Theo báo cáo của Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, hiện nay, toàn quốc có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Trong 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 3. 344 trung tâm, đạt tỷ lệ 100% xã khu thuộc khu vực này có trung tâm học tập cộng đồng.
Quang cảnh phiên họp
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với việc cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chủ trương đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân và toàn xã hội; từng bước thể chế hóa, hoàn thiện mô hình trung tâm học tập cộng đồng.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mô hình trung tâm học tập cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, các văn bản quy phạm pháp luật ở những năm đầu chưa kịp thời và đồng bộ, việc thực hiện, vận dụng các chế độ, chính sách còn tùy thuộc vào nhận thức của từng địa phương.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh phát biểu tại phiên họp
Để phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” trong bối cảnh mới, Ban soạn thảo rất cần lắng nghe những ý kiến góp ý của các thành viên Tiểu ban, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, hiểu biết sâu sát với tình hình thực tế tại các địa phương ở vấn đề này.
Đề án nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần tạo bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục thường xuyên, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Từng bước phát huy vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong việc cung cấp các chương trình giáo dục thường xuyên thiết thực, chất lượng và hiệu quả để nâng cao dân trí, gia tăng năng xuất lao động, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi tại phiên họp
Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể, Đề án nêu rõ 5 nhóm giải pháp bao gồm nhóm giải pháp về tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về mô hình trung tâm học tập cộng đồng; nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện các chương trình giáo dục tại trung tâm học tập cộng đồng; nhóm giải pháp huy động nguồn lực cho trung tâm học tập cộng đồng và nhóm giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.
Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận, góp ý, nêu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” xung quanh các vấn đề kinh phí thực hiện, nhân sự thực hiện, quy mô tổ chức, các nhóm giải pháp thực hiện, tính đặc trưng của các vùng miền…