Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã mở nhiều lớp xóa mù chữ trên các bản vùng cao. Mặc dù khoảng cách từ điểm trường trung tâm đến điểm bản Nậm Vì hơn 20 km, nhưng mỗi tối, điểm trường bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé đều sáng điện bởi lớp học dạy xóa mù chữ cho người dân nơi đây. Các học viên đều rất tích cực học tập, dù trời mưa, giá rét các học viên đều chuyên cần đến lớp nghiêm túc tiếp thu bài giảng. Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, khi màn đêm bắt đầu buông xuống cũng là lúc lớp xóa mù chữ của bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông mở cửa đón các học viên tới lớp. Không giống như các lớp học chữ khác, lớp học xóa mù chữ ở đây đa dạng về độ tuổi học viên. Người lớn nhất cũng đã hơn 50 tuổi, người trẻ mới gần 30; đa phần họ là những trụ cột chính của gia đình, luôn bận bịu với ruộng vườn, đồi nương. Dù khuôn mặt ngượng nghịu, đôi tay vụng về, nét chữ nguệch ngoạc, hằn những vất vả của cuộc sống mưu sinh, nhưng ai nấy đều rất hăng say học tập.
Ảnh: Tỉnh Điện Biên nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: PV
Thầy giáo Lý Văn Hiệu, Trường Tiểu học số 2 Chung Chải, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, chia sẻ: “Nhà trường phân công tôi phụ trách lớp xóa mù buổi tối, tôi xác định dành hết thời gian, điều kiện lên lớp nhằm đưa con chữ đến cho các học viên biết được con chữ.”
Là một trong số hơn 50 người tham gia lớp xóa mù chữ do Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Luân Giói tổ chức tại bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, ông Tòng Văn Tiên (56 tuổi) rất chăm chú học đọc, viết. Tuy lớp học tổ chức vào các buổi tối, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần nhưng ông Tiên đi học rất chuyên cần. Từ khi đăng ký tham gia lớp học, ông chủ động sắp xếp việc nhà làm gọn trong ngày để dành thời gian đến lớp học mỗi tối. Ông Tiên chia sẻ: Những năm 1990, tôi từng đi học xóa mù chữ nhưng lâu quá rồi, lại chỉ ở quanh quẩn trong bản nên ít sử dụng tiếng phổ thông dần dần quên hết. Giờ con cháu đã lớn, các cháu đều biết chữ, học hành tiến bộ mà tôi lại không biết chữ thì thấy ngại với con cháu bởi muốn đọc, muốn hiểu chủ trương, chính sách để khuyên bảo con cháu cũng không làm được. Do vậy, tôi đã đăng ký với bản, xã xin được học lớp xóa mù chữ dành cho bà con tại bản.
Cũng tại xã Luân Giói, lớp học xóa mù chữ tại bản Na Ngua có 70 người chủ yếu là phụ nữ, độ tuổi từ 30-60 theo học. Mỗi tối, các bà, các chị đều thu dọn việc nhà xong trước 7 giờ để yên tâm vào lớp. Trưởng bản Vì Văn Phát cho biết: Trong số 70 người theo học các lớp xóa mù chữ chỉ một vài người biết đọc, biết viết nhưng không thạo; còn số đông mọi người đã từng học nhưng ít sử dụng nên quên dần. Khi biết tin nhà trường tổ chức lớp dạy chữ cho bà con ở bản mọi người đã vui lắm, ai cũng đăng ký tham gia chứ không e ngại hay xấu hổ như trước nữa. “Trước đây, mỗi lần triển khai công việc hay văn bản gì chúng tôi đều phải phiên dịch sang tiếng dân tộc Thái; thực hiện thủ tục xác nhận thì điểm chỉ ngón tay. Nhưng theo học ở lớp này, nhiều người đã biết đọc, viết được tên của mình. Tới đây chắc chắn việc triển khai công việc của bản cũng thuận lợi hơn” - ông Vì Văn Phát vui vẻ cho biết.
Trao đổi về chương trình tổ chức các lớp học xóa mù chữ tại địa bàn, cô giáo Trương Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Luân Giói, cho biết: Tại xã Luân Giói hiện có chín lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 tổ chức tại sáu bản. Trong đó, bốn lớp mở năm 2022; năm lớp mở từ đầu năm 2023. Mỗi lớp có từ 25-35 học viên. Mỗi lớp có hai giáo viên phụ trách, học trong thời gian năm tháng. Từ tối thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, giáo viên đều đặn về các bản dạy chữ cho bà con, trong đó nhiều người là phụ huynh của học trò mình.
Để có được sự tham gia đông đảo, chuyên cần của bà con tại các lớp xóa mù chữ, khi được giao nhiệm vụ tổ chức lớp, các thầy, cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Luân Giói chủ động cùng cán bộ xã, bản đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con. Trong tuyên truyền, các thầy, cô giáo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của biết chữ trong đời sống, nhất là trong xã hội hiện nay ai cũng có điện thoại nhưng không biết chữ thì sử dụng rất khó, nhất là điện thoại thông minh. Bà con không biết lưu số điện thoại, không nhắn tin được cho người thân và đọc tin tức trên báo điện tử. Cùng với đó, khi hưởng các chế độ, chính sách cũng không ký tên được. Hiểu được học chữ là cần thiết và hiểu tấm lòng các thầy, cô giáo, bà con đã đăng ký theo học rất đông; sĩ số các lớp cũng luôn đảm bảo trên 80% hằng ngày.
Xác định xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Vận dụng kết hợp giữa dạy xóa mù chữ với dạy tiếng dân tộc Mông, Thái, củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ qua việc tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề, các lớp học nghề cho người mới biết chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tăng cường thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở.
Đến nay, số người trong độ tuổi 15 - 60 toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt gần 97%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là trên 88%. Trong năm 2023 ngành Giáo dục tỉnh đã duy trì mở hơn 50 lớp với trên 1.200 học viên, nhằm củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 2 và nâng cao tỉ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15 - 60.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập THCS mức độ 3. Vừa qua, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ người học, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ. Đây là động lực thúc đẩy để người dân chưa biết chữ tham gia học lớp xóa mù chữ. Để tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người dân, theo Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt: Thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; cử giáo viên cốt cán tập huấn thực hiện chương trình xóa mù chữ mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ; tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng.
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Những nỗ lực trong công tác phổ cập xóa mù chữ ở Điện Biên hiện nay đã và đang hỗ trợ đồng bào các dân tộc cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương phát triển. Để tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người dân, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng.
Nhật Minh