Hiện nay, có rất nhiều nguồn học liệu được sử dụng để hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, trong đó nổi bật nhất là sách giáo khoa. Sách giáo khoa đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết mọi hệ thống trường học trên thế giới, là nguồn tài nguyên hữu ích cho cả giáo viên với tư cách là người giảng dạy và học sinh tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, việc sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu giảng dạy khác đều có ưu điểm và nhược điểm. Đồng thời trong kỷ nguyên số, ngoài sách giáo khoa truyền thống thì các tài liệu, công cụ học tập kỹ thuật số khác đều có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trước bối cảnh như vậy, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các tiêu chí chất lượng để đánh giá sách giáo khoa, chẳng hạn như liệu sách giáo khoa có đáp ứng nhu cầu của người học không, có tuân theo mục đích và mục tiêu của chương trình giáo dục hay không; sử dụng phương pháp giảng dạy hiệu quả và cách tiếp cận và phương pháp học tập, đi kèm với nhiều nguồn học liệu khác nhau,... Do đó, nhiều bài viết lý thuyết và thực nghiệm với chủ đề về vai trò của sách giáo khoa trong quá trình dạy và học đã được công bố trên “Center for Educational Policy Studies Journal” tập 12, số 2 (2022). Các bài viết đã cung cấp cho độc giả những góc nhìn mới về vai trò của sách giáo khoa.
Đầu tiên, bài viết có tựa “The changing role of textbooks in primary education in the digital era: what can we learn from reading research?” của hai tác giả Miha Kovac và Alenka Kepic Mohar đã bàn luận về cách sách giáo khoa thay đổi như thế nào để phù hợp với sự thay đổi giá trị trong các xã hội và các thời kỳ khác nhau. Thay vì chỉ nghiên cứu sự thay đổi nội dung, nhóm tác giả còn xem xét cách thiết kế sách giáo khoa đã thay đổi như thế nào và những thay đổi này có tác động ra sao đến việc đọc và hiểu ở người dạy, người học.
Thứ hai, bài viết “Textbooks and Students’ Knowledge” của B.J. Pavesic và Gasper Cankar tập trung vào sách giáo khoa như một nguồn kiến thức của học sinh, bằng cách sử dụng thông tin về kiến thức học sinh được đo lường độc lập bởi các bài kiểm tra đánh giá và Xu hướng Nghiên cứu khoa học và Toán học quốc tế, TIMSS 2015. Nhóm tác giả khám phá sự khác biệt về kiến thức và thái độ học tập giữa những học sinh được dạy bởi các bộ sách giáo khoa khác nhau. Mặc dù nghiên cứu có những hạn chế do thiếu dữ liệu, nhưng kết quả phân tích tìm ra một số khác biệt sâu sắc về kiến thức và thái độ giữa các nhóm học sinh khi sử dụng sách giáo khoa khác nhau.
Thứ ba, bài viết của nhóm tác giả Núria Carrete-Marín và Laura Domingo-Penafiel có tên “Textbooks and Teaching Materials in Rural Schools: A Systematic Review” đánh giá có hệ thống về các tài liệu nghiên cứu trong những thập kỷ qua nhằm phân tích khái niệm nguồn tài liệu dạy học lớp ghép và tài liệu giảng dạy được giáo viên ở các trường nông thôn sử dụng. Nghiên cứu thúc đẩy việc hòa nhập và học tập trong các lớp được tổ chức cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau cùng học tập. Đồng thời, bài viết trình bày những nhược điểm của tài liệu giáo khoa lớp ghép và mối quan hệ của chúng với quá trình dạy-học.
Tiếp theo, bài viết “Differences in the Requirements of Digital and Printed Mathematics Textbooks: Focus on Geometry Chapters” của D.G. Gracin và bài viết “The Teaching of Initial Multiplication Concepts and Skills in Croatian Textbooks” của G. Trupcevic khám phá các khía cạnh khác nhau của sách giáo khoa toán học. Đối với bài viết của D.G. Gracin cùng cộng sự, nhóm nghiên cứu đã phân tích và so sánh các nhiệm vụ trong phiên bản sách in và phiên bản được số hóa của cùng một bộ sách giáo khoa toán, bao gồm các lớp từ lớp 1 đến lớp 4 tiểu học ở Croatia. Kết quả cho thấy rằng nhiệm vụ học tập trong sách in và sách số hóa đều có các yêu cầu truyền thống, nhấn mạnh vào dạng câu trả lời đóng. Các phát hiện nhấn này mạnh những tiềm năng mà môi trường số mang lại cho việc sáng tạo sách giáo khoa, đồng thời cho thấy các tác giả sách giáo khoa chưa biết tận dụng những tiềm năng của môi trường số trong việc sáng tạo học liệu. Còn bài viết của nhóm tác giả G. Trupcevic và Anda Valent tập trung xem xét việc giảng dạy phép nhân bằng cách so sánh sách giáo khoa toán học Croatia với sách giáo khoa của Singapore, Nhật Bản và Anh.
Bài viết có tựa “Nature of Science in Greek Secondary School Biology Textbooks”, tác giả N. Kapsala và cộng sự phân tích sự hiện diện của Bản chất Khoa học (Nature of Science, viết tắt: NOS), một khía cạnh thiết yếu của kiến thức khoa học, trong tất cả các sách giáo khoa, sách bài tập, hướng dẫn phòng thí nghiệm và sách giáo viên môn sinh học ở Hy Lạp. Đồng thời, đây cũng là một nghiên cứu mang giá trị phương pháp luận.
Cuối cùng, bài viết “Theorising Textbook Adaptation in English Language Teaching” của S. Rathert và Nese Cabaroglu đóng góp vào việc mô tả một cách có hệ thống về sự điều chỉnh sách giáo khoa trong giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ thứ hai. Mặc dù đề cập đến giảng dạy tiếng Anh nhưng bài viết có ý nghĩa cho việc nghiên cứu sử dụng sách giáo khoa trong các môn học khác.
Huyền Đức tổng hợp
Tài liệu tham khảo
Carrete-Marín, N., & Domingo-Peñafiel, L. (2022). Textbooks and teaching materials in rural schools: a systematic review. Center for Educational Policy Studies Journal, 12(2), 67-94.
Kovac, M., & Kepic Mohar, A. (2022). The changing role of textbooks in primary education in the digital era: what can we learn from reading research?. Center for Educational Policy Studies Journal, 12(2), 11-27.
Torkar, G., Kovač, M., & Šebart, M. K. (2022). The Role of Textbooks in Teaching and Learning Processes. Center for Educational Policy Studies Journal, 12(2), 7-10.
Rathert, S., & Cabaroglu, N. (2022). Theorising textbook adaptation in English language teaching. Center for Educational Policy Studies Journal, 12(2), 169-188.