Mù chữ gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận người dân nhận thức không đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, không biết chữ còn khiến người dân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới khiến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi không cao… dẫn đến đói nghèo luôn tiềm ẩn.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 36,3% dân số toàn tỉnh. Xuất phát điểm không thuận lợi, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn trong việc tổ chức mở lớp.
Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức gian nan do đa số học viên đều là nữ và đều trong độ tuổi lao động chính của gia đình. Mặt khác, vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản; một số người do lớn tuổi nên tâm lý e dè, xấu hổ khi đi học…
Trong khi đó, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ vẫn tiếp diễn, gia tăng. Số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn.
Đặc biệt, do địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác dọc biên, chỗ ở không ổn định nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn. Ngoài ra, công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ chưa chặt chẽ, thường xuyên...
Từ thực tế đó, những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ tại các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An là nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội.
Hoàn thành lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức, bà Lô Thị Hoa (SN 1969) cho biết, ban đầu việc làm quen với các chữ cái, đánh vần và tập viết tương đối khó. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tâm của các giáo viên, bà Hoa và nhiều phụ nữ khác trong lớp đều đã biết đọc, biết viết. Từ ngày biết chữ, bà có thể đọc chữ trên tivi, sử dụng điện thoại di động để nhắn tin, tìm kiếm thông tin, đọc báo, đọc sách… Không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, biết chữ còn giúp bà Hoa tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức. “Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đi học. Lớn lên không biết chữ, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ lắm. Thế nhưng sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ, tôi có thể tự tin đọc sách, báo qua điện thoại. Xem tivi cũng học hỏi được nhiều kiến thức hay”, bà Hoa chia sẻ.
Từ nhận thức và chủ trương đúng đắn, nhiều lớp học xóa mù chữ và tái mù chữ cho người dân hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn đã được mở. Ngày cầm cuốc lên nương, lên rẫy, tối băng rừng, lội suối đến lớp học để được các thầy, cô giáo bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4 dạy cho con chữ. Chăm chỉ, miệt mài, kiên trì suốt 6 tháng ròng, chị Lữ Mẹ Khương cùng 38 học viên lớp học của bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) đã biết đọc, biết viết. Chị Khương kể về giấy Chứng nhận xóa mù chữ do địa phương cấp hồ hởi: “Học được cái chữ, giờ đi làm giấy tờ ở Ủy ban xã mình không phải điểm chỉ nữa mà đã ký được cái tên của mình. Biết đọc làm cái gì cũng thuận lợi, bán con gà, hạt ngô, củ sắn cho người ta cũng biết tính toán, không bị nhầm như trước nữa. Biết tiếng phổ thông, mình hiểu được bộ đội nói, nhất là khi bộ đội về tuyên truyền, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi để làm theo, hiệu quả lắm”.
Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 khai giảng lớp xóa mù chữ ở bản xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: PV
Cũng như bản Pủng, Huổi Nhao, xã Nậm Càn là bản vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn. Người dân ở bản, đặc biệt là chị em phụ nữ có tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao. Nhờ lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ của Đoàn KT-QP 4 tổ chức, 46 chị em người dân tộc Mông đã biết đọc, biết viết và áp dụng được những kiến thức được học vào cuộc sống hằng ngày.
Không chỉ giúp bà con nâng cao dân trí, thoát “nghèo” con chữ; trong các buổi học, giáo viên còn lồng ghép tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, di canh, di cư tự do; hôn nhân và gia đình; cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sao cho hiệu quả…, nhờ đó, nếp nghĩ, cách làm trong đời sống của bà con cũng có nhiều thay đổi, đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân xóa đói, giảm nghèo.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Việc mở lớp xóa mù chữ là nỗ lực của ngành giáo dục đào tạo huyện nhà, cùng với sự tham gia đầy nhiệt tình của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4. Lớp học xóa mù chữ không những giúp bà con Nhân dân biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ dân trí, mà còn thể hiện trách nhiệm của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện với Nhân dân trên địa bàn. Qua chương trình này, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết học tập cách làm ăn, nhờ đó đời sống được nâng lên, tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống”.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tỷ lệ biết chữ các độ tuổi của cả nước năm 2023 trong độ tuổi từ 15-35: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 99,39% và 98,97%. Độ tuổi từ 15-60: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 98,85% và 97,29%.
Tỷ lệ biết chữ các độ tuổi của 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 năm 2023: Độ tuổi từ 15-35: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 99,24% và 98,73%. Độ tuổi từ 15-60: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Theo đó, tính đến thời điểm khảo sát tháng 9/2023, cả nước có 63/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, đạt tỷ lệ 100%; 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt tỷ lệ 76,2%. Trong đó, có 21 tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, còn 36 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và mức độ 2, nhưng chưa đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.
Minh Phong