Bài học từ quá trình hợp tác quốc tế giáo dục đại học trong hơn 70 năm của châu Âu

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục ở châu Âu đã trải qua một quá trình phát triển kéo dài hơn 70 năm. Bài viết này sẽ khám phá sự phát triển lịch sử, ý tưởng chính, thách thức và bài học rút ra từ các chính sách hợp tác quốc tế giáo dục đại học của Châu Âu, cung cấp các khuyến nghị cho những sáng kiến tương tự ở các khu vực khác.

Trong hơn bảy thập kỷ qua, châu Âu đã chứng kiến những nỗ lực liên tục trong việc điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu giáo dục. Quá trình này được thúc đẩy bởi những lý do như nâng cao tính cạnh tranh và bản sắc khu vực thông qua nhiều chính sách và hành động khác nhau. Những cột mốc quan trọng trong hành trình này bao gồm chương trình Erasmus, Hiệp ước Maastricht, Quy trình Bologna, và Sáng kiến Các Trường Đại học châu Âu (The European Universities Initiative - EUI).

Lịch sử phát triển

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, châu Âu tập trung vào việc tái thiết xã hội và kinh tế. Ý tưởng về một trường đại học châu Âu siêu quốc gia đã xuất hiện từ giữa những năm 1950 được thúc đẩy bởi Đức và sau đó được Pháp hỗ trợ. Các cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1970 dẫn đến sự đình trệ trong các nỗ lực hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, một số bước tiến tới sự hội nhập và hợp tác đã được thực hiện, bao gồm việc thành lập một Ban giám đốc về Giáo dục, Nghiên cứu và Khoa học trong Ủy ban châu Âu. Chương trình Hành động Giáo dục đã khởi xướng các chương trình học chung và các kế hoạch di chuyển. Những năm 1980 đánh dấu một bước ngoặt với những tiến bộ đáng kể trong quốc tế hóa và hội nhập giáo dục đại học. Việc giới thiệu chương trình Erasmus vào năm 1987 là một thành tựu quan trọng, thúc đẩy di chuyển sinh viên và hợp tác học thuật trên khắp châu Âu. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ra đời của các chương trình quan trọng khác như COMETT và Lingua, thúc đẩy sự hội nhập giữa giáo dục và công nghiệp.

Tiếp theo sau đó vào năm 1992, Hiệp ước Maastricht chính thức được tích hợp giáo dục vào chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu. Quy trình Bologna, được khởi xướng vào năm 1999, nhằm hội nhập giáo dục đại học, thúc đẩy trao đổi và hợp tác học thuật. Thập kỷ này cũng chứng kiến sự hợp tác toàn cầu tăng lên, khi sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự gia tăng của toàn cầu hóa đòi hỏi các phương pháp tiếp cận cạnh tranh và hợp tác hơn. Xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đó, Sáng kiến Các Trường Đại học châu Âu (EUI) ra mắt vào năm 2018 đại diện cho nỗ lực mới nhất để nâng cao hợp tác và tính cạnh tranh toàn cầu trong giáo dục đại học.

Nguồn: Sưu tầm

Những thách thức trong quá trình quốc tế hóa giáo dục

Một trong những thách thức lớn nhất là sự khác biệt giữa các hệ thống giáo dục và chính sách của các quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia có hệ thống giáo dục riêng với cấu trúc, chương trình học, và tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, những sự khác biệt này không chỉ gây khó khăn trong việc hài hòa các quy trình và quy định mà còn tạo ra những rào cản pháp lý và hành chính khi thực hiện các sáng kiến chung. Chẳng hạn, việc công nhận bằng cấp và tín chỉ giữa các quốc gia vẫn còn là một vấn đề phức tạp và chưa được giải quyết triệt để. Thứ hai, các quốc gia có truyền thống giáo dục và văn hóa khác nhau có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi và chấp nhận các thay đổi do quá trình hội nhập mang lại. Thứ ba, việc xây dựng và duy trì các nền tảng công nghệ hỗ trợ học tập và hợp tác trực tuyến đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và nguồn nhân lực. Các quốc gia có mức độ phát triển công nghệ khác nhau sẽ gặp phải những khó khăn riêng trong việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, tạo ra những khoảng cách và sự không đồng đều trong việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi nhu cầu về học tập và làm việc từ xa tăng cao, đòi hỏi một hạ tầng kỹ thuật mạnh mẽ và đồng bộ.

Bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam từ quá trình hợp tác quốc tế của châu Âu

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế một cách toàn diện, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Đại hội XIII của Đảng đề ra để hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước. Dựa trên những bài học rút ra từ kinh nghiệm của châu Âu, có thể đưa ra một số khuyến nghị cho giáo dục Việt Nam trong việc điều chỉnh và hội nhập quốc tế.

Trước hết, cần khuyến khích tính linh hoạt trong các chính sách để phù hợp với hệ thống giáo dục và bối cảnh văn hóa đa dạng của Việt Nam. Các chính sách nên được thiết kế sao cho có thể thích ứng với các thay đổi và nhu cầu cụ thể của từng địa phương, từ đó tăng cường khả năng hội nhập và phối hợp.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục nên được khuyến khích tự nguyện tham gia và hợp tác với nhau cũng như với các đối tác quốc tế. Từ đó, tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, và chương trình trao đổi học thuật để các cơ sở giáo dục gặp gỡ, thảo luận và cùng nhau phát triển các sáng kiến hợp tác.

Thứ ba, việc thiết lập các quỹ hỗ trợ và cơ chế tài chính ổn định sẽ giúp các cơ sở giáo dục vượt qua các giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển bền vững

Thứ tư, các cơ sở giáo dục cần phát triển các cơ chế mạnh mẽ để tạo điều kiện cho việc di chuyển của sinh viên và giảng viên thông qua việc đơn giản hóa và chuẩn hóa các quy định và thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới.

Thứ năm, hệ thống công nhận và ghi nhận các thành tựu học thuật nên được xây dựng sao cho minh bạch và dễ dàng áp dụng. Đặc biệt, việc học hỏi từ các nước khác và áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam.

Cuối cùng, việc tận dụng công nghệ và các nền tảng số sẽ hỗ trợ cho sự hợp tác, đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Các công nghệ này không chỉ giúp kết nối mà còn mở ra những cơ hội mới cho học tập và nghiên cứu từ xa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Bergan, S. (2015). The EHEA at the cross-roads. The Bologna process and the future of higher education [overview paper]. The European higher education area: Between critical reflections and future policies, 727-742. https://doi.org/10.1007/978-3-319-20877-0_45

Brooks, R., & Rensimer, L. (2023). The European Universities Initiative and European spatial imaginaries. Globalisation, Societies and Education, 1–14. https://doi.org/10.1080/14767724.2023.2210515

de Wit, H. and Wang, L. (2024), "Lessons from over 70 years of regional alignment processes in Europe for international higher education". Journal of International Cooperation in Education, 26(1), 5-19. https://doi.org/10.1108/JICE-09-2023-0023  

Lê Xuân Định (2022). Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825758/doi-moi%2C-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-hop-tac-quoc-te-trong-linh-vuc-khoa-hoc---cong-nghe.aspx

 

Bạn đang đọc bài viết Bài học từ quá trình hợp tác quốc tế giáo dục đại học trong hơn 70 năm của châu Âu tại chuyên mục Chính sách quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn