Các nhân tố tác động đến “liêm chính học thuật” của sinh viên đại học trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo

Dù đóng vai trò là công nghệ hỗ trợ học tập hiệu quả nhưng trí tuệ nhân tạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về liêm chính trong học thuật. Nghiên cứu của Hoàng Thị Thu Hà và cộng sự chỉ ra các nhân tố tác động đến liêm chính học thuật đối với sinh viên đại học trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tính liêm chính trong môi trường đại học và giảm thiểu các hành vi vi phạm liêm chính học thuật.

Giáo dục không ngừng thay đổi qua nhiều thế kỉ, từ nội dung học tập đến mô hình và không gian học. "Liêm chính học thuật" ngày càng được coi trọng như một thước đo quản lý và chất lượng học tập. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam thúc đẩy thúc đẩy ứng dụng AI trong giáo dục. Điều này mang lại cơ hội và thách thức, yêu cầu chính sách kịp thời để duy trì môi trường học tập lành mạnh. Bài báo này phân tích các yếu tố tác động đến liêm chính học thuật trong bối cảnh AI và đề xuất giải pháp nâng cao liêm chính học thuật trong đại học.

Liêm chính học thuật (hay đạo đức học thuật) không chỉ liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu, học tập và giảng dạy mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tri thức. Nó yêu cầu đáp ứng các giá trị cơ bản như thành thật, tin tưởng, công bằng, tôn trọng, trách nhiệm và can đảm. Theo McCabe, liêm chính học thuật bao gồm việc tránh gian lận, sao chép, tuân thủ các tiêu chuẩn học thuật và duy trì tính trung thực trong nghiên cứu và xuất bản. Thực hiện liêm chính học thuật đòi hỏi không gian lận, sao chép, đạo nhái và không hợp tác để gian lận. Vi phạm liêm chính học thuật trong các cơ sở giáo dục và nghiên cứu đang là vấn nạn toàn cầu, với nhiều vụ việc nghiêm trọng được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở học sinh và sinh viên, vấn nạn đạo văn ngày càng nghiêm trọng do sự phổ biến của các giao dịch mua bài tập trên Internet và dịch vụ làm luận văn hộ. Các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT cũng trở nên thịnh hành trong cộng đồng sinh viên.

Tại Việt Nam, việc sinh viên sử dụng các công cụ và phần mềm trí tuệ nhân tạo để làm bài tập, viết tiểu luận, nghiên cứu khoa học ngày càng phổ biến. Mặc dù không có thống kê cụ thể, số sinh viên sử dụng AI để làm bài tập đang tăng dần từ đầu năm 2023. Tùy mức độ vi phạm, sinh viên có thể bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học hoặc buộc thôi học nếu bị phát hiện đạo văn, trích dẫn vượt tỉ lệ cho phép (20-25%). Tuy nhiên, hầu hết các trường mới chỉ đề cập đến liêm chính học thuật trong một số điều khoản của quy chế đào tạo mà chưa có văn bản riêng và hướng dẫn chặt chẽ. Một số trường đã có quy định về liêm chính học thuật hoặc trang bị phần mềm chống đạo văn. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng 4.0 và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, vẫn chưa có văn bản chính thức về chế tài xử lý việc sinh viên sử dụng AI làm bài tập.

Nghiên cứu này chỉ ra các nhân tố tác động đến liêm chính học thuật đối với sinh viên đại học trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tính liêm chính trong môi trường đại học và giảm thiểu các hành vi vi phạm liêm chính học thuật. Phương pháp nghiên cứu được thực hiện là nghiên cứu định lượng. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp tìm hiểu nghiên cứu là khảo sát bằng bảng hỏi. Quá trình khảo sát thực hiện với kích cỡ mẫu n = 326 mẫu, là những sinh viên theo học tại các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội. Phiếu khảo sát sử dụng thang đo Likert 5 mức độ, thời gian thực hiện khảo sát từ ngày 15-30/01/2024. Sau khảo sát, tại phần xử lí và phân tích dữ liệu, nhóm tác giả sử dụng thống kê mô tả và các kiểm định bao gồm phân tích nhân tố khẳng định CFA, phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM, kiểm định sự khác biệt giá trị trung bình giữa các biến với sự hỗ trợ của ứng dụng SPSS 26.0 và SmartPLS 4.0. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả tham khảo bốn lí thuyết, tác phẩm nghiên cứu của các tác giả: Lí thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991); Bài nghiên cứu  “Gian lận trong môi trường giáo dục: Một thập kỉ nghiên cứu” của McCabe và cộng sự (2001); Mô hình tam giác gian lận của Cressey (1953); Lí thuyết giá trị kì vọng hiện đại được phát triển bởi Eccles và Wigfield (2002). Trên cơ sở kế thừa tổng quan và đánh giá thực trạng đặc thù của Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau: 

Mô hình nghiên cứu các giá trị ảnh hưởng đến liêm chính học thuật

Các giả thuyết mà nhóm tác giả đề ra gồm: (H1) Tần suất sử dụng AI có tác động tích cực tới ý định sử dụng AI; (H2) Kiến thức về AI có tác động tích cực tới ý định sử dụng AI; (H3) Giá trị kì vọng về AI có tác động tích cực tới ý định sử dụng AI; (H4) Nhận thức về chi phí của có tác động tiêu cực tới ý định sử dụng AI; (H5) Ý định sử dụng AI có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H6) Cơ hội để vi phạm có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H7) Hợp lí hóa hành vi vi phạm có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H8) Áp lực có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H9) Sự thông hiểu về các chính sách liêm chính học thuật có tác động tiêu cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H10) Nhận thức về thái độ và hành vi gian lận của đồng nghiệp có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H11) Nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hình phạt có tác động tiêu cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H12) Chuẩn chủ quan có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật; (H13) Thái độ có tác động tích cực tới hành vi vi phạm liêm chính học thuật.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các giả thuyết được đề xuất đều hợp lệ. “Ý định sử dụng AI” là nhân tố thúc đẩy lớn nhất đến hành vi vi phạm liêm chính học thuật, theo sau là 5 yếu tố với mức độ ảnh hưởng giảm dần là “Chuẩn chủ quan”, “Áp lực”, “Nhận thức về hành vi của đồng hữu”, “Hợp lí hóa”   và “Cơ hội”. Riêng 3 nhân tố: “Sự thông hiểu về chính sách”, “Nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hình phạt” và “Thái độ có tác động làm giảm hành vi không trung thực trong học tập”. Để giảm thiểu tình trạng vi phạm và nâng cao ý thức tuân thủ liêm chính học thuật, nhóm nghiên cứu đề xuất 03 nhóm giải pháp cho ba chủ thể chính: Nhà trường, sinh viên và gia đình, bởi đây là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng đạo đức, cách hành xử và xây dựng lên tính liêm chính học thuật của sinh viên.

- Nhà trường: Cần tổ chức hội thảo, tọa đàm và tuyên truyền về cách sử dụng công cụ AI phù hợp với quy định liêm chính học thuật, giúp sinh viên tư duy sáng tạo và xây dựng khung hướng dẫn, đánh giá việc ứng dụng AI trong học tập và giảng dạy.

- Sinh viên: Cần trang bị kiến thức để sử dụng AI thông minh và sáng tạo, chủ động tìm hiểu, học hỏi và cập nhật kiến thức về các công cụ AI để tận dụng lợi ích tối đa.

- Gia đình: Đóng vai trò quan trọng trong giáo dục nhận thức về liêm chính học thuật, nên là hậu phương vững chắc hỗ trợ cần thiết thay vì tạo áp lực cho sinh viên. 

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm và nâng cao ý thức tuân thủ liêm chính học thuật, đòi hỏi khuôn khổ quy tắc hiện đại, kịp thời từ phía nhà trường và sự phối hợp chặt chẽ từ phía sinh viên. Bài báo đã đóng góp thông tin quan trọng về các tác nhân và những giải pháp trọng tâm nhằm gìn giữ tính liêm chính học thuật  tại các trường đại học trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức tổng hợp

Nguồn: Hoàng, T. T. H., Đặng, K. L., Nguyễn, T. H., Nguyễn, N. L., Tô, T. H., & Phạm, X. T. (2024). Các nhân tố tác động đến “Liêm chính học thuật” của sinh viên đại học trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo. Tạp chí Giáo dục, 24(10), 47-52.