Nhiều kỳ vọng với dự thảo Luật Nhà giáo

Sáng 10/7, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên chuyên đề tham vấn ý kiến đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM; các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại diện một số Bộ, ngành và các chuyên gia.

Dự thảo Luật được xây dựng công phu, toàn diện

Tại phiên họp, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức đã báo cáo về tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo, các nội dung chính sách dự kiến trong dự thảo Luật, tổng hợp góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo đến thời điểm hiện tại và các nội dung xin ý kiến.

Quang cảnh phiên họp

Tham luận về một số vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước về nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng trên thực tế chưa có đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm chuyên môn quản lý nhà nước với nhà giáo, có sự chồng chéo chức năng giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ, dẫn đến tình trạng có học sinh mà không có giáo viên.

Kiến nghị đối với việc xây dựng Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển đề nghị cần quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương, bảo đảm các cơ quan của ngành Giáo dục được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với các cấp toàn bộ các khâu về quản lý nhà giáo đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng…

Đồng tình với dự kiến quy định giấy phép hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển nhận định, có giấy phép hành nghề sẽ dễ dàng đưa các quy định về chuẩn nhà giáo vào cuộc sống, khắc phục việc lạm dụng danh nghĩa nhà giáo, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về nhà giáo.

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT tham luận tại phiên họp

Từ góc độ giáo dục nghề nghiệp, GS.TSKH Dương Quý Sỹ, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đã được xây dựng toàn diện, công phu, bao phủ hết và không có sự xung đột, chồng chéo với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Cho rằng Luật Nhà giáo sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, thể chế hoá cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, GS.TSKH Dương Quý Sỹ chia sẻ 7 nội dung cụ thể mà dự thảo Luật sẽ tác động tới phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Đó là, đào tạo liên tục và phát triển nghề nghiệp cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cơ chế tài chính bảo đảm phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ theo hướng đổi mới, sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà giáo và tôn vinh; tạo động lực phát triển nghề nghiệp liên tục và năng lực lãnh đạo giáo dục nghề nghiệp; bảo vệ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trước các vấn đề xã hội; tạo điều kiện phát triển môi trường làm việc và học tập tích cực.

GS.TSKH Dương Quý Sỹ trao đổi tại phiên họp

Theo PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong Tờ trình dự án Luật Nhà giáo cần đưa ra bức tranh tổng thể về số quốc gia đã ban hành Luật Nhà giáo để đảm bảo tính thuyết phục cao hơn.

PGS.TS Trương Hồ Hải đề nghị dự thảo nên bổ sung thêm nhà giáo nước ngoài vì đây là xu hướng tất yếu. Đồng thời, cần làm rõ hơn về giảng viên đại học, bởi xu hướng ở nhiều nước chính khách, doanh nhân vẫn có thể làm giảng viên, do đó nên có cơ chế mở tối đa.

Nghề liên quan đến con người chắc chắn cần giấy phép hành nghề

Đánh giá cao Ban soạn thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, những điểm nghẽn hiện nay như vị thế nhà giáo, tuyển dụng nhà giáo, chính sách tiền lương… đều đã được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao đổi tại phiên họp

Nêu kỳ vọng giải quyết những vấn đề này trong Luật, cũng như khó khăn, rào cản, GS.TS Nguyễn Thị Doan đồng thời có góp ý liên quan đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - đó là hoạt động tự học, học thường xuyên, học suốt đời của nhà giáo.

Về giấy phép hành nghề dạy học, GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều, mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này, rà soát các điều khoản trong dự thảo Luật để tương thích…

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng rất bài bản, công phu. Luật đã phản ánh được những nội dung cơ bản quan trọng đối với nhà giáo và quản lý nhà nước đối với nhà giáo.

PGS.TS Ngô Thị Phương LanHiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM

Liên quan đến giấy phép hành nghề dạy học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, Luật Nhà giáo còn có một mục đích rất quan trọng: khẳng định dạy học là một nghề. Đã là một nghề liên quan đến con người thì chắc chắn cần giấy phép nghề nghiệp. Vấn đề cần xin ý kiến là vai trò, tính pháp lý của giấy phép hành nghề dạy học trong mối quan hệ với các chứng chỉ văn bằng khác, trên quan điểm chất lượng, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, gây phiền hà, tốn kém cho nhà giáo và nhà nước.

Cũng từ quan điểm ủng hộ quy định giấy phép hành nghề trong dự thảo Luật Nhà giáo, PGS.TS Ngô Thị Phương LanHiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, để tránh khối lượng công việc hành chính đồ sộ đặt lên Bộ GDĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khi triển khai nên xem xét giao việc cấp giấy phép này cho các cơ sở giáo dục, các Bộ chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát.

TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA

Còn TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA thì đề xuất nên nghiên cứu để tăng cường ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong cấp giấy phép hành nghề, như vậy sẽ giải quyết được băn khoăn có thể xảy ra tiêu cực khi thực hiện.

Cần khuyến khích địa phương vào cuộc thực hiện thoả đáng các vấn đề liên quan đến nhà giáo

Khẳng định dự thảo tương đối đầy đủ và tiếp thu nghiêm túc các góp ý qua các phiên họp khác nhau, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, mấu chốt là vấn đề tài chính và nhân sự, do đó cần xem xét thấu đáo để đảm bảo Luật đi vào thực tiễn.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để làm rõ hơn lộ trình thực hiện chính sách về lương, chính sách thu hút nhà giáo tài năng nước ngoài, chính sách hợp tác quốc tế… Đối với các chính sách từ đào tạo, bồi dưỡng đến chính sách cho nhà giáo, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, cần khuyến khích địa phương vào cuộc để thực hiện thỏa đáng các vấn đề liên quan đến nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn các chuyên gia, nhà giáo đã quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ, đóng góp trí tuệ, tâm huyết với việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Đồng thời, mong muốn các chuyên gia, nhà giáo sẽ tiếp tục có các trao đổi tại các diễn đàn khác nhau để lan tỏa tinh thần vô cùng cần thiết ban hành Luật.

Bộ trưởng đề nghị bộ phận biên soạn tiếp thu toàn diện, sâu sắc, triệt để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, gia tăng tính chi tiết, gia tăng nội dung khả thi, gia tăng lấy ý kiến, cân nhắc yếu tố thời điểm… nếu thấy cần thiết.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý với lực lượng này. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích Luật đem lại cho nhà giáo, đồng thời yêu cầu đội ngũ phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng. Đó là yêu cầu của sự đổi mới, yêu cầu của thời đại.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Bạn đang đọc bài viết Nhiều kỳ vọng với dự thảo Luật Nhà giáo tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn