Tìm hiểu về tác động của việc hỗ trợ chi phí tới sự tiến bộ học tập của học sinh thông qua Đạo luật ESSA của Hoa Kỳ

Bài viết thảo luận về Luật Mọi học sinh đều thành công (ESSA) và một nghiên cứu điều tra tác động của chi tiêu của mỗi học sinh đối với tiến bộ học tập lớp 7 ở môn Toán và Tiếng Anh sau khi áp dụng đạo luật này. Nghiên cứu cho thấy chi tiêu tăng lên ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của học sinh.

Bối cảnh chính sách ESSA

Luật Mọi học sinh đều thành công (Every Student Succeeds Act - ESSA) là đạo luật quan trọng trong giáo dục công K–12 tại Hoa Kỳ. ESSA là một đạo luật có phạm vi rộng và phức tạp, có sức ảnh hưởng đến toàn bộ học sinh trong các trường công lập. Mục đích chính của ESSA là đảm bảo các trường cung cấp nền giáo dục chất lượng cao cho học sinh và trao cho các tiểu bang vai trò trung tâm trong việc kiểm tra việc giải trình của các trường học về thành tích của học sinh.

Với bối cảnh trách nhiệm giải trình theo Đạo luật ESSA, việc xem xét mối quan hệ giữa chi tiêu cho mỗi học sinh và các thước đo phát triển học tập cần được quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, bằng cách sử dụng dữ liệu cấp tiểu bang của 847 trường từ 667 quận từ năm học 2018 đến 2019, nghiên cứu của Angela và cộng sự (2024) đã tìm cách trả lời cho câu hỏi sau:

Mức độ chi tiêu cho mỗi học sinh tác động như thế nào đến sự tiến bộ học tập của học sinh lớp 7 với môn Toán và Tiếng Anh?

Để mở rộng quá trình khám phá, nhóm nghiên cứu phân tích theo 03 bước. Đầu tiên, xem xét các biện pháp phát triển học thuật, tiếp theo, tìm hiểu xem chi tiêu cho mỗi học sinh có liên quan đến các chỉ số phát triển học thuật này hay không. Cuối cùng, xem xét mức độ chi tiêu cho mỗi học sinh có liên quan đến mức phát triển học thuật của học sinh khi kiểm soát các yếu tố tổ chức hay không.

Nguồn: Getty Images

Những phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy chi tiêu cho mỗi học sinh có tác động tích cực đến chỉ số phát triển trung bình của các em trong môn Toán và môn Tiếng Anh lớp bảy. Thứ nhất, các phát hiện cho thấy ngay cả sau khi kiểm soát chi tiêu, các đặc điểm của học sinh vẫn có liên quan đến sự phát triển học tập của học sinh ở một hoặc cả hai môn học. Ví dụ, trong môn học này, tỉ lệ học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có liên quan đáng kể đến việc giảm tỉ lệ phát triển trung bình kết quả học tập của học sinh. Thứ hai, tỉ lệ phần trăm phát triển học sinh trung bình trong số học sinh lớp 7 theo học tại các trường có cấu hình cấp lớp K-8 (Chương trình học liên tiếp tiếp từ mẫu giáo đến hết lớp 8) cao hơn so với những học sinh theo học tại các trung học cơ sở truyền thống.

Những kết quả này có một số ý nghĩa đối với thực tiễn. Thứ nhất, song song với sự tích cực về việc chi tiêu cho trường học giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh là các nguồn lực tài chính phải được quản lí hiệu quả và năng suất. Thứ hai, trọng tâm của việc cải cách trường học là để đảm bảo học sinh ở tất cả các cấp đều được đào tạo bởi chương trình học có chất lượng, vì vậy, các hiệu trưởng và cán bộ nhà trường sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh hỗ trợ dạy học theo nhu cầu của học sinh.

Luật Mọi học sinh đều thành công (ESSA) là một ví dụ nổi bật về cách các chính sách giáo dục có thể thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho học sinh. Tại Việt Nam, các nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục và đảm bảo sự công bằng vẫn đang được nâng cao, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Các chính sách này đặc biệt tập trung vào việc nâng cao trình độ giảng dạy, cải tiến cơ sở vật chất và phát triển hệ thống học liệu. Chẳng hạn như việc đầu tư vào các trang thiết bị giáo dục hiện đại và hệ thống thư viện được nâng cấp đã giúp học sinh tiếp cận với những nguồn tài liệu phong phú và đa dạng, từ đó khuyến khích sự nghiên cứu và học tập sáng tạo.

Các yếu tố văn hóa và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển học tập của học sinh. Với một nền văn hóa đa dạng và các cộng đồng dân cư phong phú, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách giáo dục linh hoạt và phù hợp với từng vùng miền bao gồm chính sách giáo dục dân tộc thiểu số cụ thể như cung cấp sách giáo khoa, cấp học bổng để khuyến khích học sinh đến trường; Các chính sách thúc đẩy các sáng kiến ​​giáo dục dựa vào cộng đồng, chẳng hạn như “Chương trình phát triển nông thôn mới”, nhằm cải thiện cơ sở vật chất và nguồn lực giáo dục ở khu vực nông thôn, đảm bảo học sinh từ các vùng khác nhau được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu về tác động của chi tiêu tài chính, Bộ GD&ĐT có thể đề xuất các chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự công bằng trong giáo dục. Thứ nhất, tăng cường quản lí và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính như đầu tư vào đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Thứ hai, đầu tư xây dựng môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và tự chủ học tập nhằm thúc đẩy sự phát triển cá nhân và thành tích học tập.

Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Jack, A. M., & Pogodzinski, B. (2024). A Shift in School Reform: Examining Site-Level Spending and Student Academic Growth. Educational Policy, 08959048241243066. https://doi.org/10.1177/08959048241243066

U.S. Department of Education. Every Student Succeeds Act (ESSA). https://www.ed.gov/essa?src=rn

U.S. Department of Education. Every Student Succeeds Act: Accountability, State Plans, and Data Reporting: Summary of Final Regulations.  https://www2.ed.gov/policy/elsec/leg/essa/essafactsheet170103.pdf

Thanh, T. D., & Chí, H. C. (2023). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam: Lăng kính hành vi về sự tham gia của người dân. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, (316), 2-12.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19