Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19. Học tập trực tuyến, bắt đầu từ những năm 1980 và bùng nổ vào năm 2012 với sự xuất hiện của các khóa học trực tuyến mở (MOOCs), đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong giáo dục. Học trực tuyến mang lại nhiều tiện ích như vượt qua khoảng cách địa lí và thời gian, đồng thời giảm thiểu các yêu cầu về hình thức và khó khăn tài chính so với giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, do hạ tầng chưa đồng bộ, học trực tuyến chưa được áp dụng hiệu quả song hành cùng phương thức dạy học truyền thống. Vì vậy, việc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (Blended Learning) để xây dựng một hệ sinh thái giáo dục số là cần thiết.
Bài báo của Trần Trung và Nguyễn Thu Phương (2024) nghiên cứu về hệ sinh thái học tập với ứng dụng chuyển đổi số cùng các thành phần, cấu trúc, mối quan hệ giữa các thành tố bên trong và đưa ra các đặc tính đặc trưng của hệ sinh thái giáo dục số để đóng góp vào cơ sở lí thuyết nền tảng nhằm xây dựng một hệ sinh thái học tập nói chung và ứng dụng kĩ thuật số trong học tập nói riêng.
Khái niệm “hệ sinh thái giáo dục số” đã được nhiều học giả trên thế giới tiếp cận dưới các tên gọi và góc độ khác nhau như hệ sinh thái học tập số, hệ sinh thái học trực tuyến, hệ sinh thái kĩ thuật số, và hệ sinh thái dạy và học. Các cách tiếp cận này, mặc dù có khác biệt, đều tập trung vào sự tương tác giữa các yếu tố như giáo viên, học sinh, cơ sở hạ tầng, và dịch vụ hỗ trợ trong một môi trường kĩ thuật số. Ví dụ, hệ sinh thái học tập kĩ thuật số được so sánh với một hệ sinh thái tự nhiên, nơi các thành phần tương tác với nhau và với môi trường xã hội, văn hóa. Hệ sinh thái kĩ thuật số, E-learning, và học tập cũng nhấn mạnh vào việc sử dụng công nghệ để nâng cao quá trình giáo dục và phát triển năng lực người học, đồng thời xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và văn hóa. Dựa trên bản chất của thuật ngữ “hệ sinh thái” xuất phát từ sinh học gồm cộng đồng các sinh vật được chia thành 2 nhóm là sinh vật (biotic) và phi sinh vật (abiotic) và sự tương tác của chúng trong môi trường sống. Từ đó, nhóm tác giả cho rằng: Hệ sinh thái giáo dục số là một nền tảng/hệ thống kĩ thuật số mà ở đó gồm các yếu tố về con người (người dạy, người học,…), cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ tương tác với nhau dưới một thể chế văn hóa nhất định. Nền tảng này kết nối người dạy - học tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, đa dạng tiện ích và mang các đặc tính: Tính tuần hoàn, tính tương tác, tính bền vững, tính cộng sinh, tính hệ thống.
Hệ sinh thái giáo dục số gồm bốn thành phần chính tương tự như một hệ sinh thái tự nhiên: (1) Yếu tố con người bao gồm người học, người dạy, người hỗ trợ và quản lí, đóng vai trò như các “sinh vật” trong hệ sinh thái này, tham gia vào quá trình học tập và giảng dạy thông qua công nghệ số; (2) Hạ tầng công nghệ là nền tảng cốt lõi của hệ sinh thái giáo dục số, bao gồm các ứng dụng, trang web, phần mềm và hệ thống quản lí học tập (LMS) hỗ trợ quá trình học trực tuyến và trực tiếp; (3) Nội dung và tài nguyên học tập, như sách điện tử, video giảng dạy, và tài liệu học tập trực tuyến, cung cấp kiến thức và kĩ năng cho người học; (4) Môi trường thể chế, văn hóa gồm các quy định, chính sách từ cơ quan quản lí giáo dục và chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng công nghệ số trong giáo dục. Hệ sinh thái giáo dục số có thể được chia thành các cấp độ từ cá nhân người học, cấp trường, cấp mạng lưới các cơ sở giáo dục, đến cấp quốc gia, và tích hợp các hệ thống như LMS, LCMS, mạng xã hội học tập, MOOCs, công nghệ Blockchain, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. Mô hình này dựa trên nghiên cứu của Bronfenbrenner (1999), Gütl và Chang (2007), Kuskin (2018) và Nguyễn Mai Hương và cộng sự (2021), thể hiện sự phân cấp và cấu trúc của hệ sinh thái giáo dục số.
Mô hình hệ sinh thái giáo dục số (Nguồn: Trần Trung và Nguyễn Thu Phương, 2024)
Đồng thời nhóm nghiên cứu cho rằng, một nền tảng hỗ trợ việc dạy - học dưới sự hỗ trợ của công nghệ số để tạo thành được một hệ sinh thái hoàn chỉnh cần có 5 đặc tính được đề xuất, cụ thể:
- Tính tuần hoàn: Hệ sinh thái phải đảm bảo chu kì học tập liên tục, từ khi người học tham gia, chọn khóa học, tiếp thu kiến thức, đến khi hoàn thành và tiếp tục với các khóa học mới, tạo ra một chu kì tuần hoàn.
- Tính tương tác: Các thành phần trong hệ sinh thái, bao gồm người dạy, người học và nền tảng trực tuyến, phải tương tác qua lại với nhau. Người học cũng có thể đóng vai trò là người cung cấp tri thức thông qua việc trao đổi và tương tác.
- Tính cộng sinh: Các thành phần hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu chia sẻ và tiếp thu tri thức. Nền tảng học kĩ thuật số và người dùng tác động qua lại, với nền tảng cải thiện khi lượng người dùng tăng lên, phục vụ tốt hơn nhu cầu của con người.
- Tính bền vững: Hệ sinh thái phải có khả năng thích ứng với các thay đổi về cấu trúc, văn hóa, công nghệ và nội dung, đồng thời cung cấp một môi trường ổn định và linh hoạt, phát triển bền vững.
- Tính hệ thống: Hệ sinh thái tạo ra một cộng đồng đa dạng với nhiều ngành nghề, nội dung và lĩnh vực, hình thành một cấu trúc phức hợp, có sự cân bằng và mâu thuẫn, cùng tồn tại và phát triển, tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho việc dạy và học.
Các đặc tính của hệ sinh thái giáo dục số (Nguồn: Trần Trung và Nguyễn Thu Phương, 2024)
Bài báo đã tiếp cận hệ sinh thái giáo dục số theo mô hình của môi trường tự nhiên, đề xuất các yếu tố, cấu trúc, và cấp độ của một hệ sinh thái giáo dục số. Năm đặc tính quan trọng (tính tuần hoàn, tính tương tác, tính cộng sinh, tính bền vững, tính hệ thống) cần có để xây dựng một hệ sinh thái giáo dục số hoàn chỉnh. Những đặc tính này đóng vai trò nền tảng cho việc thiết kế các môi trường học tập kết hợp với công nghệ số trong giai đoạn hiện nay. Việc vận hành hiệu quả hệ sinh thái giáo dục số sẽ tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho sự phát triển cá nhân, kết hợp hài hòa giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, hỗ trợ cả việc giảng dạy tại lớp và đào tạo từ xa.
Huyền Đức
Nguồn: Trần Trung, Nguyễn Thu Phương (2024). Cấu trúc và các đặc tính của hệ sinh thái giáo dục số. Tạp chí Giáo dục, 24(số đặc biệt 6), 1-5.