Mức chi chưa tương xứng, còn nhiều “rào cản”
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2018-2020, chi NSNN cho GDĐH đạt từ 12-13% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. So sánh tỉ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy, tỉ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP. Như vậy, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc tăng tỉ lệ chi NSNN cho phát triển GDĐH (tăng từ 0,25%/GDP năm 2018 lên 0,27%/GDP năm 2020, tương ứng từ 13.643 tỉ đồng lên 16.703 tỉ đồng) đã thể hiện sự ưu tiên quan tâm của Nhà nước đầu tư cho GDĐH. Tuy vậy, do quy mô NSNN còn nhỏ nên số tuyệt đối còn khiêm tốn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, hiện tỉ trọng chi NSNN cho nghiên cứu và phát triển trong các cơ sở GDĐH chưa tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của các cơ sở GDĐH đối sánh trong hệ thống tổ chức KHCN.
Theo báo cáo của Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ năm 2019, các cơ sở GDĐH đóng góp 1/3 số người làm nghiên cứu toàn thời gian quy đổi (chưa tính hơn 100 ngàn học viên cao học và 12.000 nghiên cứu sinh, tiến sĩ) và chiếm 3/4 số đầu người làm nghiên cứu có trình độ tiến sĩ trong toàn quốc, trong khi đó kinh phí chi NSNN cho nghiên cứu và phát triển của cả khối đại học, cao đẳng chỉ chiếm tỉ lệ xấp xỉ 1/6 toàn quốc.
Hiện nay, một phần không nhỏ kinh phí chi KHCN trong các trường đại học phải lấy từ học phí của người học. Trong khi Bộ Tài chính phân tích, học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội thực tế của đất nước nên chưa thể có mức thu cao; về nguyên tắc các cơ sở giáo dục đại học công lập thu học phí theo khung học phí do Nhà nước quy định. Mức học phí chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo. Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, việc xác định giá dịch vụ đào tạo tại thời điểm hiện nay chưa tính đủ các chi phí thực tế phát sinh (tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) nên mức thu học phí còn thấp, chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của giáo dục đại học.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân tự nghiên cứu tại thư viện điện tử
Cũng theo Bộ Tài chính, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học công lập còn mang tính bình quân, dựa trên khả năng của NSNN và các yếu tố đầu vào (quy mô, số lượng sinh viên; số lượng nhân viên; lịch sử phân bổ ngân sách nhà nước các năm trước…) chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra hoặc các chính sách về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Việc phân bổ NSNN cho các cơ sở giáo dục đại học công lập thông qua các cơ quan chủ quản khác nhau (các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh) của các cơ sở GDĐH công lập dẫn đến sự không thống nhất về tiêu chí phân bổ, chưa thực sự công bằng trong việc thụ hưởng NSNN.
Về đầu tư cho KHCN trong các cơ sở GDĐH, các quy định hiện có đều yêu cầu tất cả giảng viên phải tham gia hoạt động nghiên cứu và có kết quả công bố khoa học hàng năm, tuy nhiên chưa có cơ chế, chính sách chung của Nhà nước để hỗ trợ giảng viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ngoại trừ quy định về việc trích và sử dụng nguồn thu sự nghiệp cho các hoạt động KHCN trong các cơ sở GDĐH. Quy mô đào tạo sau đại học ở nước ta, nhất là đào tạo tiến sĩ thấp hơn rất nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới là một điểm yếu lớn làm giảm năng lực nghiên cứu của các cơ sở GDĐH.
Theo số liệu thống kê năm 2021, quy mô đào tạo sau đại học chỉ đạt xấp xỉ 122 ngàn (110 ngàn học viên thạc sĩ và 12 ngàn nghiên cứu sinh tiến sĩ), tính tỉ lệ trên dân số chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thailand và bằng 1/2 so với Singapore và Philippines, xấp xỉ bằng 1/9 lần so với mức trung bình của các nước OECD. Tuy nhiên hiện nay chính sách hỗ trợ từ Nhà nước còn rất hạn chế, mới chỉ tập trung vào một số đề án hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên (chủ yếu ở nước ngoài) mà chưa có các quy định chung về học bổng, tín dụng ưu đãi cho toàn hệ thống GDĐH trong nước, nhất là ở một số lĩnh vực then chốt đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ GD-ĐT cho biết, NSNN chi cho GDĐH từ 0,25-0,27% GDP trong giai đoạn 2018-2020, đó là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Nhà nước. Nhưng khi đối sánh với các quốc gia ở trình độ tương đương, tỉ lệ chi ngân sách cho GDĐH nói riêng của Việt Nam đến nay vẫn thuộc nhóm thấp nhất. Tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, NSNN cho chi thường xuyên cũng giảm dần từ 21% năm 2019, giảm còn 19% năm 2020, và đến năm 2021, tỉ lệ này chỉ còn 15%.
Về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo, nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, các cơ sở GDĐH có quy mô lớn tại Việt Nam thường tập trung tại các thành phố lớn ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài một số đại học và trường đại học như 2 đại học quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh có diện tích rộng hơn ở ngoại thành, các cơ sở GDĐH nhìn chung có diện tích tương đối chật hẹp. Ngoài ra, hạ tầng nghiên cứu và hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông thiếu đầu tư trầm trọng. Các cơ sở GDĐH có lịch sử lâu đời hơn thì cơ sở vật chất đã tương đối cũ, các giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, hệ thống máy tính đã xuống cấp, ít được trang bị các thiết bị mới. Các cơ sở GDĐH mới thành lập thì thường có khuôn viên nhỏ do chưa được quy hoạch tổng thể; chưa có các công trình kiến trúc sáng tạo, mang tính biểu tượng, tạo không gian khơi nguồn đổi mới sáng tạo là đặc trưng của GDĐH. Bên cạnh đó, đa số các trường chưa đầu tư nhiều hệ thống thư viện, học liệu số, cơ sở dữ liệu quốc tế.
“Khi các nguồn lực về tài chính, con người và hạ tầng cơ sở vật chất đều hạn chế, rất khó để các cơ sở GDĐH trong hệ thống phát triển năng lực nội tại, chưa nói đến thu hút các nguồn lực từ tư nhân, từ nước ngoài nếu như không có cam kết”, nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội nêu vấn đề.
Huy động nguồn lực tài chính từ đâu?
Chất lượng GDĐH phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định là nguồn lực tài chính. Thực chất, các yếu tố đầu vào khác như chỉ tiêu tuyển sinh hay chỉ tiêu tuyển dụng, các điều kiện bảo đảm chất lượng bên trong hệ thống như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn lực tài chính. Chất lượng đào tạo không thể tăng nếu nguồn lực không tăng. Vậy nguồn lực tài chính cho GDĐH đến từ những đâu? Ai sẽ phải chi trả cho dịch vụ GDĐH và chi trả ở mức độ nào?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, kinh phí chi cho GDĐH chủ yếu vẫn từ 2 nguồn là Nhà nước và người học. Muốn phát triển GDĐH thoát khỏi bẫy chất lượng trung bình, bên cạnh các giải pháp chính sách, nhất định phải tăng kinh phí chi cho hệ thống GDĐH từ một trong hai nguồn trên, hoặc cả hai, đồng thời tiếp tục cải tiến và mở rộng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên. Các chính sách về tài chính GDĐH hiện đang được quy định trong các nghị định của Chính phủ cần phải được rà soát, phân tích thấu đáo, xem xét để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn và những điểm nghẽn từ các góc nhìn như đề cập trên đây…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đề xuất nhất định phải tăng kinh phí chi cho hệ thống GDĐH
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh kiến nghị về đầu tư của nhà nước cho GDĐH. Cụ thể, bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người, nhất là thông qua hình thức các đề tài, dự án khoa học - công nghệ. Thực tế các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi. Có lộ trình điều tiết NSNN đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kì đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình. Đồng thời, sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ.… Nhóm nghiên cứu còn kiến nghị về chính sách tín dụng cho sinh viên vay (như mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí…) và kiến nghị cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo…
Chung quan điểm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Chính phủ có những giới hạn về ngân sách nên khó có thể kỳ vọng một mức tăng nhảy vọt cho GDĐH, tuy nhiên, có ba phương pháp chính giúp nâng cao hiệu quả đầu tư NSNN cho GDĐH:
Một là, tái cơ cấu chi NSNN cho giáo dục để tăng tỷ trọng chi cho GDĐH. Hai là, tái cơ cấu kinh phí khoa học công nghệ thông qua tái cấu trúc hệ thống viện nghiên cứu để gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở GDĐH. Ba là, thu hút đầu tư tư nhân vào GDĐH.
Khi được đầu tư cơ sở vật chất, các giảng viên và người học sẽ có điều kiện để nghiên cứu, thực hành, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học
Tuy nhiên, dù là phương pháp nào, để phát triển dài hạn, cần xây dựng lộ trình để tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục nói chung hoặc ít nhất luôn phải đảm bảo thực chi ở mức 20% chi NSNN cho giáo dục. Chi cho GDĐH phải được coi là chi đầu tư cho phát triển. Tăng đầu tư cho GDĐH hoặc tái cơ cấu nguồn chi để có thể tăng chi cho GDĐH theo GDP lên ít nhất 1% vào năm 2030 để đạt mức khuyến nghị từ kinh nghiệm quốc tế.
Tuấn Minh