Nhận định nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận không thể tách rời trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài cho biết: Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản, thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Để thực hiện nội dung giáo dục địa phương, thời gian qua Bộ GDĐT đã ban hành và phối hợp ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện hướng dẫn biên soạn, thẩm định tài liệu, hướng dẫn tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức xuất bản, phát hành tài liệu, tư vấn, hướng dẫn, đôn đốc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Thực hiện các qui định và văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND cấp tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa như: tổ chức xây dựng Khung nội dung giáo dục địa phương các cấp học, tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức dạy thực nghiệm, tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, đến thời điểm hiện tại, cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Riêng đối với tài liệu giáo dục địa phương các lớp 5, 9, 12 tiếp tục được địa phương hoàn thiện để tổ chức thẩm định.
Tỉnh Nghệ An hiện nay có hơn 170 làng nghề được công nhận chính thức. Đây đang được coi là vốn lịch sử văn hóa dồi dào cho môn học giáo dục địa phương. Từ khi triển khai Chương trình GDPT mới đến nay, hoạt động giáo dục này đã phát huy được tính hiệu quả khi vừa cung cấp cho học sinh kiến thức về sự phát triển và hình thành của địa phương, đồng thời vun đắp cho học sinh về tình yêu quê hương đất nước. Là một trong những địa điểm được các giáo viên, nhà trường triển khai nội dung môn học, làng nghề hương thảo mộc tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An luôn tự hào có thể truyền lửa, truyền những kiến thức xa xưa của cha ông về nghề làm hương tại quê hương mình cho các em học sinh. Đây không chỉ là việc làm ra một sản phẩm sử dụng hàng ngày trong đời sống mà còn là nét văn hóa, truyền thống mong muốn lưu giữ từ đời này qua đời khác của con người ở đây. Chia sẻ về những kiến thức trong buổi học giáo dục địa phương, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh học sinh Trường THCS Thanh Hà, Thanh Chương nói: “Điều em thích nhất ở buổi học này là những trải nghiệm thực tế chứ không chỉ qua sách vở, truyền hình. Trong đó, điều em ấn tượng nhất là quá trình sản xuất ra một cây hương. Đó là sự kết hợp của nguyên liệu, của con người và cả những nét đặc trưng văn hóa của làng xã nơi em ở”.
Ông Phan Thái Hùng, Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An chia sẻ: Mặc dù, cách làm hương nay đã được sự hỗ trợ phần nào từ máy móc, nhưng nguyên liệu không thay đổi, sự tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất thành phẩm vẫn được bà con làng nghề giữ nguyên. Những bàn se hương hiện nay đã trở thành nơi trưng bày dụng cụ để khách tham quan có thể hiểu hơn về cách làm hương ngày xưa. Huyện đã triển khai 100% học sinh cấp THCS thực hiện chương trình dạy học gắn với di sản văn hóa. Hiệu quả của việc này giúp các em tự tin, hiểu biết và giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương. Chuyến đi thực tế chỉ kéo dài trong ngày nhưng đã cho nhóm học sinh này những thông tin cơ bản nhất về truyền thống của quê hương và quan trọng là cho các em bồi đắp thêm tình yêu lao động giúp người dân duy trì được nghề nhiều năm qua. Những điều mà các em tìm được chỉ thông qua sách vở. Đối với những người sản xuất lâu năm, ông Biện Cường, chủ xưởng sản xuất hương thảo mộc xã Thanh Hà, có thêm tình yêu và tự hào để chia sẻ với thế hệ trẻ về làng nghề truyền thống của quê hương thông qua hoạt động giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT 2018. “Thông qua việc các cháu đến tham quan chúng tôi mong muốn rằng, tuyên truyền, học tập làm sao để nghề hương sạch truyền thống này của làng xã mình ngày càng đi xa hơn, hòa nhập nhưng không hòa tan trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển”, ông Cường nói.
Quy trình sản xuất hương trầm sạch tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Biện Lan)
Khánh Hòa là một trong những địa phương trong cả nước đưa việc dạy nội dung giáo dục địa phương gắn liền với di tích lịch sử văn hóa rất hiệu quả, bổ ích. Nhiều trường ở Khánh Hòa như: THCS Trịnh Phong, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Âu Cơ… tổ chức cho học sinh và thầy cô giáo của trường tham quan, trải nghiệm, dạy học tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng (Di tích, danh thắng cấp quốc gia). Chia sẻ về việc triển khai môn học này trong Chương trình GDPT mới, thầy giáo Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa cho biết: Điểm nhấn trong chương trình, nội dung giáo dục địa phương ở Khánh Hòa là học đi đôi với hành, ngoài việc tìm hiểu về lí thuyết học sinh có hoạt động thực tế tại các di tích như: Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng (Nha Trang), thành cổ Diên Khánh, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp (Diên Khánh)… Cụ thể, tại di tích Tháp Bà Ponagar học sinh được tập làm thuyết minh – hướng dẫn viên giới thiệu về: Mandapa (Tháp chính); thuyết minh về tín ngưỡng Thiên Y A Na; thuyết minh về truyền thuyết Mẹ Xứ sở; tập làm diễn viên múa Chăm, tập làm nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm Chăm; đánh trống ghi năng, trống paranưng, thổi kèn saranai sau khi được hướng dẫn viên, nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn. Tại danh thắng Hòn Chồng, các em còn được tìm hiểu và thực hành làm nghệ sĩ sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống: thổi sáo, đánh đàn nguyệt, gảy đàn bầu, kéo đàn cò… đầy hứng khởi, thiết thực và bổ ích. Sau khi trải nghiệm, các em tự viết lại cảm nghĩ hay vẽ lại những bức tranh thể hiện cảm nhận về di sản văn hóa địa phương mình. Đó được xem là những sản phẩm để thầy cô nhận xét, đánh giá rất chân thực. Đây là phương pháp dạy học gắn với thực tế hiệu quả, tạo hứng thú học tập cho học sinh và đúng với triết lí viết sách giáo khoa “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, các em càng thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống, lịch sử dân tộc. Dạy học nội dung giáo dục địa phương gắn với di tích lịch sử văn hóa cần được duy trì phát huy ở các trường học tại các địa phương khác trên cả nước.
Học sinh trải nghiệm đánh trống ghi năng, múa Chăm trong trang phục Chăm (Ảnh: Nguyễn Văn Lực)
Kết luận Hội nghị về nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT 2018 diễn ra ngày 19/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị: Các địa phương tiếp tục tăng cường việc quán triệt, hướng dẫn cán bộ quản lí, giáo viên xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học nội dung GDĐP; thực hiện hiệu quả công tác tập huấn giúp giáo viên xác định được cách thức xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung GDĐP bảo đảm qui định theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với đặc thù của môn, cấp học, lớp học.
Nguyễn Minh