Góp ý Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao”

Ngày 28/9, tại Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; thành viên tổ soạn thảo đề án; đại diện một số Bộ, ngành; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao…

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng để Bộ GDĐT được lắng nghe trực tiếp ý kiến của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao để có sự trao đổi, tiếp thu, hoàn thiện đề án…

Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Sự thiếu hút nguồn nhân lực này sẽ là nguy cơ lớn có thể làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thực hiện được chủ trương, nhiệm vụ rất lớn này cần có sự quyết tâm, thống nhất cao và sự hợp tác hiệu quả giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách đột phá và các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, xứng tầm nhiệm vụ. Việc xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” là yêu cầu cấp thiết.  

Báo cáo về dự thảo Đề án, ông Đặng Văn Huấn, Giám đốc Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) cho biết, Đề án nhằm chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Đề án đề cập đến 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM; Hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo; triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh then chốt; hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ người học, thu hút người giỏi; hoàn thiện và triển khai các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi; tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn kết với đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các cơ sở giáo dục đại học; mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đề án được xây dựng kĩ lưỡng, công phu với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển công nghệ cao của đất nước, đồng thời, đưa ra những góp ý, đề xuất để hoàn thiện đề án hiệu quả. 

Là một trong những đơn vị nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật trên cả nước, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang có sự thay đổi không ngừng về công nghệ, các yếu tố phát triển không chỉ liên quan đến tài nguyên, công nghệ mới, mà yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa của sự thành công. Vì vậy, đề án chính là kim chỉ nam, định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học để triển khai xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được với chất lượng công việc.

Cho rằng hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, GS Chử Đức Trình đề xuất, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần tạo ra chuẩn đào tạo mạnh hơn nữa, ưu tiên hơn vào những ngành mũi nhọn, thế mạnh của Việt Nam như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kĩ thuật dữ liệu.

Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng

Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng đánh giá, sự cần thiết của đề án không chỉ nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn phục vụ hiệu quả cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tướng Nguyễn Văn Oanh kiến nghị, cần bổ sung thêm ngành máy tính và công nghệ thông tin; nghiên cứu các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực dài hạn hơn, đặc biệt là định hướng cho các em học sinh lựa chọn STEM ngay từ giáo dục phổ thông.

Đại diện đại học Quy Nhơn cho rằng, cần có những chính sách thay đổi trong tuyển sinh, đào tạo ở giáo dục phổ thông, khuyến khích học sinh học khoa học tự nhiên, STEM. Đồng thời, đề án cần quan tâm đến yếu tố vùng miền; rà soát, bổ sung các đơn vị tham gia nếu đáp ứng nhu cầu về năng lực trong các giai đoạn 5 năm, 10 năm…

Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng thế giới nhấn mạnh sự ủng hộ với đề án để ngành giáo dục nâng cao chất lượng nhân lực, đóng góp lâu dài cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đầu tư cho khoa học công nghệ chưa được nhiều.

Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng thế giới trao đổi tại hội thảo

Cho rằng nhân lực là yếu tố phát triển then chốt trong làm chủ công nghệ, ông Vinh đề xuất Bộ GDĐT cần có những giải pháp rà soát, tạo ra sự thuận lợi hơn cho việc thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ cao, hay có cơ chế thí điểm cho những mô hình đào tạo mới có sự kết hợp với doanh nghiệp, nước ngoài để mở rộng hơn các chương trình đào tạo.

Hội thảo cũng ghi nhận các ý kiến, đóng góp trong xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo của giáo viên; Cơ chế cho các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên phổ thông có năng lực STEM; thu hút học sinh nữ vào ngành STEM; đổi mới phương pháp dạy học từ phổ thông, có định hướng STEM cho học sinh; khoanh vùng sơ bộ điểm mạnh của từng trường để đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cảm ơn các ý kiến sâu sát, toàn diện và đa chiều của các đại biểu cho dự thảo đề án. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội thảo, tập trung vào những nội dung cần thực hiện, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của đề án.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

 
Bạn đang đọc bài viết Góp ý Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19