Sử dụng thực tế ảo để cải thiện kỹ năng nói: Góc nhìn từ sinh viên và giảng viên

Nghiên cứu này tập trung đánh giá vai trò và hiệu quả của VR thông qua ý kiến của sinh viên và giảng viên. Kết quả chỉ ra rằng VR mang lại trải nghiệm học tập sống động, nhưng cần kế hoạch cẩn thận và xem xét chi phí. Dù có một số thách thức trong quá trình sử dụng, VR vẫn đem lại sự hứng thú của sinh viên và giảng viên. Bài viết kêu gọi nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tiềm năng và thách thức của VR trong giáo dục.

Thực tế ảo (Virtual Reality-VR) là công nghệ hiển thị 3D cung cấp cho người dùng trải nghiệm thế giới ảo sống động. Công nghệ này đã được áp dụng ở nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả giáo dục. VR đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc chuyển đổi giáo dục vì nó có thể mang lại những trải nghiệm sống động, thu hút sinh viên và khiến việc học có sự tương tác và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công phụ thuộc vào việc lập kế hoạch cẩn thận, nội dung được thiết kế tốt và xem xét các nhu cầu và bối cảnh riêng biệt của từng môi trường giáo dục. Việc đạt được điều này phụ thuộc vào việc khơi gợi thông tin từ người dùng như giảng viên và sinh viên về trải nghiệm công nghệ của họ. 

Nghiên cứu này sử dụng thiết kế nghiên cứu hỗn hợp với phương pháp tam giác đồng thời dựa trên dữ liệu được thu thập thông qua bảng câu hỏi và phỏng vấn ý kiến ​​của sinh viên về việc sử dụng công nghệ thực tế ảo. Những người tham gia nghiên cứu này bao gồm 75 sinh viên (gồm cả nam và nữ) và 10 giảng viên ngôn ngữ của một trường thuộc một trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu từ 85 người tham gia, nghiên cứu nhận thấy sự hiệu quả của VR trong các bài học nói. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng công nghệ này mà không lập kế hoạch học tập đầy đủ có thể không cải thiện kỹ năng nói và điểm số của sinh viên. Hơn nữa, đa số người tham gia cho rằng công nghệ thực tế ảo hơi khó sử dụng và chi phí cao, đồng thời tính hiệu quả trong việc hỗ trợ học tập vẫn chưa được thể hiện rõ.

Tuy nhiên, mặc dù cần phải đạt được mục tiêu học tập, không thể phủ nhận rằng công nghệ tiên tiến này vẫn mang lại niềm vui và hứng thú cho cả sinh viên và giảng viên. Bằng cách tận dụng sức mạnh của VR, các cơ sở giáo dục có thể tạo ra những trải nghiệm học tập tương tác và động viên sinh viên khám phá và học hỏi một cách sâu sắc. Do đó, nghiên cứu này không chỉ chứng minh tiềm năng của công nghệ VR trong giáo dục mà còn nhấn mạnh sự quan trọng của việc kết hợp công nghệ với các chiến lược giáo dục hiện có để tạo ra những trải nghiệm học tập đa dạng và mang tính thực tiễn.

Mặc dù có người hoài nghi về việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực này, do vậy, cầ n có nhiều hơn những bằng chứng thực nghiệm về tiềm năng và thách thức của VR. Nghiên cứu này khuyến khích sự quan tâm vào các nghiên cứu thêm về chủ đề này. Các nghiên cứu trong tương lai có thể áp dụng phương pháp thử nghiệm để xác định hiệu quả của công nghệ thực tế ảo trong việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ cho người học.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Chinaza Solomon Ironsi, Investigating the use of virtual reality to improve speaking skills: insights from students and teachers (2023)

https://doi.org/10.1186/s40561-023-00272-8

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng thực tế ảo để cải thiện kỹ năng nói: Góc nhìn từ sinh viên và giảng viên tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn