Chuyển đổi số trong giáo dục: Những hạn chế và triển vọng của việc áp dụng học tập trực tuyến không đồng bộ ở các nước đang phát triển

Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích cung cấp một phân tích toàn diện về những thách thức và cơ hội liên quan đến việc áp dụng học tập trực tuyến không đồng bộ trong hệ thống giáo dục của các nước đang phát triển. Từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách phát triển, các chiến lược toàn diện giải quyết khoảng cách số và triển khai hiệu quả công nghệ trong giáo dục.

Công nghệ kĩ thuật số trong những năm gần đây đã chuyển đổi giáo dục thành một hệ sinh thái thông minh cho phép dạy và học trực tuyến, điều này cho thấy sự khác biệt đáng kể so với các phương pháp giáo dục truyền thống. Việc chuyển đổi sang nền tảng kĩ thuật số đã dẫn đến một phong trào lớn hướng tới việc dạy và học ảo được hỗ trợ bởi một loạt công cụ giáo dục kĩ thuật số. Trước sự chuyển đổi nhanh chóng về phương tiện dạy và học, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích toàn diện về những thách thức và cơ hội liên quan đến việc áp dụng học tập trực tuyến không đồng bộ trong hệ thống giáo dục của các nước đang phát triển. 

Nguồn: Sưu tầm

Trong quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cách tiếp cận theo các phương pháp hỗn hợp, tích hợp cả phân tích định tính và định lượng bắt nguồn từ việc xem xét sâu rộng các nguồn dữ liệu thứ cấp (secondary data sources). Những nguồn dữ liệu này bao gồm các tạp chí được bình duyệt, các ấn phẩm chính thức và báo cáo từ các tổ chức có uy tín ở địa phương, quốc gia và quốc tế góp phần trực tiếp vào việc tìm hiểu tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (the Fourth Industrial Revolution - 4IR) đối với việc học trực tuyến không đồng bộ ở các nước đang phát triển.

Các phát hiện này chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc triển khai rộng rãi giáo dục trực tuyến không đồng bộ do 4IR thúc đẩy ở các nước đang phát triển, nhằm giải quyết những thách thức do đại dịch đặt ra và thích ứng với nhu cầu của 4IR. Những rào cản này bao gồm sự chênh lệch về kinh tế xã hội, thiếu năng lượng, khả năng tiếp cận công nghệ và internet hạn chế, đặc biệt là các trường học ở các vùng nông thôn; lỗ hổng kiến ​​thức về kĩ năng kĩ thuật số và thiếu chiến lược quốc gia gắn kết. Tuy nhiên, nghiên cứu nêu bật tiềm năng của giáo dục trực tuyến trong việc biến trường học thành trung tâm đổi mới và mở rộng khả năng tiếp cận nền giáo dục chất lượng. 

Các khuyến nghị chính sách được đưa ra trong nghiên cứu bao gồm ưu tiên phân bổ nguồn lực theo hướng cải thiện khả năng truy cập Internet, làm cho các công cụ kĩ thuật số có giá cả phải chăng hơn và đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, tập trung vào việc tiếp cận các cộng đồng bị thiệt thòi. Tuy nhiên, việc giải quyết các khía cạnh tài chính của những nâng cấp này đòi hỏi nỗ lực hợp tác từ cả khu vực chính phủ và tư nhân. Trong tương lai, các cơ sở giáo dục và các nhà nghiên cứu nên phát triển các mô hình giáo dục trực tuyến vừa có khả năng mở rộng vừa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của các khu vực này. 

Vấn đề thứ hai cần quan tâm là ngành giáo dục phải sở hữu những khả năng phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu tối đa hóa lợi ích thu được từ các công nghệ mới được phát triển. Việc giảng dạy đòi hỏi phải thực hiện các nguyên tắc thống nhất trong toàn bộ ngành giáo dục để cung cấp cơ sở lí thuyết cho phương pháp sư phạm kĩ thuật số. Người học cần phải có khả năng kĩ thuật số bên cạnh các kĩ năng được yêu cầu của người hướng dẫn để họ có thể hưởng lợi hoàn toàn từ các tài liệu do người hướng dẫn cung cấp trực tuyến. Các nhà giáo dục cần hiểu vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong chính sách giáo dục, phương pháp sư phạm và đánh giá cũng như trong việc tổ chức và quản lí các cơ sở giáo dục. Tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu và đổi mới để phát triển các khuôn khổ giáo dục trực tuyến phản ánh bối cảnh kinh tế xã hội độc đáo của các nước đang phát triển, khuyến khích đổi mới giáo dục và tạo ra nội dung cũng như phương pháp giảng dạy phù hợp.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Mhlanga, D. (2024). Digital transformation of education, the limitations and prospects of introducing the fourth industrial revolution asynchronous online learning in emerging markets. Discover Education, 3(1), 1-18. https://doi.org/10.1007/s44217-024-00115-9