Ngày 27/3 vừa qua, Quỹ Bill & Melinda Gates - tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới, đã có một bước tiến đột phá trong việc nâng cao vai trò của các công trình chưa qua bình duyệt (preprints, hay còn gọi là tiền xuất bản). Bắt đầu từ năm 2025, tổ chức này sẽ cấp phép cho người dùng được đăng tải tất cả các bản thảo từ nghiên cứu mà tổ chức tài trợ dưới dạng preprint; đồng thời cũng sẽ ngừng trả phí cho các nhà nghiên cứu xuất bản bài báo của họ trên các tạp chí tính phí.
Sự thay đổi chính sách đã thu hút được sự tán thưởng từ những người ủng hộ quyền truy cập miễn phí vào các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ tỏ ra lo ngại với các bản preprints (bởi vì chúng không phải trải qua quá trình bình duyệt nghiêm ngặt) và cho rằng nếu chính sách này được áp dụng rộng rãi sẽ có nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng của các nghiên cứu kém chất lượng. Ngoài ra, doanh thu của một số nhà xuất bản tạp chí có thể giảm nếu các nhà tài trợ lớn từ chối trả các khoản phí xử lý bài báo khổng lồ.
Theo chính sách trước đó năm 2015, quỹ Bill & Melinda Gates đã yêu cầu những người được tài trợ cung cấp miễn phí các ấn phẩm nghiên cứu của họ. Trong thực tế, điều đó có nghĩa là tác giả phải trả phí xử lý bài viết từ 2000 USD trở lên để xuất bản trên tạp chí truy cập mở. Hiện tại, quỹ Gates chi 6 triệu USD hàng năm để trang trải những chi phí đó. Trong phần Hỏi & Đáp trực tuyến, tổ chức này thừa nhận rằng với chính sách trước đây nhiều người mặc dù được cấp quyền nhưng vẫn muốn xuất bản các bản thảo trên các tạp chí được bình duyệt vì nó liên quan đến việc đánh giá nhiệm kỳ công tác và yêu cầu thăng tiến trong công việc. Chính sách mới cho phép những người được cấp phép sử dụng quỹ của Gates để thanh toán phí xử lý bài báo (APC) hoặc xuất bản trên một tạp chí tính phí độc giả mà không phải tác giả.
Tổ chức này cho biết việc chuyển sang preprints sẽ cho phép các nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ ngay lập tức mà không phải đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng để các tạp chí hoàn thành quy trình đánh giá của họ. Chính sách này khuyến khích các tác giả và tạp chí chỉ xuất bản những bản thảo tốt nhất của họ, giảm bớt khối lượng công việc cho những người bình duyệt. Quỹ cũng cho biết chính sách của họ cũng tránh được những cạm bẫy của mô hình kinh doanh xuất bản học thuật qua việc thu phí xử lý bài viết, vốn bị cho là đã thúc đẩy các tạp chí tung ra các bài báo có giá trị hạn chế; hỗ trợ các tạp chí trục lợi xuất bản các bài báo mà không trải qua quy trình bình duyệt.
Chính sách mới này đã được hoan nghênh bởi Coalition S, một nhóm các nhà tài trợ chủ yếu có trụ sở tại Châu Âu. Kể từ năm 2021, họ đã yêu cầu những người được cấp phép phải cung cấp các bài báo (được tài trợ) ngay lập tức và miễn phí. Năm ngoái họ đã đưa ra một chính sách dự thảo khuyến khích (không bắt buộc) các nhà nghiên cứu công bố các preprint, nhằm mục đích hỗ trợ các mô hình không thu phí xử lý bài viết. Viện Y tế Howard Hughes (HHMI), một nhà tài trợ nghiên cứu phi lợi nhuận lớn khác thuộc Coalition S, cũng có quan điểm tương tự. Bodo Stern, Giám đốc Sáng kiến chiến lược của Viện, lưu ý rằng vào năm 2023, khoảng một nửa số bài báo nghiên cứu do HHMI tài trợ lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng preprint. Trong tương lai, Stern nói: “Chúng tôi hy vọng rằng preprints sẽ trở thành bước đầu tiên mặc định để xuất bản nghiên cứu HHMI, ngay cả khi không có sự ủy quyền”.
Nhưng Kent Anderson, một nhà tư vấn xuất bản học thuật và là nhà phê bình lâu năm của phong trào truy cập mở, nói rằng việc quảng bá các preprints sẽ là một sai lầm. Ông cho rằng, nếu không có hệ thống bình duyệt nghiêm ngặt, sự gia tăng nhanh chóng của các preprints có thể khiến các nhà nghiên cứu và công chúng trở nên “ bối rối hơn về những gì tạo nên những phát hiện khoa học đáng tin cậy”.
Tại nhà xuất bản Frontiers, nơi chỉ sản xuất các tạp chí truy cập mở thu phí tác giả hoặc tổ chức của họ, Tom Ciavarella cho rằng chính sách mới không thúc đẩy mục tiêu trước đó của quỹ Gates - ngăn chặn các mô hình tài chính dựa vào quyền truy cập đóng, có tường phí. Một số nền tảng xuất bản - bao gồm eLife và PREreview - đã thử nghiệm việc cung cấp bình duyệt về các preprints có tính phí hoặc miễn phí. Tuy nhiên, họ thu được số lượng khá hạn chế với vài nghìn preprint.
Alondra Nelson, nhà khoa học xã hội tại Viện Nghiên cứu Cao cấp, người đứng đầu Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng cho biết: “Ban hội thẩm vẫn chưa hiểu rõ về preprint, nhưng đây chắc chắn đây là sự đổi mới và năng động tuyệt vời”. Chính sách mới bắt đầu từ tháng 12 năm 2025, sẽ yêu cầu các nhà nghiên cứu được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ phải cung cấp miễn phí các bản thảo của họ. Tuy nhiên, “rõ ràng là chúng ta cần phải xem xét lại hoạt động bình duyệt theo một số cách” Nelson bổ sung, một phần vì sự phát triển ổn định của các tài liệu nghiên cứu được xuất bản đang gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu tình nguyện tiến hành đánh giá.
Nhìn chung, chính sách mới của quỹ Gates phù hợp với lời kêu gọi của một số người ủng hộ quyền truy cập mở nhằm giảm nhẹ vai trò của các tạp chí trong việc kiểm soát chất lượng và đánh giá chuyên môn. Những người ủng hộ đó hình dung ra một tương lai trong đó các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá và cân nhắc thăng chức cho các nhà nghiên cứu dựa trên việc chọn lọc các bản thảo tốt nhất của họ, bao gồm cả các bản in - một sự thay đổi có thể giảm bớt áp lực lên các nhà khoa học trong việc xuất bản trên các tạp chí được xếp hạng cao có thu phí xuất bản. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có một số ít trường đại học bắt đầu thử nghiệm việc đánh giá các nhà khoa học theo cách đó.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Jeffrey Brainard (2024). In a bold bid to avoid open-access fees, Gates foundation says grantees must post preprints. Science, http //doi. org/10.1126/science.zqvd4bu