Những đổi thay mạnh mẽ, có chiều sâu
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Nghị quyết 29 đặt ra 2 mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với GDPT và giáo dục thường xuyên.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, GDPT, giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu đáng kể, các mục tiêu hầu hết đã đạt được.
Cụ thể, hệ thống các cơ sở GDPT đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (THCS) tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước đạt chuẩn mức độ cao hơn.
Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7% (tăng 3,5% so với năm học 2013 - 2014). Học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 94,3%. Học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%.
Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: PV
Bộ GD & ĐT đã ban hành mục tiêu, chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT tổng thể và chương trình giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục của từng bậc học, môn học đối với GDPT, giáo dục thường xuyên. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDPT, giáo dục thường xuyên. Ban hành tương đối toàn diện, bao quát hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD & ĐT cho biết, 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đội ngũ nhà giáo, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ.
Hiện cả nước có tổng số 1.234.124 giáo viên mầm non, phổ thông; tăng 141.894 giáo viên so với năm học 2012 - 2013. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Đức, con số này chưa tương xứng với việc tăng số lượng học sinh. Năm học 2022 - 2023, toàn quốc thiếu 118.253 giáo viên.
Để bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã được ban hành. Đồng thời, Bộ GD-ĐT ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chuẩn giám đốc trung tâm GDTX; các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm; quy định, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành Giáo dục; đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Năm học 2022 - 2023, trình độ đạt chuẩn của giáo viên (theo Luật Giáo dục 2019) ở bậc tiểu học là 83,26%, THCS là 90,32%, THPT là 99,83% (tăng so với năm học trước lần lượt là 13,70%; 7,05%; 0,1%);
Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ đạt 32,44% (tăng 17,64% so với năm 2013); tỷ lệ giảng viên có học hàm phó giáo sư và giáo sư lần lượt là 5,9% và 0,77% (tăng 1,5% và 0,07% so với năm 2013).
Hệ thống chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã cơ bản hoàn chỉnh và được các đơn vị triển khai tương đối đầy đủ, kịp thời…
Về cơ sở vật chất, cả nước có 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, trong đó, số phòng học kiên cố là 517.920 phòng, đạt tỷ lệ 85,44% (tăng gần 23% so với năm học 2013 - 2014).
Đổi mới giáo dục đạt nhiều thành tựu theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, học sinh được tăng cường thực hành, rèn kỹ năng
Đầu tư mạnh vào đội ngũ nhà giáo, ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục
Tuy nhiên, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 29, Bộ GD & ĐT thẳng thắn nhìn nhận, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục về đội ngũ, cơ sở vật chất, các chính sách, quy định hiện nay còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chậm trễ so với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Dự thảo báo cáo sơ kết NQ 29 của Bộ GD & ĐT đã chỉ ra: Việc thể chế hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW còn chưa đồng bộ; thiếu đồng bộ, thống nhất giữa quy định pháp luật về GD-ĐT với các quy định pháp luật khác; các quy định pháp luật nói chung chưa thực sự phù hợp với tính chất đặc biệt của GD-ĐT; số lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều, do nhiều cơ quan ban hành, nội dung quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn,…
Còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng. Lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29….
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở cấp học mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục nhìn chung còn thấp, chủ yếu chi cho lương; cơ cấu chi cho giáo dục tại một số địa phương chưa đảm đảm tỷ lệ tối thiểu 19% chi hoạt động chuyên môn. Chưa có căn cứ đánh giá tỷ lệ giao dự toán ngân sách 20% cho lĩnh vực GD-ĐT (do chưa có số liệu dự toán về kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục)…
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam chia sẻ, giáo dục là lĩnh vực vừa rộng lớn, vừa chuyên sâu, lại liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, đến số phận của mỗi con người và mỗi gia đình, vì thế, các cấp lãnh đạo, người dân và xã hội luôn đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào sự chuyển biến căn bản của ngành Giáo dục. Theo ông, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải luôn coi giáo dục là một phần “máu thịt” của quốc gia, là một phần thành-bại của bộ, ngành, địa phương mình, chứ không coi đó là nhiệm vụ của ngành giáo dục, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Ảnh: PV
“Có rất nhiều việc chúng ta phải tiếp tục giải quyết trong GD-ĐT, trước mắt cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi cần chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; chăm lo giáo dục tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tích cực, lành mạnh, trách nhiệm và làm việc hiệu quả trong học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là chúng ta hiện thực hóa di huấn của Bác Hồ là đào tạo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có đủ đức-tài, vừa hồng, vừa chuyên”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đề xuất.
Một việc làm quan trọng nữa, theo ông cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, bảo đảm đủ nhà giáo cho từng cấp học, môn học. Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với nhà giáo, nhất là chính sách tiền lương nhằm tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Cùng với đó, cần ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, bảo đảm đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Giao cho Bộ GD-ĐT được quyền tuyển dụng giáo viên và tự chủ về tài chính.
Chung quan điểm, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, Nghị quyết 29 đã tạo ra nhiều thay đổi nhưng thay đổi rõ ràng nhất là trong nhận thức. Xu hướng chung của nhận thức xã hội đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay dứt khoát phải đổi mới GD-ĐT và phải đổi mới một cách toàn diện, đột phá thì giáo dục Việt Nam mới không bị lạc hậu.
Cũng trăn trở về đội ngũ nhà giáo, GS.TS Đinh Quang Báo gọi tình trạng thừa-thiếu giáo viên là “điểm nghẽn”.
GS.TS Đinh Quang Báo - Ảnh: PV
“Tôi cho rằng thừa giáo viên dễ giải quyết hơn, vì đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, có thể được giải quyết bằng cách bồi dưỡng, bố trí hợp lý. Còn tình trạng thiếu giáo viên thì phải giải quyết dài hạn hơn, trong đó, cần tăng cường nơi cung cấp giáo viên chính là đào tạo tại các trường sư phạm, nhưng tăng đầu vào và không được hạ điểm chuẩn tuyển sinh sư phạm”.
“Đổi mới GD-ĐT đều bắt nguồn từ chính sách. Do đó, tôi cho rằng chính sách nên tập trung vào yếu tố quan trọng bậc nhất là đội ngũ giáo viên. Cần đột phá trong chính sách tác động tới đội ngũ giáo viên. Muốn đổi mới giáo dục thì chúng ta phải đổi mới cơ sở đào tạo giáo viên. Các trường sư phạm là “máy cái” của ngành giáo dục nên cần được tăng cường đầu tư, xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm làm nòng cốt cho ngành phát triển. Trường sư phạm phải đào tạo đúng đơn đặt hàng về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, khâu sử dụng phải minh bạch, công bằng, lấy chuẩn chất lượng, trong đó có chuẩn nghề nghiệp giáo viên làm chính”, GS.TS Đinh Quang Báo bày tỏ.
Cần đầu tư mạnh vào “bộ máy cái” – đội ngũ giáo viên, vì đây là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng giáo dục
Phương Hà