Sách giáo khoa có nhiều điểm mới khiến học sinh, giáo viên hứng thú

“Sách giáo khoa mới xuất hiện nhiều tình huống có vấn đề trong môn học, trong thực tế, gây hứng thú cho học sinh. Chính vì vậy, học sinh chuyển từ thụ động sang là người chủ động tìm ra kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên”, cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Toán, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội, nhận xét.

Vai trò của sách giáo khoa mới trong Chương trình GDPT 2018

Chia sẻ với PV, cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Toán, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội, nhận xét một loạt điểm khác biệt khi so sánh 2 bộ sách giáo khoa thuộc 2 chương trình cũ và mới: “Hình ảnh sách giáo khoa mới đẹp, nội dung trọng tâm, chất liệu tốt. Kênh hình và kênh chữ cân đối, hấp dẫn lôi cuốn người đọc. 

Sách giáo khoa mới phát triển các hình ảnh mô tả trực quan giúp học sinh nhớ kiến thức nhanh hơn, góp phần phát triển kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên, tìm kiếm tư liệu dạy học làm bài học phong phú hơn, khai thác được các bài giảng điện tử, đáp ứng các yêu cầu cần đạt mà chương trình mới đưa ra về tổng thể. 

Xét về nội dung, sách giáo khoa mới có kiến thức khá cơ bản, dễ hiểu, không gây khó với học sinh, phát triển các bài sử dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tế”.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trong ngày giới thiệu sách. Ảnh: T.N

Cô Dung chia sẻ thêm, sách giáo khoa mới xuất hiện nhiều tình huống có vấn đề trong môn học, trong thực tế, gây hứng thú cho học sinh. Chính vì vậy, học sinh chuyển từ thụ động sang là người chủ động tìm ra kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Qua đó người học rèn luyện được các kỹ năng cơ bản, phát triển các tiềm năng sẵn có, phù hợp với sự đổi mới về nội dung Chương trình GDPT 2018.

Ngoài ra, sách giáo khoa hiện hành có nhiều bộ để lựa chọn, có vai trò là nguồn học liệu tham khảo chứ không phải là căn cứ duy nhất để dạy học. Do đó phù hợp với việc dạy học phát triển năng lực. Nội dung có thêm các hoạt động trải nghiệm phù hợp yêu cầu vận dụng các kiến thức vào thực tiễn của học sinh.

Là giáo viên dạy Ngữ văn có nhiều năm kinh nghiệm, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM đưa ra ý kiến: “Tôi tham khảo cả 3 bộ sách giáo khoa bậc THPT môn Ngữ văn thì nhận thấy, sách giáo khoa bám theo Chương trình GDPT 2018. 

Mỗi bộ sách có một cách biên soạn khác nhau, theo quan điểm của tác giả, tuy vậy, giáo viên muốn dạy tốt thì căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa để biên soạn lại giáo án sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Nếu giáo viên phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa nào đó để dạy học thì khó thành công. Bởi vì, mỗi bộ sách đều có những ưu khuyết điểm riêng”.

Thầy Hoài thẳng thắn: “Cá nhân tôi xem sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo nên thấy nội dung nào chưa phù hợp với học sinh thì soạn lại. Ví dụ khi dạy một tác phẩm, nhận thấy câu hỏi ở phần hướng dẫn học chưa bao quát hoặc có câu hỏi khó thì tôi bám vào yêu cần đạt của chương trình để soạn.

Ngày trước học sinh chỉ đơn thuần học nghị luận xã hội, nghị luận văn học chương trình lớp 11 môn Ngữ văn thì nay chương trình có độ mở rất cao. Học sinh có thể nghị luận về một vấn đề đặt ra sau khi đọc tác phẩm hoặc các em có thể nghị luận về một bài hát yêu thích. Giáo viên dạy không nhàm chán và học sinh được tự do sáng tạo, được thiết kế rất mở.

Theo chương trình cũ, có khi giáo viên chấm bài, cả lớp viết na ná nhau, nhưng khi dạy chương trình mới, mỗi học sinh lại có cách viết khác nhau theo quan điểm bản thân. Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm của bản thân trước một vấn đề. Giáo viên cũng có quyền chọn tác phẩm ngoài sách giáo khoa để dạy - dĩ nhiên đã được tổ chuyên môn thống nhất, cũng là điểm mới của chương trình mới.

Ngoài ra, theo Chương trình GDPT 2018, nội dung dạy trong sách giáo khoa là kiến thức cần đạt, kiểm tra trên nền tảng nội dung kiến thức đó. Cho nên, chương trình nhẹ nhàng, giúp phát triển và hình thành phẩm chất năng lực học sinh mà các em không phải đi học thêm. Nhìn chung, sách giáo khoa phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nhưng để dạy thành công thì phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh của giáo viên đứng lớp. Giáo viên lớn tuổi nếu không thay đổi phương pháp, giáo viên yếu chuyên môn thì không phù hợp với chương trình mới”.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán, Bộ sách Cánh Diều, khẳng định, tổng thể chương trình GDPT quốc gia môn Toán đã giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện hành. Những chỗ lắt léo, lâu nay thách đố học trò để ào ạt luyện thi đều được gạt bỏ hết.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, cho biết, điểm mới của môn Ngữ văn là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây, SGK chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại.

Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Đồng thời, văn phong rõ ràng, diễn đạt trung thành, bám sát các hoạt động thực tiễn, đồng thời trang bị cho các em văn hóa phổ thông.

Chỉ còn 1 năm hoàn thành lộ trình thay đổi sách giáo khoa

Giáo dục đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong các đột phá chiến lược để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị trung ương VIII khóa XI Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh…

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, lộ trình thay sách giáo khoa như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa là Bộ GDĐT hoàn thành lộ trình thay đổi sách giáo khoa mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GDĐT, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn, trong đó có đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia.

Thời gian đầu, ngành giáo dục triển khai áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với 5 bộ là “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “ Kết nối tri thức với cuộc sống”; “ Cùng học  để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Sau một năm thực hiện, 2 bộ sách có tỉ lệ các địa phương lựa chọn thấp nên các nhà xuất bản quyết định không phát hành và chỉ phát hành từ năm 2021-2022 đến nay 3 bộ sách “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “ Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Sách giáo khoa có nhiều điểm mới khiến học sinh, giáo viên hứng thú tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn