Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng – Chương trình phòng ngừa Bạo lực học đường trên cơ sở giới” (Connect With Respect – CWR) là bộ công cụ hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý các trường học sử dụng các biện pháp tác động đã được chứng minh có hiệu quả giáo dục cao, nhằm thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh, thân thiện trong nhà trường, góp phần phòng ngừa và ứng phó với bạo lực học đường trên cơ sở giới. Bộ công cụ này được Trường Đại học Melbourne xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm công tác khu vực về bạo lực giới ở trường học thuộc Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái khu vực Đông Á Thái Bình Dương (UNGEI) và dự án Đoàn kết để chấm dứt bạo lực với phụ nữ – UNiTE to End Violence against Women (của Plan International, UN Women, UNESCO và UNICEF). Bộ công cụ được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm ở nhiều nước khác nhau trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn 2019–2020, Bộ công cụ này đã được Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) – phối hợp với Bộ GDĐT và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện thí điểm tại một số trường phổ thông của Việt Nam trong 7 tỉnh/thành gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với 15 trường THCS trong đó có 8 trường thử nghiệm và 7 trường đối chứng. Kết quả thử nghiệm đã thu được những kết quả tích cực với sự đánh giá cao của giáo viên và học sinh trong việc nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi và góp phần xây dựng mối quan hệ trong trường học trở nên bình đẳng, thân thiện, tôn trọng hơn.
Nhằm mục đích áp dụng thí điểm cho các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), Bộ công cụ đã được nhóm chuyên gia của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học viên học cấp Trung học phổ thông tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX. Các điều chỉnh bao gồm: Một số vấn đề chung (không gian học tập; tên gọi người học…); Bổ sung đặc điểm học viên GDTX, lý do vận dụng tài liệu này cho GDTX; Điều chỉnh/viết lại một số tình huống, các ví dụ, câu chuyện… để phù hợp với học viên GDTX về độ tuổi, đặc điểm tâm – sinh lý; Rà soát tổng thể cấu trúc bộ công cụ (lỗi kỹ thuật, diễn đạt…).
(Ảnh: Tiến sĩ Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GDĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viện KHGD)
Tiến sĩ Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết: “Đây là chương trình hợp tác giữa Bộ GDĐT với UN Women nhiều năm qua. Bộ GDĐT đã triển khai thí điểm tại các trường trung học cơ sở, trong giai đoạn này, Bộ tiếp tục triển khai thí điểm trong các cơ sở Giáo dục thường xuyên (GDTX), sau khi Bộ công cụ được các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học viên GDTX”. Mục tiêu của khoá tập huấn lần này là: Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học viên trong các cơ sở GDTX và xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong các cơ sở GDTX, từ đó xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; Giới thiệu và triển khai Bộ công cụ “Hướng dẫn Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong các cơ sở Giáo dục thường xuyên” đã được điều chỉnh; Nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ cho cán bộ quản lý, giáo viên về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ sở GDTX; Triển khai thí điểm Bộ công cụ “Hướng dẫn Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong các cơ sở Giáo dục thường xuyên” vào thực tiễn hoạt động của các cơ sở GDTX trong năm học 2024 – 2025, từ đó trang bị kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng cần thiết cho học viên để xây dựng các mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau. Sau khi thí điểm, Bộ công cụ sẽ được hoàn thiện, thẩm định để triển khai nhân rộng trong các cơ sở GDTX trên cả nước.
Một số hình ảnh hội nghị tập huấn:
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Viện KHGD
Học viên làm bài tập nhóm. Ảnh: Viện KHGD
Học viên chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: Viện KHGD
Nguyễn Minh – Minh Tuấn