Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu

Công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được quan tâm và triển khai bền bỉ qua nhiều năm. Tỉnh Lai Châu cũng là một trong số những địa phương luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), biết chữ là điều kiện cần đầu tiên để bước vào lộ trình học tập suốt đời đối với mỗi người. Công tác xóa mù chữ được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí và là một tiêu chí để xây dựng xã hội học tập. Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản về chương trình xóa mù chữ, đánh giá học viên học chương trình xóa mù chữ; phối hợp các đơn vị, tổ chức ký kết các chương trình hành động đẩy mạnh công tác xóa mù chữ; tổ chức tập huấn về dạy học chương trình xóa mù chữ cho giáo viên các trường học và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng...

Huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng nên ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, huyện Tam Đường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học, đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Điểm Trường Mầm non ở bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường vào mỗi tối, bên ánh đèn, 100% học viên là phụ nữ đồng bào dân tộc Mông trong bản đều hăng say học cái chữ. Các học viên đều rất tích cực học tập, nghiêm túc tiếp thu bài giảng và thảo luận sôi nổi. Đến nay, lớp học đã hoàn thành chương trình lớp 2 ở mức độ 1. Các học viên đã đọc thông, viết thạo, biết làm phép tính cộng trừ, nhân chia. Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Ma Thị Ly cho biết, khi còn nhỏ do nhà nghèo không được đi học, lớn lên, chị lại là lao động chính trong gia đình, ở nhà làm nương giúp bố mẹ nuôi các em. Vì thế, việc được đến trường học chữ là mơ ước bấy lâu nay của chị.

Cô giáo Ngô Lệ Thúy là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng. Công tác ở xã Tả Lèng đã lâu, cô hiểu văn hóa và tiếng địa phương. Trong quá trình giảng dạy, để học viên dễ hiểu, cô kết hợp tiếng phổ thông và tiếng đồng bào. Đến nay, hầu hết học viên đã biết đọc, biết viết.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Tam Đường, tính đến năm 2023, toàn huyện đã mở được 17 lớp xóa mù chữ với 356 học viên tham gia, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ và chính xác, giúp đồng bào tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng và từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế hộ gia đình.

Còn tại Xã Dào San, nằm tít trên núi cao, quanh năm mây mù bao phủ. Đây cũng là xã biên giới khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, toàn xã có trên 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ở vùng biên giới này còn có rất nhiều phụ nữ chưa biết chữ. Để nâng cao dân trí, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục đã phối hợp với các cấp tổ chức lớp xoá mù chữ cho người dân. Ngày họ ở trên nương, tối về đi học lấy cái chữ. Phong trào học tập của chị em phụ nữ ở Dào San là động lực để những cán bộ nơi đây mang cái chữ về với bản.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thúy Hồng

Cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) chia sẻ: "Thực hiện công tác xoá mù chữ ở địa phương, hàng năm. Hiện, chúng tôi đang mở 3 lớp xoá mù chữ với 60 học viên ở hai điểm bản U Ní Chải và Dền Thàng mỗi tuần 5 buổi vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Các lớp xoá mù chữ của nhà trường đã đạt chuẩn mức độ 2.

Với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Lai Châu đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học. Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú; hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn (học viên không phải đóng học phí, hỗ trợ sách, bút cho học viên trong suốt thời gian học); tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh tổ chức điều tra, rà soát người mù chữ trên địa bàn 2 lần/năm; cập nhật chính xác dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ còn vất vả, nhất là người mù chữ ở các xã vừa ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian tổ chức lớp học chủ yếu vào buổi tối, hay vào mùa vụ dẫn đến khó huy động học viên ra lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học. Từ đó, góp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng dần được thu hẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Nhật Minh

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19