Tự chủ đại học diễn ra trên nhiều phương diện
Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã khẳng định quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) như sau: “Cơ sở GDĐH tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng GDĐH”. Qua hơn 10 năm thực hiện tự chủ, nhiều cơ sở GDĐH tại Việt Nam có bước tiến đáng kể trong nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, sau 10 năm kể từ Luật Giáo dục đại học năm 2012, cả nước có 170/174 cơ sở GDĐH công lập đã thành lập Hội đồng trường (HĐT) theo Luật số 34/2018/QH14 (Luật số 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP(đạt tỉ lệ 90,6%); trong đó, có 36/36 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc Bộ GDĐT đã thành lập HĐT. Việc thành lập HĐT tại các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đạt tỉ lệ 97,10%. Việc chủ động trong quản trị nhà trường, quản lí tổ chức, bộ máy và chính sách tài chính, tài sản đã thay đổi mô hình quản trị theo định hướng dịch vụ và phụng sự khác với mô hình bao cấp trước đây. HĐT và Ban giám hiệu trong thời gian qua đã thay đổi tư duy quản lí bằng việc lấy người học làm trung tâm; thay đổi từ mô hình hành chính sang mô hình dịch vụ giáo dục và đào tạo, cung cấp dịch vụ tốt nhất đến giảng viên và người học. Sự thay đổi tư duy, quan điểm dẫn đến sự thay đổi tầm nhìn, sứ mạng và các chiến lược của nhà trường. Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới. Trong thời gian gần đây, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở GDĐH ngày một tăng thêm (tăng từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021). Thực tế cho thấy, các trường đang có chính sách để cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học. Việc này cho thấy tính phân cực của hệ thống rất rõ trong việc thu hút giảng viên giỏi để nâng cao uy tín, xếp hạng của nhà trường nhằm mục tiêu cạnh tranh, thu hút sinh viên giỏi.
Về mức độ tự chủ tài chính, sau 10 năm thực hiện TCĐH, 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%. Tỉ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác rất thấp (chiếm 3,45%). Đa phần các trường tích cực triển khai tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng và đã thu được những kết quả tích cực. Đa số các trường cho rằng, triển khai các chính sách tự chủ về học phí thuận lợi và đã mang lại tác động rất tích cực. Đồng thời, đa phần các trường (khoảng 90%) cho rằng các chính sách về tự chủ, qui chế tài chính và chi tiêu nội bộ thuận lợi trong triển khai và chính sách mang lại tác động tích cực cho các trường.
Về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các trường chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu của người học. Đồng thời, các trường cập nhật, điều chỉnh các ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, TCĐH đã mở hướng cho tăng cường các chương trình liên kết quốc tế. Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, các trường tự chủ (các Đại học Quốc gia, đại học vùng, thí tiểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, theo Luật số 34) phê duyệt tổng cộng 186 chương trình, 124 chương trình ở trình độ đại học; 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 04 chương trình ở trình độ tiến sĩ. 408 chương trình phân loại theo quốc gia chủ yếu là các chương trình với các cơ sở GDĐH tại Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kì (59), Cộng hòa Pháp (53), Australia (37) và Hàn Quốc (27); các nước có nền GDĐH phát triển và các cơ sở GDĐH uy tín, xếp thứ hạng cao trên thế giới như New Zealand (16 chương trình), CHLB Đức (10 chương trình) và Vương quốc Bỉ (10 chương trình).
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng luôn đi kèm với chính sách về đào tạo tại các cơ sở GDĐH; liên quan chặt chẽ với việc quản lí nguồn lực, nguồn lực được qui hoạch, quản lí tài chính và cơ sở vật chất, nguồn lực học tập (nguồn học liệu của thư viện, thiết bị hỗ trợ giảng dạy, cơ sở dữ liệu trực tuyến,…), nâng cao chất lượng đào tạo. Với yêu cầu và tác động của quá trình TCĐH, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm hơn 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở GDĐH tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình KHCN cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm. Đối với 23 cơ sở GDĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, 22 cơ sở số công bố quốc tế trên tạp chí WoS/SCOPUS tăng mạnh.
Về kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), tính đến giữa năm 2022, trong cả hệ thống có 288 cơ sở giáo dục (cơ sở GDĐH và trường cao đẳng sư phạm) hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó, 266 chu kỳ 1 và 22 chu kỳ 2); 183 cơ sở giáo dục được các tổ chức KĐCLGD trong nước đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (172 cơ sở GDĐH và 11 trường CĐSP); 778 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận chất lượng, trong đó 470 chương trình được công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và 308 chương trình được công nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài. Cả hệ thống có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA; đồng thời, có 232 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.
Có thể thấy rõ, kết quả thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH đã được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Tự chủ đại học cũng giúp các cơ sở GDĐH đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng; liên kết với thị trường lao động, đào tạo đi vào thực chất, có định hướng rõ về tầm nhìn, sứ mạng là cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng; đồng thời, tăng cường kiểm soát các khoản chi, gia tăng tiết kiệm, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lí và sử dụng nguồn lực.
(Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ tại cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024. Ảnh: PV)
Đánh giá về kết quả thực hiện chủ trương TCĐH trong 10 năm qua, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho rằng: “Có thể khẳng định, GDĐH Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong một số lĩnh vực, đặc biệt với những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quản trị đại học, tự chủ và trách nhiệm giải trình, và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu”.
Một số định hướng tăng cường tự chủ để thực hiện vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở GDĐH
Trước hết, cần tiếp tục thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về TCĐH, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lí nhà nước và xây dựng môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân trách nhiệm tới các cơ sở GDĐH; làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan quản lí trực tiếp và chính quyền địa phương đối với phát triển hệ thống GDĐH và quản lí các cơ sở GDĐH.
Nâng cao năng lực quản trị nhà trường, rà soát, hoàn thiện chiến lược phát triển và hệ thống quản trị chiến lược, hệ thống văn bản, qui chế và qui định quản trị nội bộ; làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường/hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học trong hệ thống quản trị nhà trường.
Tiếp tục triển khai Khung trình độ quốc gia, xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các ngành, lĩnh vực cho các trình độ của GDĐH. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030” theo Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách của Nhà nước đối với GDĐH theo chủ trương, nghị quyết của Đảng và qui định tại Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018), để GDĐH thực sự trở thành động lực then chốt và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực tài chính từ xã hội cho GDĐH; thực hiện lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH đồng thời mở rộng triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ. Tiếp tục triển khai tốt các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời khai thác, huy động các nguồn lực khác để đào tạo, bồi dưỡng, tăng qui mô và chất lượng đội ngũ giảng viên.
Nguyễn Minh
Nguồn: Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT). Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Tự chủ đại học 2012-2022