Chung tay mang bữa cơm có thịt đến với học sinh vùng khó

Bữa ăn trưa đơn giản với cơm, thịt băm xào bí đỏ, khoai tây, canh bí xanh, nhưng đó cũng là “điều ước có thật” với những trẻ em người Mông tại điểm trường Sáng Xoáy, Trường Mầm non Thái Sơn, thuộc xã Thái Sơn, điểm trường xa xôi nhất của huyện Bảo Lâm - huyện khó khăn nhất của tỉnh nghèo biên viễn Cao Bằng.

“Điều ước có thật”

Điểm trường Sáng Xoáy nằm chót vót trên đỉnh núi cao, cách trung tâm xã Thái Sơn 25 cây số đường đá hộc lởm chởm, ngoằn nghoèo, vắt từ đỉnh núi nọ sang đỉnh núi kia, dốc nối dốc. Đường nhỏ khó nên chỉ có thể đi bằng xe máy. Ngày mưa, thầy cô phải đi bộ hoặc đi vòng qua huyện Bảo Lạc, quãng đường dài thêm thành 50 cây số. Nơi đây 100% là người dân tộc Mông với nguồn thu nhập chính từ cây ngô năm trồng một vụ. Không điện, không sóng điện thoại, không Internet, giao thông đi lại khó khăn nên người dân chủ yếu sống tự cung, tự cấp, hạn chế trong tiếp xúc với bên ngoài. Trẻ em Sáng Xoáy nhiều em chưa từng nhìn thấy chiếc ô tô hình dáng ra sao.

Ảnh 1: Học sinh điểm trường Sáng Xoáy ăn bữa trưa được các nhà hảo tâm tài trợ. Ảnh: PV

Thầy Nông Văn Long đã có hơn 10 năm gắn bó với điểm trường Sáng Xoáy. Điểm trường có 24 học sinh, học ghép cả ba độ tuổi: 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi. Dù được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa 150.000 đồng/trẻ/tháng nhưng theo thầy Long, số tiền này vẫn không đủ chi phí để duy trì bữa ăn cho các em vì việc nấu ăn và ở bán trú làm phát sinh nhiều chi phí khác, từ tiền thuê người nấu đến giấy vệ sinh. Vì vậy, mỗi ngày đến lớp, học sinh vẫn phải tự chuẩn bị bữa trưa. “Người dân rất nghèo nên bữa trưa của các em cũng chẳng có gì nhiều, đa phần chỉ là cơm trắng chấm muối, thậm chí chỉ là mèn mén. Em nào gia đình khá hơn sẽ có thêm trứng luộc hay vài con cá suối. Mùa hè nóng bức, cơm gói từ sáng trong túi nilon hay cặp lồng nhựa, đến trưa có khi đã có mùi thiu, trong khi mùa đông thì lạnh ngắt. Nhìn các em, tôi rất thương nhưng lực bất tòng tâm”, thầy Long chia sẻ.

Nhưng niềm vui đã đến với thầy và trò điểm trường Sáng Xoáy khi Quỹ Vì tầm vóc Việt đã nhận bảo trợ bữa ăn cho tất cả học sinh. “Năm học này là năm học thứ 4 các học sinh của tôi nhận được bảo trợ của quỹ. Các em không còn phải ăn cơm trắng chấm muối hay mèn mén mà đã có những bữa cơm có thịt. Đó thực sự là giấc mơ, là điều ước có thật”, thầy Long xúc động nói. Cũng theo thầy Long, từ khi có bữa ăn trưa từ các nhà hảo tâm tài trợ, tỷ lệ học sinh ra lớp cao hơn, học sinh đi học chuyên cần hơn khi bữa ăn ở trường ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn ở nhà. Các em không chỉ được ăn bữa trưa mà còn có thêm cả bữa phụ chiều.

Mong có thêm nhiều nhà bảo trợ

Là phụ huynh có con lớn đã vào tiểu học và con nhỏ vẫn học tại điểm trường Sáng Xoáy, anh Vàng A Quả cảm nhận rõ sự khác biệt khi con được ăn bán trú tại trường. Con lớn học mẫu giáo khi chưa có sự hỗ trợ của Quỹ Vì tầm vóc Việt nên mỗi ngày, anh phải dậy từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị bữa trưa cho con mang đi học, thường chỉ có cơm với chút rau. “Tôi thương con nhưng cũng đành chấp nhận vì nhà chẳng có gì hơn. May mắn khi con thứ hai đi học đã được các nhà bảo trợ hỗ trợ ăn trưa, con không còn phải mang cơm đến trường mà lại được ăn ngon hơn, đủ dinh dưỡng hơn nên phát triển tốt hơn, lớn nhanh hơn. Tôi rất vui và yên tâm khi con đến trường.” anh Quả nói.

Cô Lương Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Sơn cho hay hiện Trường mầm non Thái Sơn có 3 điểm trường được tài trợ bữa trưa của Quỹ Vì tầm vóc Việt là điểm trường Sáng Xoáy, Bản Là và Khau Dề. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi của các điểm trường này đều giảm rõ rệt. Đầu năm học 2023-2024, ba điểm trường có 21 học sinh suy dinh dưỡng nhưng hết năm học, hiện chỉ còn 5 em. Trung bình, các em học sinh tại các điểm trường đã cao lên 1,6cm và nặng hơn 0,6 kg so với đầu năm học. Nếu trước đây, tỷ lệ học sinh bỏ học buổi chiều lên đến 80% thì hiện nay, tỷ lệ chuyên cần đã đạt đến 100%. Điều đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của trường, nhận thức và kỹ năng của trẻ tăng lên rõ rệt.

Ảnh 2: Học sinh điểm trường Bản Là ăn bữa phụ buổi chiều. Ảnh: PV

Cũng theo cô Lan, Trường Mầm non Thái Sơn có 10 điểm trường, trong đó chỉ có điểm trường chính ở trung tâm xã được phụ huynh đóng góp để duy trì nấu ăn bữa trưa. Vì vậy, ngoài ba điểm trường được Quỹ Vì tầm vóc Việt hỗ trợ, 6 điểm trường còn lại học sinh vẫn phải ngày ngày mang cơm đến lớp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ bỏ học buổi chiều vẫn rất cao. “Hiện các điểm trường này đều đã được kiên cố hóa nên việc triển khai nấu ăn sẽ thuận lợi hơn so với trước đây, vấn đề đặt ra là kinh phí. Chúng tôi rất mong mỏi các điểm trường cũng sẽ được tài trợ bữa ăn bán trú để học sinh được ăn ngon hơn, đủ chất hơn, có thêm niềm vui đến trường, để các em phần nào dịu bớt những khó khăn, thiệt thòi”, cô Lan xúc động nói.

Theo bà Trần Thị Như Trang, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Vì tầm vóc Việt, được khởi xướng từ năm 2020, dự án “Cùng em khôn lớn” là dự án dài hạn của Quỹ nhằm bảo trợ bữa ăn bán trú và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh mầm non tại nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước. Trong 4 năm qua, đã có 1.042 lượt học sinh được bảo trợ, hơn 264.000 nhà tài trợ cá nhân, tổ chức đồng hành liên tục cùng dự án, hơn 300.000 bữa ăn đã được trao cho các em. Tổng số tiền tài trợ lên đến 1,75 tỷ đồng. Cũng theo bà Trang, Quỹ vẫn đang nỗ lực tiếp tục huy động sự chung tay từ đóng góp từ cộng đồng để có thể mang nhiều hơn nữa những bữa ăn dinh dưỡng vượt đại ngàn tiếp sức đển trường cho những em nhỏ vùng cao. /.

Phạm Mai

Bạn đang đọc bài viết Chung tay mang bữa cơm có thịt đến với học sinh vùng khó tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn