Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá, 5 nội dung dự kiến mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong Dự thảo Luật Nhà giáo bao gồm: Thứ nhất, công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc; thứ hai, công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; thứ ba, tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp; thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục; thứ năm, chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
(Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT. Ảnh: PV)
Hiện nay, Việt Nam có 1,6 triệu nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó khoảng 90% thuộc các trường công lập, là viên chức, chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức và khoảng 10% thuộc các trường ngoài công lập, là người lao động, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Ngoài ra, nhà giáo chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và hơn 200 văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trong hoạt động thực thi, chúng ta vẫn thấy có sự thiếu đồng bộ, tình trạng chồng chéo trong các quy phạm, quy định, có nhiều chủ thể ban hành dẫn tới việc lúng túng khi tra cứu và áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, mặc dù có hơn 200 văn bản dưới luật quy định về nhà giáo, vẫn thiếu các văn bản quy định cụ thể về quản lý, chế độ, chính sách cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Công tác quản lý nhà nước về nhà giáo vẫn dẫm chân trong mô hình quản lý nhân sự và không thể giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên, cơ cấu và chất lượng đội ngũ.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc ứng xử đối với nhà giáo trong các quy định quản lý nhà nước cũng giống như viên chức, người lao động thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác. Nhà giáo cũng chỉ đơn thuần là người lao động, là viên chức nên việc áp dụng tư duy đồng nhất và hàng loạt trong quản lý đội ngũ nhân lực quan trọng nhất của quốc gia đã dẫn đến một cơ chế máy móc, trói buộc tính chuyên môn hóa hết sức riêng biệt của nhà giáo, kìm hãm năng lực sáng tạo, làm giảm động lực và lòng yêu nghề của nhà giáo. Cách tiếp cận như vậy trong quản lý nhà nước về nhà giáo đã kéo theo nhiều hệ lụy, đó là sự suy giảm sức hút vào nghề dạy học, tình trạng thừa thiếu giáo viên xảy ra ở tất cả các địa phương, cơ cấu giáo viên không hợp lý, tinh giản biên chế cào bằng,... Trong khi đó, ngành Giáo dục không phải là cơ quan chủ trì để giải quyết tất cả những khó khăn, bất cập này mà chỉ đóng vai trò của cơ quan phối hợp. Các cơ quan chủ trì là ngành Nội vụ hoặc UBND các cấp cũng không thể giải quyết được những bất cập, chẳng hạn như điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, giữa các huyện và tỉnh do phân cấp và thẩm quyền. Tương tự, tuyển dụng nhà giáo là một khâu rất quan trọng, quyết định lớn đến chất lượng nhà giáo nhưng việc tuyển dụng lại theo một quy trình chung như những ngành khác, thời gian tuyển dụng theo năm hành chính, nên không kịp thời bổ sung nhà giáo trước thời điểm khai giảng năm học. Nội dung thi tuyển giáo viên nhiều khi chú trọng vào hành chính nhà nước và nền hành chính công vụ, trong khi, việc tuyển dụng nhà giáo rất cần tuyển chọn kỹ về phẩm chất, hành vi và các năng lực sư phạm. Đặc biệt, ngành Giáo dục vì không có thẩm quyền tuyển dụng nên không thể tự mình tuyển chọn được những người đáp ứng chuẩn nhà giáo, hậu quả là tuyển không kịp thời, không đúng người, có không ít nhà giáo do khâu tuyển dụng không kỹ, gây ra bức xúc xã hội bởi phẩm chất, hành vi lệnh chuẩn.
Gần đây, tại Hội thảo ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ nhận định: Quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu. Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp, trong đó nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường phát triển của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục. Nếu được thông qua, đây là cơ hội để chúng ta điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.
Để đáp ứng yêu cầu của các nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo như sau:
"1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo;
b) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo trình cấp có thẩm quyền quyết định;
c) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, thống kê về nhà giáo;
d) Thanh tra, kiểm tra về nhà giáo;
đ) Hàng năm, báo cáo Chính phủ về đội ngũ nhà giáo.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo theo quy định của Luật này.”
Như vậy, quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo đã xác định tư tưởng nhất quán trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, đó là kiến tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng. Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo, trong đó vai trò, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được trao cho ngành Giáo dục nhưng không làm mất đi vai trò quản lý nhà nước về nhà giáo của các Bộ, Ngành và chính quyền các cấp đã được pháp luật quy định, đồng thời không có xung đột với các Luật, Bộ luật khác.
Nguyễn Minh
Nguồn: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT