Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

Hội thảo có sự tham dự của các cán bộ quản lý, nhà giáo, các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang công tác trong ngành giáo dục.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cảm ơn sự quan tâm và tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đối với dự thảo Luật Nhà giáo, một bộ luật có tác động mạnh mẽ tới đời sống của nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục.  

Bên cạnh đó, hội thảo cũng thông tin chính thức đến các thầy cô giáo làm công tác công đoàn trong các nhà trường, trong các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), từ đó lan tỏa sự quan trọng, vai trò của Luật Nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay và ý nghĩa tác động của bộ luật này tới đời sống, việc làm của nhà giáo trên khắp cả nước.

Thông tin về công tác triển khai và những điểm mới của Luật Nhà giáo, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết: Với sự nghiêm túc, chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài, đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV.

TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới thời điểm này, Bộ GDĐT đã tổ chức trên 200 cuộc họp và các hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Nhà giáo. “Dự thảo Luật nhà giáo có những điểm mới như định danh nhà giáo; quyền và nghĩa vụ nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo. Bộ GDĐT mong muốn tiếp tục nhận được nhiều đóng góp để hoàn thiện bộ luật quan trọng này”, ông Đặng Văn Bình cho hay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến chế độ, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định trong Luật Nhà giáo.

Đồng tình với các đại biểu về đề xuất “Tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, TS Vũ Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan bộ GDĐT mong muốn trong Luật cần có quy định cụ thể về vai trò của địa phương trong việc đầu tư các chế độ, chính sách cho nhà giáo. Còn những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… thì nhà nước nên có quy định bắt buộc phù hợp với từng địa phương để địa phương có trách nhiệm cao trong việc quan tâm đến chế độ chính sách cho nhà giáo.

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Đặng Văn Bình thông tin quá trình xây dựng Luật Nhà giáo

Về quy định chứng chỉ hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đề nghị, việc cấp chứng chỉ hành nghề, trước hết phải thông qua một Hội đồng khoa học, có các nhà khoa học chuyên ngành đó tham dự và phải được thực hiện ở chính các trường học mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, nơi giáo viên, giảng viên đang hành nghề giảng dạy.

TS Vũ Thị Bình, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo, từ đó tôn trọng và hợp tác với nhà giáo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực thi Luật Nhà giáo minh bạch, nghiêm túc và hiệu quả; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo điều kiện để nhà giáo có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

Một số nội dung khác như các tiêu chuẩn chung của nhà giáo và người đứng đầu cơ sở giáo dục; quyền lợi được bảo vệ của nhà giáo; quy định đối với nhà giáo nước ngoài ở Việt Nam và nhóm giáo viên đi học lâu năm ở nước ngoài; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo hoạt động trong các môi trường điều kiện đặc thù, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa… cũng được quan tâm trao đổi, góp ý tại hội thảo.

Các ý kiến tại hội thảo đã được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. 

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Bạn đang đọc bài viết Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn