Giáo dục Tiền Giang nắm bắt cơ hội, nỗ lực đổi mới

Nắm bắt những cơ hội mà năm 2024, năm tiền đề quan trọng, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang đang không ngừng đề ra và thực hiện những định hướng phát triển, tạo đột phá, đưa sự nghiệp Giáo dục của tỉnh nhà lên tầm cao mới.

Ảnh 1: Ngành GD&ĐT Tiền Giang đang từng ngày nâng cấp, đổi mới bắt kịp những cơ hội.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang với nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được nhân rộng và lan tỏa, chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng cao, đội ngũ nhà giáo được nâng chất và cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư phát triển. Đồng thời việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 có nhiều hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Cùng với đó chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh đã có những bước chuyển biến. Chất lượng thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây có những kết quả đáng khích lệ, trong năm 2023, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2022) và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Và mới đây nhất, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024, tỉnh Tiền Giang đoạt 46 giải, xếp hạng thứ Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó chính là những dấu hiệu, những động lực tạo tiền đề vững chắc cho ngành GD&ĐTTiền Giang phấn đấu và không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang. Với những tiền đề đã có sẵn, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo toàn ngành, trong năm 2024, toàn ngành đang và sẽ thực hiện những giải pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời để nắm bắt những cơ hội và thuận lợi trước mắt cũng như khắc phục nhưng hạn chế đang tồn tại.

Theo đó, ngành GD&ĐT đang tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT. Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT ở tất cả các bậc học, tăng cường giáo dục kỹ năng, lối sống, đạo đức cho học sinh. Đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 đối các khối lớp và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Tiền Giang cũng chú trọng tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang còn quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tập trung tuyển giáo viên còn thiếu để kịp thời bổ sung vào đội ngũ giáo viên của ngành.

Đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục mầm non, GDPT và Giáo dục thường xuyên. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD&ĐT. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường công tác truyền thông trong GD&ĐT.

Đặc biệt, năm học 2024 - 2025 là năm “cuốn chiếu” cuối cùng triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới đối với các khối lớp 5, 9 và 12. Đây là những khối lớp học cuối cấp mang tính chất quan trọng, chính vì vậy, công tác lựa chọn SGK vừa phải đảm bảo đúng tiến độ nhưng cũng phải đảm bảo công bằng, khách quan, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đối với tỉnh Tiền Giang, công tác chọn SGK được các trường tiểu học, THCS, THPT được thực hiện ngay từ tuần đầu của tháng 01/2023. Hiện, Sở GD&ĐT đã phối hợp các nhà xuất bản tổ chức giới thiệu các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt cho cán bộ quản lý, giáo viên và các thành viên tham gia các Hội đồng lựa chọn SGK. Đồng thời, Hiệu trưởng các trường tổ chức giới thiệu các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt cho Hội đồng Sư phạm, Ban Đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh trong nhà trường.

Ảnh 2: Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí khẳng định năm 2023 là tiền đề cho những định hướng mới đang được triển khai.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí đánh giá, đây là lần chọn SGK cuối cùng cho việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Chính vì vậy, việc chọn SGK phải được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục.

Cũng chia sẻ về những định hướng cho ngành GD&ĐT của tỉnh, ông khẳng định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng của ngành, do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong toàn ngành GD&ĐT.

"Công việc phía trước sẽ còn rất nhiều, chính vì vậy, hơn bao giờ hết, tôi mong rằng, đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo chúng ta đã cố gắng thì phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết, tập trung trí tuệ, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ năm học được đề ra; không ngừng rèn luyện trau dồi trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt các phong trào thi đua, là tấm gương tốt cho học sinh noi theo. Đối với các em học sinh cần cố gắng học tập thật tốt, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo, tích cực tham gia các hoạt động, trau dồi kỹ năng sống, tăng cường rèn luyện đạo đức, lối sống." Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí nhấn mạnh.

Lê Thịnh.

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục Tiền Giang nắm bắt cơ hội, nỗ lực đổi mới tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19