầy kết nối với Hội khuyến học xã Dang và kêu gọi các nhà hảo tâm xét chọn, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học.

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng tấm lòng của người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu, bằng sự thấu cảm của người đi trước, thầy Bnướch Zói đã nỗ lực hết mình để mang những điều tốt đẹp nhất đến cho học trò, cho những em nhỏ Cơ tu nghèo khó nhưng hiếu học nơi bản làng xã Dang quê hương. Tấm lòng và sự nỗ lực đó của thầy Bnướch Zói đã được ghi nhận bằng bảng thành tích dày đặc giấy khen các cấp dù mới là một giáo viên trẻ chưa tròn chục năm tuổi nghề.

Chia sẻ về bản thân, thầy Bnướch Zói khiêm tốn nói: “Tôi thấy mình cần không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cần phải quyết tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, phong trào thiếu nhi của xã nhà, giúp các em có bàn đạp vững chắc để có thể phát huy năng lực, sở trường của bản thân mình ở những bậc học cao hơn”. Thầy Bnướch Zói cũng mong mỏi sẽ nhận được sự quan tâm, phối hợp hơn nữa của các cấp chính quyền, của phụ huynh để mang lại điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh./.

Phạm Mai

Bạn đang đọc bài viết Giấc mơ “cõng chữ về làng” của thầy giáo Cơ tu tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19