Công tác xoá mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Thanh Hoá

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là với những địa phương có số lượng lớn người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống như Thanh Hoá, công tác xoá mù chữ luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện bằng nhiều giải pháp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, công tác xóa mù chữ trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, khuyến khích người mới biết chữ tiếp tục học tập để không tái mù chữ.

Để nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc. Ngành giáo dục chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho người mù chữ, duy trì, nâng cao bền vững kết quả xóa mù chữ cho người lớn, chú trọng xóa mù chữ chức năng. Công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và nhấn mạnh vai trò chủ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ.

Trên địa bàn 11 huyện miền núi vùng thượng du Thanh Hóa hiện còn 12.430 người từ 15 tuổi đến 60 tuổi mù chữ mức độ 2. Một số huyện có số lượng người mù chữ cao như: Mường Lát 3.203 người, Quan Sơn 2.772 người, Thường Xuân 1.826 người, Thạch Thành 1.430 người, Như Thanh 1.213 người…

Bản Bóng, xã Mường Chanh hiện có 80 hộ, 397 nhân khẩu người dân tộc Thái sinh sống. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, đời sống của dân bản đã từng bước được nâng lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, bộ mặt nông thôn mới không ngừng được khởi sắc. Tuy nhiên, do bà con ít khi sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp, nên tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, công tác xóa mù chữ đã được các cấp ủy, cơ quan, đoàn thể chú trọng, đẩy mạnh, từng bước tháo gỡ khó khăn để tổ chức mở lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân tại bản Bóng.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác xã mù chữ cho nhân dân địa phương, tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã, Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Trung Lý cũng tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho các học viên là hội viên phụ nữ và nhân dân bản Tà Cóm, xã Trung Lý. Năm 2023, Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Lý đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, phối hợp cùng Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã, Đồn Biên phòng Trung Lý tổ chức mở 2 lớp xóa mù chữ cho hơn 100 học viên tại Khằm II và bản Pa Búa, với thời gian học là 3 tháng. Bên cạnh đó, Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Lý còn thực hiện điều tra trình độ dân trí, nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân, để tham mưu với lãnh đạo các cấp mở các lớp dạy nghề cho bà con.

Ông Ngân Văn Lon – Chủ tịch UBND, kiêm Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Lý, chia sẻ: “Khi bà con biết chữ, sẽ thuận lợi hơn cho việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, tham gia học tập, nâng cao kiến thức trình độ dân trí cho nhân dân”.

Dự kiến trong năm nay, Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Lý sẽ tiếp tục phối hợp với Hội khuyến học xã, Đồn biên phòng Trung Lý, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã hoàn thành khai giảng các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ là người đồng bào dân tộc Mông ở các bản: Nà Ón, Xa Lao, Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm.

Trung tâm đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn xã thực hiện điều tra, thống kê số người mù chữ và tái mù chữ. Cập nhật thông tin về người mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục xóa mù chữ của Bộ GDĐT kịp thời; hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ mù chữ của toàn xã Trung Lý vẫn còn 2,41%. Hiện nay, các thành viên của Trung tâm học tập cộng đồng xã Trung Lý đang tiếp tục đi vận động người mù chữ tham gia học các lớp học xóa mù chữ; vận động những người mới biết chữ tiếp tục ra học các lớp giáo dục sau khi biết nhằm củng cố kết quả học tập và hạn chế tình trạng tái mù chữ.

Cùng với việc triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các nội dung Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực vùng dân tộc, miền núi, trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, hiện nay Sở GDĐT cùng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ. Theo đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập, hoàn thành chương trình xóa mù chữ dự kiến được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người để hoàn thành mỗi giai đoạn xóa mù chữ. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình xóa mù chữ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 các học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, tổng 1.005 tiết; Giai đoạn 2 các học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, tổng 949 tiết. Bước đầu ngân sách tỉnh cần bố trí 5,4 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ 3.000 lượt người ở vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh hoàn thành chương trình xóa mù chữ trong giai đoạn 2024-2025.

Đời sống, kinh tế của bà con dân tộc thiểu số, vùng cao Thanh Hóa chủ yếu dựa vào củ khoai, củ sắn, chăn nuôi trâu bò, gia súc, còn đó nhiều khó khăn, vất vả. Đó cũng là lý do tỉ lệ tái mù chữ vùng cao lớn đến vậy. Dẫu còn nhiều nỗi lo toan của cuộc sống chật vật, mưu sinh, nhưng ánh đèn đêm khuya của những lớp học xóa mù chữ ở Thanh Hóa hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi đời sống nơi đây, đời sống được xây nên bởi nguồn tri thức tươi sáng.

Minh Phong

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết Công tác xoá mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Thanh Hoá tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19