Thầy và trò Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: TG
Trước thực trạng còn nhiều bất cập, các nhà giáo đã có ý kiến đóng góp nhằm làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan.
Rõ quyền lợi, trách nhiệm
Công tác trong ngành Giáo dục hơn 20 năm, thầy N.X.H - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, thực trạng về công tác điều động, thuyên chuyển điều động giáo viên hiện còn nhiều bất cập.
“Quy định về điều động, luân chuyển giáo viên lên miền núi rất rõ. Đó là, đối với giáo viên nam thực hiện nghĩa vụ 5 năm và 3 năm đối với giáo viên nữ. Khi hết thời gian công tác, họ được điều động, thuyên chuyển về xuôi. Tuy nhiên, quy định trên chỉ thực hiện được thời gian ngắn.
Sau khi các huyện thị, thành phố, ở miền xuôi tuyển đủ và có phần dôi dư, việc giáo viên từ miền núi xin về miền xuôi khó khăn hơn, thậm chí không được tiếp nhận. Số xin về được cũng hiếm hoi và đi kèm nhiều hệ lụy. Như vậy, giáo viên chỉ còn cách ở lại, hy sinh cả đời cho núi rừng và không còn cơ hội về miền xuôi, quê hương dù quy định đã có”, thầy X.H. nói.
Cũng theo thầy X.H, công tác thuyên chuyển, điều động nội bộ trong huyện, thị xã, thành phố cũng vậy. Khi giáo viên đã điều động khó có cơ hội quay về trường cũ. Nếu về được, phải xin, nhờ vả, tận dụng các mối quan hệ. Từ đó, hình thành cuộc “chạy đua”, dẫn đến tình trạng giáo viên không xin về được mất phương hướng, tiêu cực...
Ngoài bất cập về điều động, ở Thanh Hóa, một số chế độ nhà giáo bị “lãng quên” nhiều năm, như chế độ dạy trẻ khuyết tật (mới thực hiện lại vài năm gần đây với những quy định hồ sơ ngặt nghèo). Hoặc, chế độ cho tổ trưởng, tổ phó, tổ chức đoàn thể... giữa các huyện, thị cũng khác nhau, thậm chí có nơi mới thực hiện được vài tháng khiến giáo viên chỉ biết ngậm ngùi trước sự thờ ơ của các cấp quản lý.
Từ thực tế trên, thầy N.X.H nêu quan điểm: “Chúng tôi mong Luật Nhà giáo ra đời như sự chấn chỉnh, khắc phục và bảo vệ; quyền lợi của nhà giáo được thực thi. Công tác điều động, thuyên chuyển và quyền lợi phải minh bạch, dân chủ, công bằng. Không còn tồn tại “mối quan hệ quen biết và tác động vật chất trong công tác xin cho”, gây mất công bằng, niềm tin, sự hoài nghi trong giáo dục”.
Đồng quan điểm nêu trên, thầy T.V.D - Hiệu trưởng trường THCS ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đề xuất, công tác điều động, thuyên chuyển giáo viên là vấn đề dự thảo Luật Nhà giáo cần đề cập rõ hơn, để tránh tình trạng khi hết 5 năm công tác, nhà giáo có nhu cầu thuyên chuyển nhưng không được giải quyết.
“Là cán bộ quản lý công tác lâu năm ở huyện vùng cao biên giới, tôi nhận thấy vấn đề này có một số bất cập như: Khi giáo viên xin thuyên chuyển, huyện không cho đi với lý do còn thiếu giáo viên hay ngược lại nơi giáo viên muốn chuyển đến không tiếp nhận, với lý do thừa giáo viên.
Nhiều huyện không đưa ra phương án cụ thể về điều động, thuyên chuyển và tiếp nhận nhà giáo. Có nơi lại cho nhà giáo đi và tiếp nhận bất cứ thời điểm nào trong năm. Điều này khiến nhà giáo diện thuyên chuyển khó có thể yên tâm công tác”, thầy V.D nói.
Cô và trò Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: TG
Cần tạo niềm tin cho nhà giáo
Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) nhìn nhận, do một số nguyên nhân dẫn đến việc “chặn” đường về của giáo viên thuộc diện điều động, thuyên chuyển, như: Cơ cấu môn học của chương trình khiến đơn vị có giáo viên được thuyên chuyển buộc phải tuyển dụng để bổ sung số lượng thiếu.
Hoặc, giáo viên công tác ở vùng sâu, xa gặp khó khăn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng chương trình khi quay trở về. Bên cạnh đó, trong khi giáo viên được cử đi thì ở trường vẫn thực hiện tinh giản biên chế, nên khi họ đủ điều kiện để về, nhà trường lại không có chỉ tiêu để tiếp nhận.
“Theo các quy định hiện hành về phân cấp quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện; còn sở GD&ĐT quản lý giáo viên THPT. Mặc dù, việc phân cấp giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nhưng cũng là khó khăn đối với địa phương trong việc giải quyết triệt để vấn đề chuyển giáo viên từ nơi thừa sang thiếu hoặc chuyển công tác cho giáo viên có nguyện vọng nhưng nơi đến và đi không cùng cơ quan quản lý”, thầy Đạo nói và thông tin thêm:
Hiện công tác thuyên chuyển giáo viên ở nhiều nơi không thực sự minh bạch, khách quan. Khi không thực hiện theo một quy định, quy chuẩn sẽ dẫn tới không chỉ giáo viên dạy ở vùng khó 10 - 20 năm không được về công tác gần nhà và cũng có tình trạng nhiều người không muốn về. Lý do bởi tuổi thanh xuân, nhiệt huyết của họ đã gắn bó với đồng bào, năng lực chuyên môn mai một theo thời gian, có người sợ khi về đồng bằng cuộc sống bon chen, không chịu nổi.
Mặt khác, có tình trạng giáo viên ở giáp vùng khó “chạy, xin” đi xã vùng sâu, biên giới để được hưởng mức lương, phụ cấp cao hơn. Do đó, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian công tác của giáo viên ở vùng sâu, xa như thế nào thì được về. Tất cả phải được xét công khai, minh bạch, có người đi, thì có người mới vào. Sự thay đổi này buộc giáo viên phải phấn đấu nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học. Nếu cứ “giam chân” ở vùng sâu, xa, bản thân họ sẽ mai một kiến thức.
Đề cập vấn đề này, thầy Đạo cho rằng, khi có văn bản, quy định rõ ràng mà người đứng đầu không thực hiện, thì mới có cơ chế xử lý. Thầy Đạo bày tỏ: “Chúng ta có quyền giám sát tỷ lệ mỗi năm địa phương thuyên chuyển bao nhiêu; có bao nhiêu hồ sơ nộp xin thuyên chuyển, địa phương đã giải quyết được bao nhiêu trong số đó. Đồng thời, kiểm tra những hồ sơ đã thực hiện xem có hợp tình, hợp lý không.
Nếu làm chặt chẽ những điều này, sẽ giải quyết được vấn đề chúng ta đang trăn trở. Chỉ khi văn bản đi vào đời sống, mới mang lại niềm tin cho nhà giáo: Hãy cống hiến vùng khó khăn và sẽ có ngày được về công tác gần gia đình”.
“Văn bản hợp nhất số 27/VBHN-BGDĐT ngày 23/12/2014 của Bộ GD&ĐT, về chính sách đối với nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn... là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, họ được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển về nơi ở, làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển, hoặc tạo điều kiện giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.
Tuy nhiên, khi ban hành Luật Viên chức và Nghị định 115 hướng dẫn thi hành, thì không còn hình thức luân chuyển, chỉ còn hình thức biệt phái viên chức”, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).