Những thách thức trong việc triển khai lớp học đảo ngược ở đại học

Lớp học đảo ngược đã dần trở thành một phương tiện tiềm năng để tăng cường sự tham gia của sinh viên, cải thiện kết quả học tập và thích ứng với bối cảnh giáo dục đang thay đổi. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích tiềm năng của học tập đảo ngược là một số thách thức trong việc triển khai mô hình lớp học này.

Nguồn gốc và mô hình Lớp học đảo ngược

Khái niệm về lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) xuất hiện hay được nêu ra bởi các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Lớp học đảo ngược là mô hình học tập ngược lại với mô hình học tập truyền thống. Trong mô hình này, sinh viên sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các video quay sẵn, tài liệu hỗ trợ. Đôi khi là các cuộc thảo luận trực tuyến và chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Sau đó, khi lên lớp, sinh viên đặt các câu hỏi để giảng viên giải đáp; cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức.

Mặc dù các khái niệm về bài tập về nhà và học ở nhà khá truyền thống, nguồn gốc của lớp học đảo ngược (hay học tập đảo ngược) có thể bắt nguồn từ năm 2000 khi Lage, Platt và Treglia sử dụng chiến lược học tập "lớp học đảo ngược" trong hai lớp kinh tế trình độ đại học (Eppard & Rochdi, 2017).

Lợi ích của lớp học đảo ngược trong giáo dục đại học

Mô hình lớp học đảo ngược gần đây đã trở nên phổ biến như một cải tiến giáo dục trong công nghệ giáo dục, đặc biệt là khi áp dụng vào giáo dục đại học (Divjak và cộng sự, 2022). Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia và sự hài lòng của sinh viên, và mô hình lớp học đảo ngược dựa rất nhiều vào công nghệ (Tomas và cộng sự, 2019).

Ngoài lớp học, sinh viên được khuyến khích chủ động tìm hiểu tài liệu mới bằng cách đọc hoặc xem các bài giảng được ghi lại. Phương pháp này đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ và phân tích kiến ​​thức được cung cấp trên lớp. Sau đó, sinh viên được yêu cầu sử dụng những gì đã học trên lớp để hoàn thành các bài tập giải quyết vấn đề theo nhóm (Huang và cộng sự, 2023). Từ đó, sinh viên có được trải nghiệm học tập sâu sắc hơn bằng cách hiểu toàn diện hơn về nội dung môn học. So với các hình thức dạy học thông thường, hình thức học tập này năng động hơn và là một mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm (Karjanto & Acelajado, 2022). Bên cạnh đó, mô hình học tập này có thể giảm thiểu thời gian dành cho việc giảng bài, cung cấp trải nghiệm thực hành và giúp sinh viên chuẩn bị và có động lực hơn cho việc học của mình. Do đó, mô hình lớp học này cũng có thể nâng cao thành tích học tập, tăng cường sự tham gia của sinh viên, nâng cao sự tự tin và khả năng tư duy phản biện của họ.

Một số thách thức trong việc triển khai lớp học đảo ngược trong giáo dục đại học

Về phía giảng viên

Giảng viên cần nhiều thời gian hơn để dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược. Giáo viên cần chuẩn bị nhiều tài liệu, bao gồm video, bài đọc, bài kiểm tra để hỗ trợ sinh viên tự học trước khi vào lớp. Điều này đòi hỏi thời gian và công sức đáng kể. Giáo viên phải có các biện pháp để đánh giá xem sinh viên có nắm vững kiến thức trước khi vào lớp hay không. Điều này có thể phức tạp và cần các công cụ kiểm tra phù hợp. Việc chuyển từ phương pháp truyền thống sang lớp học đảo ngược đòi hỏi giáo viên phải thích nghi với các phương pháp giảng dạy mới, tập trung vào hướng dẫn thực hành và thảo luận hơn là giảng lý thuyết.

Nếu không được tổ chức tốt, có thể việc dạy học theo mô hình này sẽ làm cho sinh viên thiếu động lực cho công việc trước giờ tới lớp. Sinh viên thường thiếu động lực tham gia các hoạt động học tập trước giờ học. Một trong những cách thức được khuyến nghị sử dụng là phối hợp với phương pháp trò chơi/game hoá (gamification) để giúp tăng cường động lực cho sinh viên, chẳng hạn như việc trao huy hiệu hoặc theo dõi tiến độ học tập.

Các tài liệu học tập do giảng viên cung cấp, giới thiệu có chất lượng hay được chọn lựa không tốt có thể làm giảm hiệu quả học tập. Để duy trì sự hứng thú, giảng viên nên giữ cho video ngắn và chia nhỏ các chủ đề phức tạp. Video đối thoại có thể tăng cường sự kết nối giữa sinh viên và giảng viên.

Hình 1. Hình ảnh về đào tạo đại học tại Đại học Thái Nguyên theo mô hình lớp học đảo ngược

Về phía sinh viên

Việc triển khai mô hình lớp học đảo ngược phụ thuộc vào năng lực tự học của sinh viên. Mô hình yêu cầu sinh viên phải tự học kiến thức lý thuyết trước khi đến lớp, nhưng không phải sinh viên nào cũng có khả năng tự học hoặc duy trì động lực học tập tốt. Nếu sinh viên không hoàn thành việc tự học trước buổi học, thời gian học tập trên lớp sẽ không hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến chênh lệch về kiến thức giữa các sinh viên. Nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc tự học và duy trì kỷ luật học tập trước khi vào lớp, nhất là khi không có sự kiểm soát chặt chẽ từ giáo viên.

Có thể sinh viên sẽ cần nhiều hơn các hướng dẫn ngoài lớp học. Bởi vì, trong mô hình lớp học đảo ngược, sinh viên cần hỗ trợ nhiều hơn ngoài giờ học, và điều này có thể thực hiện qua các kênh giao tiếp như diễn đàn thảo luận hoặc hệ thống quản lý học tập.

Sinh viên cần có khả năng truy cập vào tài liệu học tập trực tuyến, nhưng không phải sinh viên nào cũng có điều kiện về thiết bị và kết nối internet. Chẳng hạn, có thể có những sinh viên không có đủ nguồn lực công nghệ như điện thoại thông minh hay laptop không thể tham gia được mô hình lớp học đảo ngược. Điều này tạo ra sự khó khăn trong quá trình tổ chức lớp học.

Ngoài ra, về phương diện quản lí, cũng cần cân nhắc tới một số thách thức sau: Nhà quản lý cần giám sát và đảm bảo rằng mọi giáo viên và lớp học đều có sự chuẩn bị đồng bộ, tránh sự chênh lệch trong việc thực hiện mô hình. Mô hình lớp học đảo ngược cũng yêu cầu có hệ thống học tập trực tuyến chất lượng, bao gồm các nền tảng quản lý học tập (LMS) và các công cụ hỗ trợ tương tác như diễn đàn, bài kiểm tra trực tuyến.

Học tập từ xa là một hình thức khá phổ biến trên thế giới, có điều kiện tổ chức dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược, như Đại học Havard, Đại học Boston, Đại học California,.... Ở Việt Nam hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm đầu tư đào tạo theo mô hình này, trong đó có thể kể tới sự phát triển, đầu tư mạnh mẽ của Trung tâm Đào tạo từ xa thuộc Đại học Thái Nguyên. Bằng cách sử dụng mô hình học tập tiên tiến – lớp học đảo ngược, Trung tâm Đào tạo từ xa – Đại học Thái Nguyên đã cải thiện tư duy của người học từ đó đào tạo ra số lượng lớn sinh viên với trình độ chuyên môn cao. Trong hoạt động dạy và học, lớp học đảo ngược được đội ngũ giảng viên chia thành hai mô hình: trực tiếp và trực tuyến.

Trong mô hình lớp học đảo ngược trực tuyến (online), tất cả các hoạt động học tập diễn ra qua internet. Sinh viên truy cập các bài giảng, video, hoặc tài liệu học tập trên các nền tảng học trực tuyến. Họ có thể tự học vào bất cứ lúc nào phù hợp với mình, cho phép cá nhân hóa quá trình học tập. Sau đó thay vì nghe giảng, sinh viên tham gia vào các buổi thảo luận, hoạt động nhóm, và giải quyết vấn đề trực tiếp với giáo viên và bạn học thông qua các công cụ hội họp trực tuyến do trường cung cấp.

Trong mô hình lớp học đảo ngược trực tiếp (offline), phần lớn quá trình học tập và tương tác diễn ra trực tiếp tại trường học. Sinh viên có thể được cung cấp tài liệu học tập như sách giáo khoa, bài tập, hoặc video hướng dẫn để tự học trước khi đến lớp. Các tài liệu này có thể được phân phát dưới dạng vật lý (như in ấn) hoặc trên các phương tiện lưu trữ như USB. Khi đến lớp, sinh viên tham gia vào các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, và áp dụng kiến thức dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Giảng viên sẽ đóng vai trò người hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Hình 2. Những lợi ích khi tham gia học tại Trung tâm Đào tạo từ xa – Đại học Thái Nguyên

(sử dụng trong đào tạo trực tuyến)

Lương Ngọc, Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Baig, M. I., & Yadegaridehkordi, E. (2023). Flipped classroom in higher education: a systematic literature review and research challenges. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 20(1), 61. https://doi.org/10.1186/s41239-023-00430-5

Divjak, B., Rienties, B., Iniesto, F., Vondra, P., & Žižak, M. (2022). Flipped classrooms in higher education during the COVID-19 pandemic: Findings and future research recommendations. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 19(1), 1–24. https://doi.org/10.1186/s41239-021-00316-4

Eppard, J., & Rochdi, A. (2017). A framework for flipped learning. Proceedings of the 13th International Conference on Mobile Learning, 2017, 33-40.

Huang, A. Y., Lu, O. H., & Yang, S. J. (2023). Effects of artificial Intelligence—Enabled personalized recommendations on learners’ learning engagement, motivation, and outcomes in a flipped classroom. Computers and Education, 194, 104684. https://doi.org/10.1016/j.compedu.2022.104684

Karjanto, N., & Acelajado, M. J. (2022). Sustainable learning, cognitive gains, and improved attitudes in College Algebra flipped classrooms. Sustainability, 14(19), 12500. https://doi.org/10.3390/su141912500

Tomas, L., Evans, N., Doyle, T., & Skamp, K. (2019). Are first year students ready for a flipped classroom? A case for a flipped learning continuum. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 16(1), 1–22. https://doi.org/10.1186/s41239-019-0135-4

Bạn đang đọc bài viết Những thách thức trong việc triển khai lớp học đảo ngược ở đại học tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn