Hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp

Qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, ý kiến của nhiều nhà khoa học và các chủ doanh nghiệp, tác giả Nguyễn Đắc Hưng đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đầu tiên, giải quyết vấn đề "nút thắt" hiện nay đối với các nhà đầu tư đòi hỏi chú trọng đến quyền sở hữu tài sản và phân chia lợi nhuận. Đặc biệt, trong ngữ cảnh thực hiện chủ chương hợp tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư giáo dục, vấn đề quyền điều hành nhà trường trở thành điểm quan trọng. Giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong giáo dục trở thành vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến công tác GDNN. Khi xem xét sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, cần tập trung đặc biệt vào quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư, bảo đảm duy trì và phát triển vốn của họ trong lĩnh vực giáo dục. Điều này sẽ có tác động quan trọng đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Thứ hai, đánh giá lại chính sách khuyến khích mở rộng mô hình trường dạy nghề trong doanh nghiệp hoặc cơ sở GDNN gắn với doanh nghiệp, gắn với các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế động lực.

Thứ ba, Đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác xã hội hóa giáo dục. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội chủ trì nghiên cứu về xã hội hóa giáo dục để tham mưu với Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục.

Thứ tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thành lập trường tư thục ở tất cả các ngành học, bậc học và trình độ đào tạo; cho phép các cơ sở giáo dục tư thục thuê giáo viên người nước ngoài giảng dạy một số chương trình quốc tế.

Thứ năm, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số cơ sở GDNN từ công lập sang tư thục.

Thứ sáu, cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập cơ quan kiểm định chất lượng độc lập, thực hiện nhiệm vụ đánh giá, sát hạch chất lượng học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN sau cuối mỗi năm học, khóa học. Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo được công bố trên website của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Thứ bảy, Chính phủ quy định rằng, mọi người lao động tham gia vào thị trường lao động sau khi được đào tạo ở mọi ngành, nghề cần phải có giấy phép hành nghề do các cơ quan kiểm định chất lượng được Nhà nước ủy quyền cấp. Ngoài ra, quy định rõ ràng cho tất cả cơ quan, đơn vị, và cơ sở tuyển dụng lao động, yêu cầu họ phải sử dụng đúng các quy định được ghi trong giấy phép hành nghề. Đồng thời, các tổ chức này cũng có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc thu giấy phép hoạt động của cơ sở kiểm định chất lượng nếu phát hiện bất kỳ không đúng hoặc hành vi tiêu cực nào trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng, đặc biệt là khi xác nhận năng lực của người lao động không phù hợp với thông tin ghi trong giấy phép.

Thứ tám, Chính phủ cần hướng dẫn để cụ thể hóa chính sách ưu đãi về giao đất hoặc cho thuê đất; ưu đãi tín dụng cho các cơ sở GDNN, nhà đầu tư chỉ thực hiện đầy đủ các quy định của luật và không có những chi phí tiêu cực: (1) Việc cung cấp đất sạch cho các cơ sở giáo dục là cực kỳ quan trọng, vì nếu để cho nhà đầu tư tự giải phóng mặt bằng, có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực, chi phí cao và thậm chí là các vấn đề giao dịch không thành công; (2) Nhà nước nên miễn thuế đối với đất được sử dụng cho mục đích xây dựng trường học. Tuy nhiên, cần xem xét giá trị của đất và coi đó như là một nguồn đóng góp của nhà nước vào tài sản chung của nhà trường, nhằm hạch toán và sử dụng lợi nhuận thu được để thực hiện chính sách xã hội; (3) Nhà nước cần thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là những cơ sở đã chứng minh được phương án trả nợ tốt và đóng góp thực sự hữu ích cho xã hội.

Cuối cùng, Chính phủ cần ban hành chính sách bình đẳng về chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên công lập và ngoài công lập trong thi đua khen thưởng, xét danh hiệu nhà nước, đào tạo bồi dưỡng, tiếp nhận và thuyên chuyển cán bộ từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại.

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Đắc Hưng (2019). Hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Kỷ yếu hội thảo giáo dục Việt Nam 2019: Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. NXB Lao động - Xã hội, tr 163-169.

 

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn