Sự khác nhau giữa các hình thức “đào tạo trực tuyến”, “đào tạo kết hợp” và “đào tạo ảo”?

Bài viết của tác giả Naomi Harm, CEO và người sáng lập Tổ chức Innovative Educator Consulting sẽ làm rõ nội hàm của từng khái niệm đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp, đào tạo ảo và chỉ ra những điểm giống và khác nhau của những khái niệm này, từ góc nhìn của các học sinh, các nhà giáo dục và phụ huynh học sinh.

Đào tạo trực tuyến (online learning) là chương trình đào tạo do giáo viên hoặc giảng viên dẫn dắt, trong đó nội dung và các hướng dẫn, chỉ dẫn được giáo viên truyền đạt cho học sinh hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến. Các bài giảng, yêu cầu có thể được truyền tải tới học sinh tức thời (học sinh tương tác với giáo viên theo thời gian thực) hoặc không tức thời (không đồng bộ) (giao tiếp giữa học sinh và giáo viên có sự khác biệt đáng kể giữa thời gian gửi và phản hồi, chẳng hạn như các hình thức giao tiếp qua email hoặc các diễn đàn, nhóm thảo luận trực tuyến). Học sinh có thể truy cập lớp học và bài giảng trong các bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau (tại trường hoặc ngoài khuôn viên trường).

Đào tạo kết hợp (blended learning) là một chương trình giáo dục, đào tạo chính thức, trong đó (ít nhất) trong một phần của khoá học, giáo viên và học sinh sẽ sử dụng các phương pháp truyền đạt nội dung bài giảng và yêu cầu thông qua hình thức trực tuyến; một phần khoá học sẽ sử dụng phương pháp học tập truyền thống tại lớp; đồng thời, các phương pháp sử dụng trong suốt lộ trình học tập môn học sẽ có sự liên kết với nhau để tạo ra trải nghiệm học tập tích hợp của học sinh.

Trường học ảo và trường học trực tuyến là những chương trình đào tạo toàn thời gian, trong đó học sinh, sinh viên tham gia trên một trường học ảo, trực tuyến hoàn toàn và nhận tất cả tài liệu, nội dung, hướng dẫn và hỗ trợ qua mạng. Trường học ảo, trực tuyến này thường sẽ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ điểm số và các đánh giá chính thức dành cho những học sinh tham gia môn học.

Mô hình đào tạo kết hợp xoay vòng

Một trong những mô hình đào tạo trực tuyến hiệu quả nhất mà tôi từng được tiếp cận là Mô hình Đào tạo Kết hợp Xoay vòng (Blended Learning Rotation Model). Mô hình này cho phép học sinh được sử dụng xoay vòng (luân phiên) các phương pháp học tập khác nhau, trong đó ít nhất có một phương pháp sử dụng nền tảng trực tuyến. Các phương pháp khác bao gồm thảo luận theo nhóm hoặc thảo luận cả lớp, kết hợp với các dự án làm việc nhóm được cá nhân hoá theo từng học sinh và lấy trải nghiệm của học sinh làm trung tâm, đồng thời vẫn không thể thiếu quá trình xây dựng kỹ năng và hướng dẫn cá nhân từng học sinh.

Tác giả Catlin Tucker (công tác trong lĩnh vực giáo dục tại tiểu bang California, Mỹ) đã xây dựng một mô hình, trong đó chỉ ra cách thức kết hợp giữa các bài giảng, hoạt động giáo dục và các buổi hướng dẫn 1-1 theo cả hai hình thức trực tuyến và kết hợp, để tăng cường tối đa trải nghiệm học tập được cá nhân hoá theo từng nhóm học sinh nhỏ và lớn. Mô hình này có được những ưu việt của các phương pháp và chiến lược học tập cộng tác trực tiếp (ngoại tuyến), kết hợp với sự sáng tạo của các giáo viên để tập trung xây dựng một cách tiếp cận mới, lấy người học làm trung tâm.

Mô hình đào tạo kết hợp xoay vòng đã chứng minh những ưu điểm như sau:

- Giải phóng giáo viên khỏi việc phải làm việc với nhiều nhóm nhỏ học sinh.

- Giúp giáo viên dễ dàng quản lý các học sinh với những yêu cầu giảng dạy cá nhân hoá khác nhau.

- Giúp tạo ra các nhóm học tập nhỏ hiệu quả hơn trong một lớp lớn đông học sinh.

- Khuyến khích sự giao tiếp và cộng tác giữa các học sinh.

- Chuyển trọng tâm của lớp học từ người dạy sang người học.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Naomi Harm (2020). What Is the Difference Between Online, Blended, and Virtual Learning? K-12 Blueprint.

Bạn đang đọc bài viết Sự khác nhau giữa các hình thức “đào tạo trực tuyến”, “đào tạo kết hợp” và “đào tạo ảo”? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn