Môi trường giáo dục đại học, bao gồm các quan hệ chuyên môn, điều kiện vật chất và nỗ lực của giảng viên và sinh viên, quyết định đến chất lượng giáo dục. Tự chủ đại học với ba trụ cột chính đã nâng cao chức năng sáng tạo của các trường đại học, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện và quản trị hiện đại. Tuy nhiên, các trường đại học đang đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến áp dụng công nghệ, đổi mới phương pháp sư phạm, và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của sinh viên. Vì vậy, cần phân tích để làm những rõ đặc trưng và thay đổi của môi trường giáo dục đại học (môi trường giảng dạy, môi trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, môi trường hợp tác và phát triển cộng đồng), từ đó bước đầu đánh giá thực trạng phát triển môi trường giáo dục ở một số trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới.
"Môi trường giáo dục" ở các trường đại học là một môi trường khoa học với các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy chiếm phần lớn thời gian của nhà trường. Khái niệm này bao gồm môi trường nhỏ (quan hệ thầy-trò, học sinh-học sinh) và môi trường lớn (các yếu tố bên ngoài như điều kiện sống, văn hóa). Theo Phạm Hồng Quang (2006), các thành phần cơ bản của môi trường giáo dục đại học bao gồm: thiết chế hoạt động, quan hệ chuyên môn, điều kiện vật chất, quan hệ với môi trường bên ngoài, và các giá trị văn hóa. Đối với giảng viên, động lực làm việc phụ thuộc vào danh dự, uy tín chuyên môn, và điều kiện làm việc, với các yếu tố tác động như áp lực quá tải và thiếu khách quan trong đánh giá. Đối với người học, mức độ tham gia và khả năng tự giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách. Hiện nay, việc quản lí môi trường vật chất chưa đủ, cần chú trọng tăng cường khả năng chống chịu của người học trước những tác động từ môi trường ảo và thế giới bên ngoài.
Trong bối cảnh và chịu tác động hai chiều bởi những xu thế mới nói trên, các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều xu thế phát triển của giáo dục đại học trên thế giới bao gồm: (1) Tăng nhu cầu giáo dục do nền kinh tế dựa trên tri thức, dẫn đến nhiều sinh viên và cơ sở giáo dục hơn; (2) Quốc tế hóa giáo dục, với các trường đại học mở rộng ảnh hưởng và thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế; (3) Phát triển học tập trực tuyến nhờ công nghệ, giúp sinh viên cân bằng giữa cuộc sống và học tập; (4) Tập trung vào phát triển kĩ năng thực tế của sinh viên như tư duy phản biện và làm việc nhóm; (5) Tăng cường hợp tác với ngành công nghiệp để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; (6) Chú trọng phát triển bền vững trong chương trình đào tạo.
Nguồn: Sưu tầm
Tại Việt Nam, giáo dục đại học cần đổi mới để phù hợp với yêu cầu xã hội, bao gồm: Đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực, đảm bảo chất lượng, và thích ứng với kinh tế thị trường. Các trường đại học phải cân bằng giữa thị trường hóa giáo dục và chức năng phát triển văn hóa, khoa học. Mục tiêu là đào tạo những con người sáng tạo, tự chủ và có khả năng giải quyết vấn đề. Môi trường nghiên cứu và giáo dục là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhân cách chuyên gia. Việc sử dụng thiết bị cá nhân của sinh viên ngày càng phổ biến, với các môi trường trực tuyến như hệ thống quản lí học tập (ví dụ: Moodle) và dịch vụ điện toán đám mây giúp cung cấp tài liệu học tập, cộng tác, và quản lí dữ liệu. Sinh viên có thể tùy chỉnh môi trường học tập cá nhân, trong khi giảng viên quản lí môi trường học tập trong hệ thống.
Giáo dục đại học đã trải qua sự phát triển mạnh mẽ và liên tục từ khi ra đời, và hiện đang chịu sự tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển bao gồm nhu cầu đa dạng trong giáo dục, xu hướng quốc tế hóa, đại chúng hóa, yêu cầu học tập suốt đời, sự phát triển của công nghệ giáo dục, trách nhiệm xã hội trước các vấn đề toàn cầu, và sự thay đổi vai trò của Chính phủ. Giáo dục đại học hiện nay không chỉ có tính phổ quát mà còn ngày càng có vai trò và trách nhiệm cao hơn đối với xã hội, đồng thời bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các xu hướng phát triển kinh tế - xã hội cả ở cấp quốc gia và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng các thách thức và cơ hội mới, giáo dục đại học cần thực hiện một số biện pháp quan trọng như sau:
- Hoàn thiện quản lí và quản trị đại học: Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, cần hoàn thiện môi trường pháp lí với các quy định rõ ràng và dễ áp dụng, đồng thời phân định rõ chức năng giữa Bộ chủ quản và Hội đồng trường.
- Nâng cao môi trường khoa học công nghệ: Hoạt động khoa học là đặc trưng quan trọng của giáo dục đại học. Cần chú trọng đến ba yếu tố chính: hoạt động nghiên cứu của giảng viên và sinh viên, điều kiện cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm và thiết bị chuyên dụng, và thiết kế không gian sáng tạo.
- Phát triển môi trường số và giáo dục mở: Giảng viên cần làm chủ công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải sẵn sàng thích ứng với các thay đổi trong môi trường giáo dục. Để duy trì sự đổi mới sáng tạo, các trường đại học phải đáp ứng nhanh chóng với sự phát triển công nghệ và kết nối toàn cầu, đồng thời tôn trọng sự khác biệt và đóng góp vào tự chủ đại học.
- Duy trì sự sáng tạo và phát triển cá nhân trong môi trường giáo dục: Cần tôn trọng và khuyến khích sự phát triển tự do của mỗi cá nhân để thúc đẩy sáng tạo và đổi mới. Trường đại học nên là trung tâm của sự sáng tạo và sự đổi mới, nuôi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, và công nghệ trên nền tảng nhân văn và đạo đức.
Nghiên cứu cho thấy cần tiếp tục thúc đẩy tự chủ đại học, tăng đầu tư và cải thiện chất lượng giáo dục bằng cách nâng cao đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các giải pháp bao gồm cải cách cơ chế và chính sách để huy động nguồn lực, xây dựng chuẩn quốc tế cho chương trình đào tạo, và tăng cường kiểm định chất lượng. Việc đẩy mạnh liên kết giữa đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt ở bậc sau đại học, và khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả nghiên cứu và khởi nghiệp. Các cơ sở giáo dục cần thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sử dụng tài sản trí tuệ để hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và ứng dụng công nghệ.
Huyền Đức
Tài liệu tham khảo
Phạm Hồng Quang (2006). Môi trường giáo dục. NXB Giáo dục.
Phạm Hồng Quang, Nguyễn Danh Nam (2023). Sự thay đổi và các giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học. Tạp chí Giáo dục, 23(số đặc biệt 9), 60-65.