Hội nghị toàn quốc về Kì thi Trung học phổ thông năm 2024

Ngày 26/6/2024, Kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ chính thức diễn ra. Để tổng rà soát công tác chuẩn bị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã chủ trì hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo cấp quốc gia với Ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố.

Qua báo cáo của Ban chỉ đạo Kì thi các tỉnh, thành phố và thực tiễn kiểm tra của nhiều đoàn công tác cấp Bộ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Toàn quốc đã chuẩn bị chủ động, đầy đủ, sẵn sàng để tổ chức Kì thi an toàn, nghiêm túc, đúng Qui chế và chu đáo. Điều này được thể hiện qua 6 nhóm công việc lớn: Một là, các địa phương đã chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo bao gồm các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND. Có những tỉnh ban hành chỉ thị của UBND tỉnh rất sớm, từ ngày 3/5, như tỉnh Vĩnh Phúc, đúng với tinh thần lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hệ thống văn bản đầy đủ, từ Tỉnh ủy, UBND đến Sở GDĐT. Thứ hai, thành lập bộ máy chỉ đạo từ cấp tỉnh. Hầu hết các tỉnh đều có Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, thành phố. Khi đến kiểm tra tại các cơ sở, có những điểm thi, lãnh đạo huyện, lãnh đạo thị xã trực tiếp báo cáo với đoàn kiểm tra. Điều đó, nói lên tinh thần công tác chỉ đạo các cấp rất chặt chẽ, sự chăm lo cho các cấp ủy đảng đối với ngành giáo dục và đối với Kì thi này. Thứ ba, từ bộ máy đó, đã kịp thời phân công trách nhiệm, tiến hành công tác thanh tra kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra với tinh thần rà soát, tháo gỡ, chủ động trong công việc. Thứ tư, UBND các tỉnh, thành phố rất chủ động trong tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, rút kinh nghiệm của các kì thi trước, kiểm tra máy photo, tăng cường hệ thống điện, nước, ánh sáng, các địa phương đã rất chủ động thực hiện. Thứ năm, chủ động trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Sau cuộc họp với Bộ GDĐT, các tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia hoạt động coi thi, chấm thi đều phải được tập huấn theo nhiệm vụ, chức năng của mình. Nhiều nơi đã chủ động tập huấn luôn cho cán bộ dự phòng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đủ điều kiện tham gia. Thứ sáu, chủ động trong công tác tuyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn, xác định nội dung, thời điểm, phương thức truyền thông đúng, đủ, kịp thời để tạo sự đồng thuận cho cả xã hội, nhận thức về ý nghĩa Kì thi.

(Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTTTSK)

Để triển khai Kì thi THPT năm 2024, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và phối hợp với các tỉnh, thành phố, bộ ban ngành liên quan. Về công tác chuyên môn nghiệp vụ tổ chức Kì thi, Bộ GDĐT tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi: Hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 công bố ngày 22/3/2024; rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi; ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi. Các hệ thống, phần mềm cho Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Bộ GDĐT đã triển khai xây dựng các hệ thống, phần mềm này và thống nhất sử dụng trên toàn quốc trong nhiều năm; theo đó, trong Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024: (1) Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được giữ ổn định như năm 2023; (2) Hệ thống quản lí thi về cơ bản được giữ ổn định như năm 2023 tuy nhiên được điều chỉnh/bổ sung một số biểu mẫu báo cáo theo đề nghị của các Sở GDĐT để bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng; tháng 4/2024, các phần mềm này đã được tổ chức kiểm tra rà soát, đánh giá về an ninh, an toàn trước khi triển khai và đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc (Cục QLCL, Cục CNTT - Bộ GDĐT phối hợp với Cục A03, A05, A06 - Bộ Công an); phần mềm hỗ trợ cho Hội đồng ra đề thi, chỉ được sử dụng ở Hội đồng ra đề thi và cũng được giữ ổn định như năm 2023; Tháng 4/2024, Cục QLCL và Cục CNTT – Bộ GDĐT đã phối hợp với Cục A03, A05, A06 - Bộ Công an để tổ chức kiểm tra đánh giá, rà soát an ninh, an toàn phần mềm này trước khi triển khai và đưa vào sử dụng tại Hội đồng ra đề thi Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Công tác tập huấn: Ngày 12/4/2024, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đại diện Sở GDĐT và PA03 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quán triệt qui chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng kí dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng Hệ thống quản lí thi; ngày 03/5/2024, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm cho tất cả các Sở GDĐT tại TP. Đà Nẵng; các tình huống, vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi, quá trình sử dụng các hệ thống phần mềm trong những năm trước đây đều đã được các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT tổng hợp và hướng dẫn chi tiết cách thức xử lý đến các sở GDĐT tại Hội nghị tập huấn. Công tác tổ chức đăng kí dự thi: Các Sở GDĐT đã tổ chức cho thí sinh thử đăng kí dự thi trực tuyến từ ngày 24/4 đến ngày 28/4 và đăng kí dự thi chính thức từ ngày 02/5/2024 đến 17giờ ngày 10/5/2024 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

(Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ GDĐT. Ảnh: TTTTSK)

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Đề nghị Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó đã nêu rõ nhiệm vụ của Bộ GDĐT, của UBND các tỉnh, thành phố, kèm theo nhiệm vụ của các bộ ngành, liên quan như Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế... Đề nghị đối với Bộ GDĐT, ngành GDĐT triển khai cụ thể hóa, hết sức cụ thể 5 nhóm nhiệm vụ: Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu phải sâu sát, toàn diện, từ trung ương đến địa phương, từ nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, thiết bị, công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề. Hai là, công tác phối hợp, Kì thi diễn ra với qui mô toàn quốc, số lượng đông, nhiều cơ quan cùng tham gia, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Công an, Y tế, Đoàn thanh niên, do đó, cần phối hợp nhịp nhàng, thông suốt và hiệu quả, không chồng chéo. Ba là, công tác chuẩn bị phải chu đáo, kĩ lưỡng, càng chuẩn bị kĩ lưỡng bao nhiêu, chu đáo bao nhiêu thì triển khai càng thuận lợi bấy nhiêu. Bốn là, trong tổ chức thực hiện, đúng Qui chế, qui trình, từ qui trình về chuyên môn, qui trình xử lí các tình huống bất thường, qui trình báo cáo phải tuyệt đối tuân thủ. Năm là, công tác truyền thông phải chủ động, kịp thời, truyền thông đúng, đủ, để xã hội thấu hiểu, đồng thuận, thấy được tính chất, qui mô, áp lực. Với 5 nhóm vấn đề này, trong Chỉ thị cũng nêu, tuyệt đối không được chủ quan, đề nghị từ công tác chuyên môn đến lãnh đạo, chỉ đạo, không được lấy kinh nghiệm có sẵn để sinh ra chủ quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh dự thi./.

Nguyễn Minh

Số liệu đăng kí dự thi Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như sau:  

- Tổng số thí sinh Đăng kí dự thi: 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kì thi năm 2023)

+ Thí sinh Tự do: 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh;

+ Thí sinh Đăng kí trực tuyến: 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.

- Tổng số thí sinh đăng kí miễn thi Ngoại ngữ: 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Trong đó, Hà Nội có: 21.554 thí sinh; TP. HCM có: 13.076 thí sinh).

- Số Điểm thi/Phòng thi trên toàn quốc:

+ Tổng số Điểm thi: 2.323 (tăng 51 điểm thi so với Kì thi năm 2023)

+ Tổng số Phòng thi: 45.149  

 

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị toàn quốc về Kì thi Trung học phổ thông năm 2024 tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn