Hiện nay có rất nhiều cơ sở dữ liệu hay danh mục các tạp chí khoa học uy tín cấp quốc gia và thế giới. Việc gia nhập các cơ sở dữ liệu uy tín đã trở thành điều kiện bắt buộc với các tạp chí khoa học muốn khẳng định uy tín trong cộng đồng học thuật. Bởi vì việc này chứng tỏ tạp chí đã đáp ứng chất lượng xuất bản. Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chính sách và đầu tư cụ thể cho các tạp chí để nâng cao chất lượng, để chỉ mục trong Scopus, Web of Science và ACI như là một bước đệm cho hai hệ thống uy tín trên.
Hệ thống cơ sở trích dẫn ACI là hệ thống trích dẫn uy tín trong khu vực Đông Nam Á, được thành lập vào năm 2011, chính thức hoạt động từ năm 2012 với các mục đích sau: (1) Tập hợp công bố khoa học từ các quốc gia thành viên; (2) Chia sẻ kết quả nghiên cứu của ASEAN ra cộng đồng khoa học thế giới; (3) Đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học trong khu vực; (4) Hỗ trợ đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học trong khu vực; và (5) Là cầu nối để đưa công trình khoa học của các quốc gia thành viên ASEAN vào hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học quốc tế uy tín như Scopus. Trong giai đoạn trước năm 2022, bộ tiêu chí vào ACI bao gồm 6 tiêu chí sơ loại và 9 tiêu chí xét duyệt. Trong trường hợp bị từ chối, tạp chí phải chờ 2 năm để nộp lại đơn.
Từ tháng 12/2022 đến tháng 7/2023, Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ACI) đã thực hiện tái đánh giá các tạp chí đã được chấp thuận chỉ mục trong hệ thống ACI.Sau đợt tái đánh giá này, đã có 405 trong tổng số 661 tạp chí thuộc Hệ thống ACI đáp ứng các tiêu chí của Hệ thống và do đó, tiếp tục được chỉ mục trong ACI; 256 tạp chí còn lại đã bị loại khỏi ACI. Sau đợt rà soát, Việt Nam còn 20 tạp chí trong tổng số 26 tạp chí đã từng được ACI chỉ mục trước 2023.
Kể từ năm 2024, ACI đã áp dụng bộ tiêu chí xét duyệt mới, bao gồm hai nhóm tiêu chí ban đầu và nhóm tiêu chí xét duyệt. Trong trường hợp không đạt điều kiện, tạp chí khoa học cần chờ 1 năm trước khi nộp lại hồ sơ gia nhập (ACI, 2023). Cụ thể các nhóm tiêu chí ACI như sau:
(1) Nhóm tiêu chí sơ duyệt: bao gồm 5 tiêu chí không được tính điểm. Các tạp chí khoa học phải đáp ứng 100% các tiêu chí trong nhóm tiêu chí này để được ACI tiếp tục đánh giá;
(2) Nhóm tiêu chí xét duyệt (tính điểm): bao gồm 9 tiêu chí được tính điểm với tổng điểm là 15/15. Tạp chí được gia nhập ACI nếu đạt các tiêu chí sơ loại và tổng điểm các tiêu chí tính điểm từ 12 điểm trở lên trên tổng 15 điểm.
Bảng 1 và 2 mô tả chi tiết bộ tiêu chí mới của ACI. (cập nhật và áp dụng từ năm 2024; Nguồn: ASEAN Citation Index, https://asean-cites.org/criteria.html?menu=1&name=Journal%20Selection%20Criteria).
Bảng 1. Tiêu chí sơ duyệt (Primary criteria)
Bảng 2. Tiêu chí xét duyệt (Secondary criteria)
Qua việc xem xét bộ tiêu chí xét duyệt của ACI từ năm 2024, có thể thấy một số đặc điểm đáng lưu ý:
- ACI đang ngày càng đề cao đến vấn đề liêm chính học thuật, chất lượng bài viết, uy tín và tầm ảnh hưởng của tạp chí trong cộng đồng học thuật, điều này được thể hiện thông qua các tiêu chí về chất lượng bài viết và chính sách công bố của tạp chí trên website.
- ACI đang yêu cầu sự minh bạch về việc công bố thông tin, chính sách và quy định của tạp chí.
- ACI tiếp tục đề cao việc thống nhất định dạng trình bày trích dẫn trong bài và tài liệu tham khảo. Hiện nay, ACI yêu cầu các tạp chí khoa học uy tín đều có hướng dẫn chi tiết về hình thức trình bày, được đăng tải đầy đủ trên website.
- Trong bộ tiêu chí xét duyệt ACI mới, tiêu chí số 9 về chất lượng bài viết được tham khảo từ Bộ tiêu chí đánh giá của Scopus, cụ thể các chuyên gia độc lập sẽ đánh giá 5 bài viết tốt nhất theo các tiêu chí: chất lượng tóm tắt; sự phù hợp với phạm vi của tạp chí; chất lượng ngôn ngữ (dễ đọc, dễ hiểu); và đóng góp của nghiên cứu.
- Các tạp chí khoa học ở Việt Nam có thể căn cứ các tiêu chí đánh giá này để xây dựng các chính sách, quản lý điều hành các hoạt động, thu hút các bài viết chất lượng phù hợp với phạm vi của mình, đảm bảo quy trình bình duyệt và chất lượng hiệu đính,...hướng tới không chỉ đáp ứng các yêu cầu của hệ thống trích dẫn Đông Nam Á mà còn có cơ hội tham gia các cơ sở dữ liệu uy tín khu vực và quốc tế khác.
Lương Ngọc - Vân An
Nguồn:
ACI (2023). New Journal Selection Criteria for ACI (2024 onwards). https://asean-cites.org/criteria.html?menu=1&name=Journal%20Selection%20Criteria