Những người thầy “trồng hoa trên đá”

Những năm gần đây, công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Để mang tri thức về với học sinh vùng khó, nhiều giáo viên đã phải hi sinh cuộc sống cá nhân, bám làng, bám bản hoàn thành sứ mệnh giáo dục của mình.

Đối với những thầy giáo, cô giáo bám bản, đưa con chữ đến với học sinh vùng núi, vùng biên, khó khăn nhất không phải điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vất vả, cũng không phải nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình khôn nguôi, mà là đảm bảo sĩ số học sinh ra lớp vào đầu mỗi năm học và duy trì đủ sĩ số trong suốt thời gian năm học diễn ra.

Gần như trở thành thông lệ, từ tháng 7, thầy Hoàng Sỹ Xuân, Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Văn Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú-bán trú (PTDTNT-BT) THCS Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa thường sớm trở lại trường để chuẩn bị công tác vận động học sinh ra lớp. Thầy Xuân chia sẻ: “Nếu như các trường ở miền xuôi, thành thị, ngày 1/8 hằng năm, giáo viên mới tập trung tại trường, thực hiện công tác đầu năm học thì đối với giáo viên miền núi chúng tôi, cứ trung tuần tháng 7, Ban giám hiệu và giáo viên lại trở lại trường để làm công tác tuyển sinh và đi tìm… học trò”.

Ảnh 1: Giáo viên cắm bản điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) đang chăm lo giấc ngủ trưa cho các em học sinh.

Theo thầy Xuân, để vận động học trò ra lớp, thầy cô giáo phải trải qua nhiều khúc cua nguy hiểm, trèo đèo rồi lội suối mới tới được bản xa xôi, heo hút. Công việc ấy còn phải lặp đi lặp lại nhiều lần bởi nhiều gia đình đến mùa làm nương, làm rẫy rất ít khi có người ở nhà. Đường từ trung tâm xã Mường Lý lên bản Sài Khao dài hơn 20 km. Ngày trước, khi chưa có đường bê tông, các thầy, cô giáo phải “đánh cược” tính mạng của mình trên cung đường này mỗi khi đi tìm học trò, để động viên các em đến lớp.

Cung đường dài, khúc khuỷu, đi lại cũng đầy gian nan, vất vả như hành trình gánh chữ lên miền núi của các thầy cô giáo bám bản. Thời tiết thuận lợi, đường đi đỡ khó, nhưng có những thời điểm trời mưa lũ, đường trở nên lầy lội, khó đi vô cùng. “Biết rằng, có những chuyến đi thực sự là nguy hiểm, nhưng mọi người đều xác định rằng: Nguy hiểm cũng phải đi, chứ không thể ngồi chờ học trò tự tìm đến lớp như ở nơi khác được”, thầy Quý bộc bạch.

Trưởng bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát Giàng A Chống tâm sự, bản Ón là một trong những bản khó khăn bậc nhất của xã, với 100% là đồng bào Mông, do đặc thù kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, trình độ dân trí hạn chế, nên cuộc sống các hộ dân còn nhiều thiếu thốn. Con chữ nơi đây cũng chưa được coi trọng, bởi “có thực mới vực được đạo”, kiếm cái ăn no bụng còn đeo bám lấy người dân nơi đây hàng ngày, hàng giờ. Vì thế, suốt nhiều năm qua, để duy trì sĩ số, các giáo viên cắm bản phải lặn lội đến từng nhà gặp gỡ, thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp. Để ươm mầm “con chữ”, giờ đây mỗi thầy cô phải thực hiện bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em.

Nhà ở trung tâm thị trấn Mường Lát, nhưng thầy giáo Ngân Văn Ân, giáo viên Trường Tiểu học bản Ón, cả tuần mới về nhà một lần. Chia sẻ về chuyện nghề, thầy Ân tâm sự, điểm trường có 5 giáo viên nam, chủ yếu người dưới xuôi, do đường sá xa xôi, các thầy ở lại “cắm bản” cho tiện sinh hoạt, giảng dạy. Thường thì cuối buổi chiều thứ sáu hàng tuần, các thầy tranh thủ về nhà thăm gia đình, vợ con, chiều chủ nhật lại tay xách nách mang đủ thứ nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho một tuần công tác mới. 

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, các thầy giáo còn phụ trách thêm công việc vận động học sinh đến trường. Bởi đối với trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường đi rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về nên thiếu sự quan tâm với con cái, nếu không có sự vận động, khích lệ của các thầy cô, các em rất dễ nghỉ học...

Tại huyện vùng biên Mường Lát, những câu chuyện thường xuyên phải làm là vận động học sinh đến lớp đầy đủ, là chuyện thường xuyên xảy ra. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Lát cho biết, ở huyện biên giới xa xôi, khó khăn này còn rất nhiều điểm trường lẻ mầm non và tiểu học rất khó khăn. Vì vậy, để huy động trẻ ra lớp đạt 100%, hay học sinh đầu cấp đạt yêu cầu, đang là vấn đề nan giải.

Ảnh 2: Thầy Nguyễn Văn Quý (bên phải), Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT-BT THCS Mường Lý (Mường Lát) đến nhà vận động học sinh đến trường.

Huyện vùng cao Mường Lát hiện có 10 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 103 điểm lẻ (mầm non, tiểu học) phần lớn học sinh là con em dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế khó khăn, đi lại xa xôi, vất vả. Có những điểm trường lẻ cách xa điểm chính hàng chục cây số. Các thầy, cô giáo từ cấp trung học xuống bậc học mầm non đều phải tranh thủ trong thời gian nghỉ hè, thậm chí những buổi chiều muộn lặn lội đến các bản xa xôi, hẻo lánh, cách trường chính hàng chục km đường rừng để vận động phụ huynh cho trẻ và học sinh đến trường. Để “kéo trẻ” đến lớp học mầm non, giáo viên phải lặn lội vào các bản Ón, Suối Phái, Suối Lóng… những buổi chiều muộn. Bởi, nếu vào ban ngày, cha mẹ của trẻ lên nương rẫy đi làm, không thể gặp và nói chuyện được.

“Đối với đội ngũ giáo viên cắm bản, mặc dù cuộc sống sinh hoạt ăn, ở, giảng dạy còn nhiều vất vả, phải ở nhờ tại một số khu phòng học của học sinh... nhưng bằng tình yêu nghề, họ đã vượt qua mọi trở ngại, luôn tận tâm, yêu nghề, nỗ lực cắm bản, cắm thôn, mang tri thức đến các em học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn”, bà Thúy cho biết.

Chặng đường “trồng hoa trên đá” của những người thầy, người cô vẫn còn đó những ngổn ngang, vất vả mà khó có thể sẻ chia. Nhưng với những hi sinh, mong mỏi và quyết tâm không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo, hi vọng rằng, những “bông hoa” tri thức sẽ ngày càng nở rộ, vươn xa, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Những người thầy “trồng hoa trên đá” tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19