Giáo dục đại học ở Việt Nam: Cần phát triển phương án tự chủ có tầm nhìn (Bài 2)

Tự chủ đại học được coi là một yếu tố cơ bản của quản trị đại học, là công cụ nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển, phát huy năng lực, tiềm lực nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, các trường cần xây dựng phương án có chiều sâu và tầm nhìn.

Xu hướng và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta

Tự chủ đại học (TCĐH) trong quá trình phát triển giáo dục đại học (GDĐH) gắn liền với sự ra đời và phát triển của nhiều trường đại học trên thế giới, thậm chí đã trở thành truyền thống của các cơ sở GDĐH tại nhiều quốc gia ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Australia. Việc giao quyền TCĐH cho các cơ sở GDĐH của Việt Nam là phù hợp với xu thế phát triển chung của GDĐH toàn cầu, tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH phát triển và nâng cao chất lượng nhằm củng cố năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. TCĐH xét từ góc độ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể được nhìn nhận như sau:

Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Thay vì sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động nội bộ các trường, Nhà nước chỉ giữ vai trò là người định hướng thông qua chính sách thích hợp trong phân bổ nguồn lực. Tự chủ giúp các cơ sở GDĐH chủ động tiếp cận mô hình quản trị hiện đại của hệ thống trường đại học ở các nước phát triển.

TCĐH là động lực thúc đẩy các trường đại học phát triển mạnh mẽ, chủ động hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến thay đổi chương trình đào tạo và khẳng định thương hiệu. TCĐH gắn liền với trách nhiệm, mỗi trường sẽ phải tự lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cơ chế TCĐH trong tuyển sinh sẽ giúp nhà trường chủ động, mềm dẻo và sáng tạo, cũng như linh hoạt trong các hoạt động diễn ra trong trường. Tùy vào điều kiện khác nhau, mỗi trường thực hiện mức độ tự chủ khác nhau, từ tự chủ một phần cho đến tự chủ hoàn toàn. Các cơ sở GDĐH thí điểm tự chủ đã cho thấy sự linh hoạt và chủ động về tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tuyển dụng nhân sự. Khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, trường đại học đó phải được đánh giá về chất lượng uy tín, thương hiệu, có khả năng thu hút được sinh viên và có những chế độ chính sách miễn học phí cho sinh viên.

Tự chủ đại học cũng là xu hướng tất yếu để cạnh tranh giữa các trường đại học. Khi quyền tự chủ được phát huy, từng cá nhân, tổ chức trong nhà trường sẽ phải không ngừng vận động, đổi mới sáng tạo để cùng góp phần đào tạo cho xã hội một lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu. Một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học là sáng tạo ra tri thức. Muốn vậy, đại học phải có quyền tự do học thuật, tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên. Tất nhiên, TCĐH không phải tự nó tạo ra chất lượng đào tạo mà chỉ là tiền đề cho các cơ sở GDĐH tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới. Không phải cứ tự chủ đại học thì mọi sự vận động sẽ trở nên tốt hơn, việc tự chủ đại học không đồng nghĩa với chất lượng mà là tạo nền tảng, động lực, hiệu quả chủ yếu phụ thuộc vào năng lực nội tại của từng cơ sở GDĐH.

Trước xu thế nâng cao chất lượng GDĐH, trong đó, trước hết là đổi mới quản trị đại học, TCĐH, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương nhất quán và xuyên suốt: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI (Nghị quyết 29) yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với những định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, trong đó đã khẳng định “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của Hội đồng trường”. Chủ trương giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đó là “một trong ba đột phá chiến lược cần thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới”. Quyền tự chủ của cơ sở GDĐH đã được pháp luật quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.

Kế thừa các quy định đã phát huy hiệu quả của Luật Giáo dục năm 2005, Luật GDĐH năm 2012, Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012, Nghị quyết 29, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết số 77/NQ-CP) và thực tiễn triển khai tự chủ đại học ở Việt Nam, Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34). Luật số 34 là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các cơ sở GDĐH trong cả nước thực hiện quyền tự chủ sâu và rộng hơn nữa. Đồng thời, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH phải gắn liền với trách nhiệm giải trình để các bên liên quan và xã hội giám sát.

Chính sách tự chủ đại học trong giai đoạn 2019 đến nay đã được triển khai trên các phương diện về tổ chức cơ sở GDĐH, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH nhằm đổi mới quản lý nhà nước, giúp cơ sở GDĐH phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội và chịu trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện sứ mệnh, mục tiêu và nhiệm vụ của nhà trường, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Như vậy, thời gian qua, chủ trương, chính sách về tự chủ đại học đã được triển khai ngày càng sâu rộng. Các cơ sở GDĐH đã năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn. Cơ quan quản lý nhà nước cũng tập trung hơn vào chức năng hỗ trợ và giám sát thông qua việc điều chỉnh hành lang pháp lý. Quan trọng hơn, tự chủ đại học giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích hơn cho người học và xã hội.

Tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Ảnh minh họa)

Cần xác định rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện TCĐH

Thứ nhất, về hệ thống văn bản pháp lý liên quan TCĐH. Luật GDĐH đã tạo hành lang pháp lý cho các trường đại học triển khai được quyền tự chủ. Tuy nhiên, do Luật GDĐH đồng thời và trực tiếp điều chỉnh về các vấn đề có liên quan đến: tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản trong khi các quy định pháp luật chuyên ngành trên các lĩnh vực này chưa được sửa đổi đồng bộ đã gây ra nhiều vướng mắc, làm giảm đi hiệu quả của việc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH.

Các đơn vị sự nghiệp công lập đang chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều quy định pháp luật (Luật Giáo dục; Luật GDĐH; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Xây dựng; Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác). Do đó, trên thực tế, nếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có những quy định chưa thống nhất đối với quá trình vận hành của các đơn vị được giao tự chủ sẽ dẫn đến khó khăn cho các đơn vị khi triển khai thực hiện.

Cơ cấu tổ chức, mô hình của một số đại học quy định tại Luật GDĐH còn chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng cơ chế quản trị chia sẻ trong đại học. Việc quy định trong các đại học có các trường đại học thành viên có quyền tự chủ như các trường đại học khác làm cho bộ máy quản lý, quản trị chồng chéo, giảm hiệu quả hiệu lực trong chỉ đạo điều hành, giảm mối liên kết và cộng hưởng sức mạnh giữa các trường trong đại học.

Thứ hai, về năng lực tổ chức triển khai TCĐH của hệ thống các trường. Tự chủ trong hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế chưa phát huy năng lực chủ động, sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học, hạn chế giảng viên trong hội nhập quốc tế để thực hiện các chương trình đào tạo, các dự án quốc tế và các chương trình hợp tác cùng nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu khoa học chung để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo ra “đột phá chiến lược” để phát triển nền kinh tế đất nước.

Các cơ sở GDĐH còn thiếu nguồn lực tài chính và đội ngũ nhân lực làm công tác phát triển chương trình, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và quốc tế. Các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ nhưng chưa thực sự gắn với trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra, chưa thực hiện công khai, minh bạch. Một số trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện, không dám đổi mới; một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành, dựa vào đội ngũ giảng viên ngoài cơ hữu để xác định chỉ tiêu nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh để thu học phí, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học.

Một số cơ sở GDĐH công lập chưa được thực hiện đúng quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường vì quy chế tổ chức và hoạt động của trường, quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cơ cấu tổ chức, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học, quy định về tuyển dụng cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động do Bộ/đơn vị chủ quản quyết định.

Tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong cơ sở GDĐH, giữa Luật GDĐH và các quy định pháp luật liên quan để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TCĐH trên cả ba phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính tài sản. Nhiều cơ sở GDĐH vẫn còn bị quản lý khá chặt chẽ của cơ quan quản lý trực tiếp. Điều này làm giảm tính chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị, quản lý và tổ chức hoạt động của các cơ sở GDĐH nên thực hiện tự chủ đại học chưa hiệu quả.

Thứ ba, một số cơ sở GDĐH đào tạo các ngành truyền thống, ngành cơ bản, ngành đặc thù gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tỷ trọng quy mô đào tạo sau đại học giảm trong toàn ngành, nhất là ở các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao. Ngân sách nhà nước chi cho GDĐH chiếm tỷ trọng thấp và chưa được phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng và hiệu quả theo quy định của Luật số 34. Khả năng tiếp cận GDĐH, nhất là cơ hội theo học các cơ sở GDĐH tự chủ tài chính có mức học phí cao còn hạn chế đối với nhiều nhóm đối tượng sinh viên do vậy đã tạo ra gánh nặng, mất công bằng trong tiếp cận GDĐH. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ còn bất cập, theo đầu vào và chưa theo năng lực, hiệu quả.

Thứ tư, về nguồn lực tài chính chi cho GDĐH. Hiện nay chưa có số liệu chính xác về tổng kinh phí và cơ cấu kinh phí chi cho GDĐH Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho GDĐH năm 2020 là 16.703 tỉ (~330 USD/sinh viên), tương ứng 0,96% tổng chi NSNN hay 4,62% NSNN chi cho giáo dục-đào tạo và chiếm tỷ trọng 0,27% GDP. Tuy nhiên thực chi chỉ đạt 11.327 tỉ, tương ứng 0,65% tổng chi NSNN hay 4,06% NSNN chi cho giáo dục-đào tạo và chiếm tỷ trọng 0,18% GDP, thấp nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới[1]. Đặc biệt là tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH tính trên tổng chi NSNN cho giáo dục-đào tạo chỉ chiếm khoảng 4,6%, chỉ bằng 1/5 đến 1/6 tỷ trọng trung bình của các nước OECD và một số nước khu vực ASEAN.

NSNN cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Hàng năm, Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập rất khó khăn nếu không chủ động đẩy mạnh tự chủ đại học. Các khoản thu hoạt động dịch vụ GDĐT chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu và lạc hậu so với yêu cầu.

Các trường đại học công lập được giao tự chủ tài chính theo quy định chung của Chính phủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 60) nhưng phải tuân thủ mức trần học phí do Nhà nước quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng kinh tế-xã hội từ dịch Covid-19 đến tình hình bão lũ, thiên tai nên những năm gần đây các trường không thực hiện lộ trình tăng học phí từ năm học 2020-2021 đến nay. Nguồn thu của các trường thiếu bền vững, hiện nay đa phần (trên 80%) nhờ vào tăng học phí và tăng quy mô đào tạo, các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Mức học phí của các cơ sở đào tạo phải tính toán ở mức hợp lý để bảo đảm tính cạnh tranh giữa các trường và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng phải đáp ứng điều kiện quy định về đảm bảo chất lượng nên nguồn thu từ học phí sẽ không bền vững khi việc tuyển sinh gặp khó khăn.

Xây dựng phương án TCĐH có tầm nhìn để nâng cao chất lượng GDĐH

Tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu đối với các cơ sở GDĐH, thực hiện phân cấp, phân quyền, chịu trách nhiệm trong các hoạt động quản lý và chuyên môn phù hợp với quy định của pháp luật. Tăng cường tự chủ đại học để phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của từng cơ sở GDĐH và cả hệ thống GDĐH. Tự chủ đại học tạo ra sự thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của GDĐH, giúp các trường đại học chủ động phát triển theo sứ mạng, mục tiêu của mình để cung cấp nguồn nhân lực và những sản phẩm trí tuệ đáp ứng yêu cầu xã hội, phát triển đất nước. Tự chủ đại học giúp cho các cơ sở GDĐH có động cơ và năng lực cạnh tranh trên cơ sở chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng tìm việc làm, ý thức cống hiến cho cộng đồng của người học. Đó chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho thành công của các cơ sở GDĐH.

Đẩy mạnh TCĐH góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng, đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ, thực chất cả về tư duy, nhận thức và hành động từ các cấp quản lý nhà nước tới cơ sở GDĐH, tới từng đơn vị, cán bộ, giảng viên và người lao động. Điều đó nghĩa là đổi mới tư duy, thống nhất quan điểm, nâng cao nhận thức về vai trò của GDĐH, bản chất của tự chủ đại học và lợi ích đầu tư cho phát triển GDĐH; hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ và thống nhất hệ thống pháp luật về GDĐH và cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDĐH; tạo môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống GDĐH, đồng thời nâng cao vai trò quản lý, điều tiết, định hướng của Nhà nước đối với phát triển GDĐH.

Cần xác định đầu tư cho GDĐH là đầu tư cho phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh tự chủ tài chính và xã hội hóa GDĐH để huy động tốt hơn và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển GDĐH, không phải để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước. Thực hiện tự chủ ĐH sẽ gia tăng hiệu quả đầu tư của Nhà nước do việc đầu tư được tập trung có trọng điểm, không còn tình trạng đầu tư dàn trải như trước đây. Như vậy, chúng ta cần thống nhất cơ chế tự chủ tài chính đối với tất cả GDĐH, tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển GDĐH.

Đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong hệ thống GDĐH; tôn trọng cơ chế thị trường đồng thời tăng cường vai trò quản lý, điều tiết, đầu tư và kiến tạo của Nhà nước nhằm bảo đảm hệ thống GDĐH phát triển bao trùm, công bằng và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cơ sở GDĐH phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng toàn diện nhằm thu hút người học để đảm bảo tự chủ về tài chính dựa vào nguồn thu học phí, qua đó chất lượng đào tạo của toàn hệ thống GDĐH được nâng cao.

Nguyễn Minh

[1] Theo số liệu thống kê năm 2019 của UNESCO, tỉ trọng chi NSNN cho GDĐH tính trên GDP trung bình các nước OECD là 1,11%, của Singapore là 0,79% và Malaysia là 0,95%;

-------------------------------------

Bài 1: https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88776/212/giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-ket-qua-va-mot-so-ton-tai-bai-1/

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục đại học ở Việt Nam: Cần phát triển phương án tự chủ có tầm nhìn (Bài 2) tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn