Dự Hội thảo có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Sở GDĐT, phòng GDĐT, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục mầm non.
Đại biểu dự hội thảo
Ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hội thảo vừa nhằm sơ kết một số công việc đã đặt ra từ Đề án 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là diễn đàn kết nối để các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên, cán bộ quản lý mầm non, giáo viên mầm non chia sẻ, trao đổi tri thức mới, các mô hình tiên tiến, các kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Báo cáo kết quả nghiên cứu về giáo dục mầm non năm 2022 trên thế giới, PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Có 13 quốc gia có nhiều tác giả xuất bản bài báo nhất với các chủ đề nghiên cứu phổ biến: ngôn ngữ và lời nói, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của trẻ mầm non, các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo viên và trẻ mầm non, chất lượng giáo dục mầm non. Điều đó cho thấy cần quan tâm đầu tư đến lĩnh vực này nhiều hơn nữa.
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
TS Nguyễn Tuấn Vĩnh, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế chia sẻ về các chương trình học tập cảm xúc - xã hội cho trẻ mầm non trên thế giới. Trong đó, quá trình thực hiện cho thấy hiệu quả về kết quả học tập được cải thiện, nâng cao các hành vi xã hội tích cực, giảm các vấn đề hành vi tiêu cực…
Nhấn mạnh chuyển đổi số trong giáo dục mầm non là yêu cầu tất yếu, TS Lê Thị Luận, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất cần có Khung năng lực số cho giáo viên mầm non. Bởi hiện tại, chỉ có thể đánh giá và kiểm soát năng lực số của giáo viên thông qua chuẩn đầu ra của các trường sư phạm và quy định tuyển dụng của các đơn vị công lập.
TS Lê Thị Luận cho rằng giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho giáo viên mầm non, đó là, mỗi cơ sở đào tạo cần bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên; nâng cao năng lực số giáo viên song hành với chuyển đổi số giáo dục mầm non; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngành sư phạm mầm non.
Chia sẻ về công tác phát triển chương trình để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non ở các trường sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa giáo dục mầm non, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Nhà trường đã xây dựng chương trình giáo dục đảm bảo cập nhật các xu hướng hiện đại trong giáo dục mầm non, hướng tới phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của người giáo viên mầm non; phương pháp, hình thức giảng dạy được hiện đại hoá; kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại, tiên tiến.
Bà Cù Thị Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GDĐT chia sẻ tại hội thảo
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GDĐT Cù Thị Thủy: Theo lộ trình được Bộ GDĐT nêu trong dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục Mầm non vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến công luận, từ năm học 2029-2030 bắt đầu triển khai áp dụng đại trà Chương trình giáo dục mầm non mới trên phạm vi toàn quốc.
Vì thế, đội ngũ giáo viên, sinh viên ngành mầm non cần được trang bị những hình thức, phương pháp và cách thức tiếp cận với mô hình giáo dục tiên tiến, phù hợp với những yêu cầu mới của xã hội và chương trình giáo dục mầm non mới. Xây dựng “Trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm” là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục, muốn vậy, cũng cần phải tạo hạnh phúc cho giáo viên mầm non.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về "đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với giáo dục mầm non. Những đổi mới của ngành, sẽ hứa hẹn nhiều chính sách cho giáo viên mầm non được quan tâm, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GDĐT phát biểu tại hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GDĐT cho biết: Trong xu thế phát triển khoa học - công nghệ trên thế giới, Việt Nam cũng đang bắt nhịp với tốc độ cao, đặt ra thách thức với rất nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục mầm non. Làm sao để mang khoa học, tri thức đến lĩnh vực giáo dục mầm non, đây là bài toán được đặt ra.
Ông Trần Nam Tú nhận định, nghiên cứu khoa học về giáo dục mầm non tuy có kết quả nhưng còn hạn chế, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa sâu rộng. Vì thế, cần khởi động, tạo một sân chơi thực sự hiệu quả và quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực này, đặc biệt là các nghiên cứu về khoa học, công nghệ để các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo được chia sẻ, kết nối với nhau, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cho giáo dục mầm non.
Bộ GDĐT mong muốn các nhà khoa học tiếp tục có nghiên cứu đề xuất những mô hình mới, cách làm hay. Đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều khu công nghiệp…, cụ thể hóa những nghiên cứu thành hành động để giáo dục mầm non ngày càng phát triển.