Theo đó, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Nghị định 13 đã xác lập quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về quy trình, cách thức áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân, lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân, cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân, thủ tục hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là những quy định quan trọng, thiết thực để hạn chế, ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển giao trái phép dữ liệu cá nhân.
Để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định 13 trong các hoạt động có liên quan của ngành, Bộ GDĐT đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các quy định của Nghị định 13 tới các đơn vị, cá nhân trong phạm vi quản lý, đặc biệt là đối với đội ngũ trực tiếp tham gia quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu cá nhân; tổ chức giáo dục pháp luật, truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân cho học sinh, sinh viên phù hợp.
Rà soát các quy định, quy chế nội bộ về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của đơn vị và của các đơn vị trực thuộc để lồng ghép các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó, cần quy định rõ về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; về xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để xảy ra vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc phạm vi phụ trách.
Rà soát các đơn vị, bộ phận có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân; tiến hành phân loại dữ liệu cá nhân đã thu thập, đang xử lý; đánh giá quy trình thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân để ban hành hoặc đề xuất ban hành các biện pháp quản lý phù hợp và xác định trách nhiệm bảo vệ tương ứng với từng loại dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định 13.
Rà soát công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết đối với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu thuộc phạm vị quản lý; thường xuyên kiểm tra, bảo trì, nâng cấp hệ thống nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục các lỗ hổng về kỹ thuật, tránh nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống dẫn tới lộ, mất dữ liệu cá nhân.
Đối với việc quản lý, khai thác sử dụng các CSDL ngành giáo dục: phổ biến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghiên cứu thực hiện các quy định tại Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/20221 Quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo. Quy định rõ trách nhiệm về bảo vệ tài khoản, an toàn thông tin mạng, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đặc biệt quan tâm tới quản lý tài khoản truy cập: không dùng chung tài khoản, đặt mật khẩu có độ phức tạp cần thiết.
Khi phát hiện xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân phải xử lý nghiêm và thông báo vi phạm tới cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an) và Bộ GDĐT (qua Cục Công nghệ thông tin) chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hoặc phát hiện hành vi vi phạm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định 13.
* Xem Công văn trong file đính kèm./.